Trong các vụ lừa đảo bằng tin nhắn 'Hi Mum' hoặc  or 'người thân trong gia đình', nạn nhân được liên lạc bởi một kẻ lừa đảo mạo danh là người họ hàng hoặc là bạn bè nói rằng mình bị mất hoặc bị hỏng điện thoại. Ảnh: Unsplash

 

AUSTRALIA - Tính đến tháng 7/2022, có hơn 1.000 người Úc đã trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo gọi là “Hi Mum”, trong đó những kẻ lừa đảo mạo danh một thành viên gia đình hoặc bạn bè để liên lạc với nạn nhân yêu cầu giúp đỡ.

 

Theo ACCC, những kẻ lừa đảo thường đóng giả người thân hoặc bạn bè của nạn nhân và nói rằng điện thoại của họ đã bị hư hoặc bị mất, và họ đang sử dụng số mới.

 

Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ dò hỏi thông tin cá nhân, hoặc nhờ chuyển tiền để mua điện thoại mới, hoặc để thanh toán hoá đơn khẩn cấp.

 

Trong một ví dụ được đăng trên trang Facebook của Sở Cảnh sát NSW, kẻ lừa đảo bắt đầu bằng tin nhắn: “Chào mẹ, là con đây. Con vừa đổi số điện thoại mới, mẹ xoá số cũ đi nhé.”

 

Sau khi trao đổi vài tin nhắn, kẻ lừa đảo nói rằng hắn không thể sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại mới trong vòng 48 tiếng, và nhờ nạn nhân trả giúp hai khoản thanh toán.

--

 

Phó Chủ tịch ACCC Delia Rickard cho biết “Chúng tôi đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các vụ lừa đảo ‘Hi Mum’ trong vài tháng qua, vì vậy chúng tôi kêu gọi người dân Úc phải hết sức cảnh giác với các tin nhắn từ những số điện thoại lạ, tự nhận là con cái, cha mẹ, người thân hoặc bạn bè của họ,”

“Những kẻ lừa đảo sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để lấy thông tin cá nhân hoặc tiền của bạn, và trò lừa đảo này đánh vào trái tim của bạn. Điều quan trọng là hãy dừng lại và suy nghĩ mỗi khi bạn nhận được một tin nhắn, đặc biệt là trên WhatsApp, vì rất có thể đó không phải là thành viên gia đình hoặc bạn bè của bạn – đó là một kẻ lừa đảo.”

 

ACCC khuyên những người nhận được tin nhắn đáng ngờ từ số lạ, hãy xác minh xem nội dung tin nhắn có đúng hay không.

 

Bà Rickard nói “Nếu có người nhắn tin tự xưng là con trai, con gái, người thân hoặc bạn bè của bạn, hãy gọi cho số máy cũ của người đó được lưu trên điện thoại của bạn, để kiểm tra xem họ có còn sử dụng số đó hay không. Nếu họ bắt máy thì tin nhắn đó là một trò lừa đảo,”

 

“Nếu không thể liên lạc, bạn nên thử một cách khác để xác minh người bạn đang nói chuyện. Nếu bạn vẫn không thể liên lạc với thành viên gia đình hoặc bạn bè của mình, hãy đặt một câu hỏi cá nhân mà kẻ lừa đảo không thể biết câu trả lời.”

“Trên hết, đừng bao giờ chuyển tiền mà không chắc chắn rằng bạn đang gửi tiền cho ai.”

--

Hơn hai phần ba các vụ lừa đảo mạo danh người thân được báo cáo bởi phụ nữ trên 55 tuổi, gây thiệt hại hơn 1,4 triệu đô-la.

 

Bà Rickard nói “Thật không may, những kẻ lừa đảo vô đạo đức này đang nhắm vào phụ nữ và những người Úc lớn tuổi, với 82 phần trăm các vụ lừa đảo mạo danh người thân được báo cáo bởi những người trên 55 tuổi, chiếm 95 phần trăm tổng số thiệt hại được báo cáo,”

“Nếu bạn cho rằng mình đã bị lừa, hãy liên lạc với ngân hàng của bạn càng sớm càng tốt vì họ có thể xác định xem số tiền đó đã đi đâu, chặn các tài khoản lừa đảo và giúp những người khác tránh gửi tiền cho những kẻ lừa đảo.”