Valeria Greenfield và cô con gái đang nói chuyện với ông bà Emma và Julio Vega. Nguồn: Supplied

 

 

 

 

 

 

 

Một thỉnh nguyện thư thúc giục chính phủ liên bang xếp cha mẹ của công dân hoặc thường trú nhân vào diện miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh Úc, cho đến nay đã nhận được hơn 70,000 chữ ký.

 

 

 

Bà Valeria Greenfield, phát ngôn nhân đại diện cho sáng kiến này, nói với SBS Spanish rằng một thỉnh nguyện thư tương tự đã được đệ trình vào năm 2020, nhưng bị từ chối.

 

 

Thế nhưng bà và những người khác đã không bỏ cuộc.

 

 

Một bản kiến nghị mới có tên là Exemption for parents of Australians and Permanent Residents (Miễn trừ cho cha mẹ của người Úc và thường trú nhân) đã thu thập dược 70,540 chữ ký.

 

 

 

Bản kiến nghị cũng yêu cầu rằng, nếu không thể miễn trừ cho cha mẹ đến Úc, thì chính phủ hãy cho phép những người Úc có người thân ở nước ngoài, được phép xuất cảnh.

 

 

 

Bà Greenfield nói “Chúng ta cần có giải pháp, nếu họ không vào được thì hãy để chúng tôi bay ra nước ngoài, chúng tôi không thể tiếp tục tình trạng bấp bênh này. Cho đến khi nào? Đã 15 tháng rồi”.

 

 

 

Cô Paolo Gonzalez, một thường trú nhân tại Úc, là một trong số hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa biên giới quốc tế.

 

 

 

Cô sống tại Canberra với chồng và cô con gái 1 tuổi rưỡi tên là Mia.

 

 

 

Mẹ của cô Gonzalez sống một mình ở Bogotá, Colombia mà không có gia đình thân thiết bên cạnh.

 

 

Bên cạnh đó, cô Gonzalez còn bị trầm cảm sau sinh, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn do chồng cô không thể hỗ trợ vì bận rộn với công việc.

 

 

 

Cô Gonzalez đã nộp bốn đơn xin miễn trừ đưa mẹ cô đến Úc vì lý do nhân đạo.

 

 

Cô nói “Chúng tôi gửi kèm các lá thư từ bác sĩ, từ chuyên viên tâm lý, từ cấp trên của chồng tôi… Tôi là một bà mẹ đơn thân, một người mới đến Úc, mắc chứng trầm cảm sau sinh và thương tiếc cái chết của người cha mà tôi không thể nhìn mặt lần cuối do đại dịch.

 

“Nhưng những lý do này không đủ để Bộ cho là lý do nhân đạo và phù hợp”.

 

 

 

 

 

Paola Gonzales cùng chồng và con gái tên Mia. Nguồn:  Provided

 

 

 

 

 

 

 

Thượng nghị sĩ đảng Xanh Nick McKim cam kết sẽ đệ trình bản kiến nghị lên Thượng viện.

 

 

 

Trước đó ông từng nói với SBS Spanish rằng đảng của ông “ghê tởm cách Chính phủ điều hành các nỗ lực hồi hương công dân, đóng cửa biên giới quốc tế, và quản lý các cơ sở kiểm dịch”.

 

 

 

Ông tuyên bố rằng chính phủ đã “nhanh chóng triển khai kế hoạch của họ cho người giàu, cho người nổi tiếng, cho các ngôi sao thể thao và cho các nhà đầu tư giàu có”, những người muốn đến Úc.

 

 

 

Ông nói “Mỗi ngày họ đều từ chối các yêu cầu từ cha mẹ của công dân Úc đến Úc trong những hoàn cảnh ‘bắt buộc và nhân đạo’. Và mỗi ngày họ đều từ chối yêu cầu rời khỏi Úc của công dân Úc trong những hoàn cảnh ‘bắt buộc và nhân đạo’. Chính phủ không có kế hoạch làm thế nào để giải quyết những tình huống hết sức đau lòng này”.

 

 

 

Ông McKim nhấn mạnh rằng “Chính phủ không thể phớt lờ vấn đề này nữa. Họ cần một kế hoạch cụ thể để làm thế nào để đoàn tụ các gia đình đã ly tán hơn 14 tháng nay và chưa có hồi kết thực sự”.

 

 

 

 

 

Thượng Nghị sĩ Đảng Xanh, Nick McKim, đang thúc đẩy việc xem xét lại chính sách đoàn tụ gia đình. Nguồn: AAP

 

 

 

 

 

Bà Greenfield hy vọng rằng lần này Chính phủ sẽ hành động.

 

 

“Tôi nghĩ rằng sẽ có một số sự linh hoạt. Tôi tin rằng đoàn tụ gia đình phải là một lý do thuyết phục và nhân ái như được liệt kê trên trang mạng của Bộ Nội vụ.”

 

“Và cũng như đã có nhiều trường hợp những người từ nước ngoài đến: những người nổi tiếng, diễn viên và vận động viên đã mang theo gia đình, và chính phủ đã có thể vận hành suôn sẻ, tôi nghĩ điều đó cũng có thể được thực hiện để cha mẹ chúng ta có thể đến đây.”