Bạn có đủ điều kiện tham gia Chương trình cho vay giáo dục đại học không? Ảnh: E+

 

 

AUSTRALIA - Khoảng ba triệu người Úc đang vay tiền chính phủ thông qua Chương trình cho vay giáo dục đại học hay còn gọi lại chương trình HELP.

 

Nếu bạn chuẩn bị đăng ký học đại học, bạn cũng có thể đủ điều kiện vay HELP để hoãn trả tiền các khoản học phí cho đến khi bạn có được việc làm.

 

 

Các loại chương trình HELP

 

Hiện nay có năm chương trình HELP đang hoạt động, trong đó HECS-HELP và FEE-HELP là phổ biến nhất.

 

Theo Stephanie Stockwell, phát ngôn nhân của Bộ Giáo dục, để đủ điều kiện nhận khoản vay HECS-HELP, bạn phải đăng ký học tại Địa điểm được Liên bang hỗ trợ.

Stephanie Stockwell nói “Địa điểm được liên bang hỗ trợ còn được gọi là CSP, là nơi sinh viên có thể đăng ký vào một trường đại học được chính phủ trả trợ cấp trực tiếp cho trường đại học đó, để giảm tổng chi phí khóa học cho sinh viên.”

“Tuy nhiên, sinh viên vẫn sẽ cần trang trải một phần chi phí của khóa học, và đó là lúc khoản vay HELP trở nên quan trọng, vì nếu họ đủ điều kiện thì họ có thể vay khoản vay HELP để trang trải số tiền học phí còn lại.”

 

HECS-HELP sẽ chi trả số tiền còn lại nhưng không chi trả tiền ăn ở và các chi phí khác.

 

Bà Stockwell cho hay khả năng đủ điều kiện nhận HECS-HELP hoặc lựa chọn thứ hai, FEE-HELP, sẽ được xác định bởi nơi bạn đăng ký học.

 

“Bạn sẽ được đăng ký với HECS-HELP hoặc FEE-HELP tùy thuộc vào khóa học bạn chọn. Cả hai đều giúp sinh viên trả tiền cho một khóa học giáo dục đại học, nhưng khoản vay HECS-HELP có thể được sử dụng khi bạn đăng ký tại Địa điểm được liên bang hỗ trợ CSP, còn FEE-HELP có thể được sử dụng nếu bạn đăng ký học ở một khóa học trả phí đầy đủ, và không được trợ cấp tại một trường đại học ở Úc.”

 

 

Khoản nợ HELP của bạn được tính như thế nào? Nguồn: Getty / Getty Images/Kanawa_Stud

 

 

Bạn có đủ điều kiện nhận khoản vay HELP không?

Lợi ích của HECS-HELP và FEE-HELP là sinh viên không bị buộc phải trả trước học phí.

 

Mặc dù vậy không phải tất cả sinh viên đều đủ điều kiện tham gia đăng ký tại Địa điểm được Liên bang hỗ trợ CPS hoặc khoản vay HELP.

 

Quyền Giám đốc điều hành của tổ chức các trường đại học Úc, Renee Hindmarsh giải thích.
 

“Vì vậy, điều kiện nhận trợ cấp HELP bao gồm các công dân Úc có kế hoạch học ít nhất một số khóa học của họ ở Úc. Còn đối với những người có visa, thì chỉ những ai có Visa Loại Đặc biệt New Zealand hiện tại hoặc đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu cư trú dài hạn, và cam kết học tập toàn bộ khóa học của họ ở Úc thì có thể xin HELP. Những ai có Visa Nhân đạo thường trú hoặc đủ điều kiện sẽ sống ở Úc trong suốt thời gian khóa học của họ cũng có thể xin HELP, hoặc thứ ba là những ai có Visa Pacific Engagement cũng có thể xin HELP.”

 

Các chuyên gia ở nước ngoài có thể tiếp cận một loại đặc biệt của khoản vay FEE-HELP để thực hiện khóa học bắc cầu.

 

 

Khoản nợ HELP được tính ra sao?

Cho dù tham gia học toàn thời gian hay bán thời gian, khoản nợ HELP của bạn được tính dựa trên số lượng môn học của bạn.

 

Bruce Chapman là Giáo sư danh dự về Kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Úc và là kiến trúc sư của hệ thống HECS.

 

Ông nói học phí không được tính theo năm mà tính theo môn học.
 

“Vì vậy, nếu bạn đăng ký học một bằng cấp, bạn có thể học bốn học phần trong học kỳ đầu tiên và mỗi học phần đó sẽ tốn một khoản tiền nhất định và bạn sẽ phải gánh khoản nợ bằng tổng số tiền đó. Vì vậy, một năm bạn có thể tốn 3.000 đô la, nhưng nếu năm tiếp theo bạn chỉ học một môn học, thì khoản nợ của bạn sẽ chỉ tăng thêm khoảng 500 đô la.”
 

 

Bạn càng học nhiều môn thì số tiền càng được thêm vào khoản nợ HELP của bạn.

 

 

Hình ảnh một nhóm sinh viên đại học Úc đến từ các văn hóa khác nhau. Ảnh: funky-data / Getty Imagesd

 

 

 

Làm thế nào để trả nợ HELP?

Khi nói đến việc trả hết nợ, các tính toán sẽ được thực hiện cho bạn.

 

Khoản nợ của bạn vẫn sẽ còn đó cho đến khi bạn tìm được việc làm. Khi người chủ của bạn khấu trừ thuế thu nhập từ tiền lương của bạn mỗi lần trả lương, họ sẽ khấu trừ thêm một chút để trả khoản nợ HELP của bạn.

 

Nhưng điều này chỉ xảy ra khi thu nhập hàng năm của bạn đạt đến một mức nhất định, Giáo sư Chapman nói.
 

"Hiện tại mức đó là dưới 52.000 đô la một năm, và sau đó bạn sẽ phải trả một phần trăm thu nhập của mình để trả nợ. Nó bắt đầu ở mức 1 phần trăm. Vì vậy, chẳng hạn, nếu bạn có một khoản nợ cho 30.000 đô la, điều này không phải là hiếm, và bạn không bắt đầu làm việc cho đến tận 5 năm sau, thì chẳng có gì xảy ra cả. Khi mà bạn bắt đầu kiếm được 52.000 đô la, thì 1% - tức là 520 đô la - sẽ được trừ khỏi khoản nợ của bạn cho đến khi hết nợ ”

 

 

Khả năng hoàn trả khoản nợ HELP của bạn phụ thuộc vào thu nhập của bạn và như chúng ta biết, thu nhập của mỗi người là khác nhau.

 

Điều này có nghĩa là tất cả những người có khoản vay HELP đều có một khoản nợ và cách thức trả nợ riêng.

 

Như giáo sư Chapman đã chỉ ra, nó không giống như khoản vay ngân hàng.

Giáo sư Bruce Chapman nói “Với khoản vay ngân hàng, mọi người phải trả một số tiền cụ thể hàng tháng và các lần điều chỉnh lãi suất, và tất cả đều rất rõ ràng là phải mất bao lâu. Với khoản nợ HECS, một số người sẽ trả xong, nếu họ có thu nhập rất cao, họ có thể trả xong trong khoảng 5 năm, trong khi đó một số người sẽ không trả hết nợ HECS cho tận đến khi họ về hưu và rời khỏi lực lượng lao động, vì vậy nó rất đa dạng. Nhưng thời gian trung bình để trả một khoản nợ HECS trung bình sẽ là khoảng 10 năm.”

 

 

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn rời khỏi nước Úc?
 

 

Khoản nợ của bạn sẽ không biến mất nếu bạn sống ở nước ngoài trong một thời gian dài. Chính phủ vẫn phải thu hồi nợ từ sinh viên Úc.
 

“Nếu bạn ra nước ngoài một thời gian và đó không phải là ngắn hạn, không phải là một kỳ nghỉ, thì theo luật, bạn phải đưa ra một tuyên bố, trong đó mô tả chi tiết về số tiền bạn kiếm được ở bất cứ đâu. Khi đó, nợ HECS sẽ được áp dụng và bạn trả nợ số tiền đó giống như khi bạn ở Úc.”

 

 

Có giới hạn về số nợ mà sinh viên có thể tích lũy, giới hạn được quy định trên trang web StudyAssist của chính phủ.

 

Mặc dù bạn không bắt buộc phải bắt đầu trả hết nợ cho đến khi đạt đến ngưỡng thu nhập 52.000 đô-la/ năm, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là khoản nợ của bạn có thể tăng lên.

 

Đó là bởi vì bất kỳ khoản nợ HELP nào còn tồn đọng đều được lập chỉ mục mỗi năm, bà Stephanie Stockwell cảnh báo.
 

“Việc này nhằm theo kịp những thay đổi về chi phí sinh hoạt. Và điều đó có nghĩa là khoản nợ HELP có thể tăng lên theo thời gian. Tỷ lệ chỉ số được áp dụng cho khoản nợ HELP thay đổi hàng năm vì nó dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng”

 

 

Giáo sư Chapman nói chương trình HELP có một đặc điểm đặc biệt quan trọng giúp nó khác biệt với các chương trình cho sinh viên nước ngoài vay.
 

 

Vì việc hoàn trả khoản vay phụ thuộc vào thu nhập của bạn nên bạn được bảo vệ khỏi việc bị đòi nợ nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính.
 

“Nếu mọi người gặp khó khăn, mất việc hoặc ốm đau hoặc đang chăm sóc cha mẹ già hoặc trẻ sơ sinh, họ không phải lo lắng về việc trả nợ HELP, vì chính phủ sẽ thu sau nếu họ gặp khó khăn về tài chính.”

 

 

Một khung cảnh của Đại học University of Sydney. Nguồn: AAP

 

 

 

"Nộp hồ sơ HELP rất dễ dàng"

 

Renee Hindmarsh cho biết nếu bạn đủ điều kiện nhận khoản vay HECS-HELP hoặc FEE-HELP, bạn chỉ cần đăng ký một lần trong suốt thời gian khóa học của mình.
 

 

Quá trình nộp đơn rất đơn giản.


“Các sinh viên đủ điều kiện sẽ được yêu cầu điền vào biểu mẫu Yêu cầu về nợ HECS-HELP do trường đại học của bạn cung cấp. Và trong biểu mẫu này, bạn cũng sẽ cần những thông tin như số hồ sơ thuế hoặc xác nhận đã đăng ký TFN, cũng như mã định danh học sinh duy nhất của bạn còn gọi là USI.”

 

Bạn có thể tìm thêm thông tin về sự hỗ trợ của chính phủ để tài trợ cho việc học đại học của bạn tại StudyAssist.