Quyền Tổng Trưởng Dịch Vụ Di Trú, Công Dân và Nhập Cư và Đa Văn Hóa, Alan Tudge. Nguồn: AAP

 

 

 

 

Các công dân Úc muốn bảo lãnh bạn đời định cư sẽ phải vượt qua bài kiểm tra nhân thân và chia sẻ kết quả với vợ hoặc chồng trước khi nộp hồ sơ xin visa.

 

 

Chính phủ liên bang nói rằng những thay đổi mới sẽ giúp bảo vệ di dân khỏi nạn bạo hành gia đình.

 

 

Quyền Tổng trưởng Di trú,  Alan Tudge, đã tiết lộ thêm chi tiết về những thay đổi này, được công bố lần đầu trong Ngân sách liên bang hồi tuần trước, và nói rằng bất kỳ kết quả bất lợi nào từ bài kiểm tra nhân thân của người bảo lãnh sẽ được tiết lộ với người bạn đời để họ có thể “đưa ra quyết định sáng suốt” về việc có nên tiếp tục hồ sơ xin visa hay không.

 

 

Kết quả sẽ bao gồm bất kỳ thông tin nào cho thấy rủi ro bạo hành gia đình trong tương lai, bao gồm các vụ vi phạm trong quá khứ.

 

 

Mặc dù ủng hộ việc chia sẻ thông tin giữa các cặp vợ chồng, một số tổ chức chống bạo hành gia đình cảnh báo rằng những thay đổi này có thể khiến cho phụ nữ di dân có ít lựa chọn định cư hơn.

 

 

Michal Morris, giám đốc điều hành InTouch – một tổ chức chống bạo hành gia đình chuyên hỗ trợ di dân – nói với SBS News rằng một số phụ nữ có thể sẽ không trình báo các vụ bạo hành gia đình với cảnh sát, vì lo sợ bạn đời sẽ không thể bảo lãnh cho họ trong tương lai.

 

Bà cũng lưu ý rằng nhiều người có thể đã kết hôn hoặc có con vào thời điểm họ nộp đơn xin visa bạn đời, điều đó có nghĩa là người phụ nữ sẽ khó rời bỏ mối quan hệ, ngay cả khi kết quả kiểm tra cho thấy người chồng có lịch sử bạo hành gia đình.

 

 

Những người giữ visa bạn đời tạm thời hiện nay có thể tiếp tục nộp hồ sơ xin thường trú nếu họ có thể chứng minh được rằng họ là nạn nhân của bạo hành gia đình, ngay cả khi mối quan hệ đã kết thúc.

 

 

Trong năm năm qua, 2,450 visa bạn đời đã được cấp sau khi đương đơn trình báo các vụ bạo hành gia đình.

 

Bà nói  “Chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể hơn về hoàn cảnh của mỗi người phụ nữ và mối quan hệ của họ”.

 

Nhiều di dân tạm trú có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình trong đại dịch COVID-19.

 

 

Bà Monique Dam, giám đốc vận động của DVNSW, cơ quan cao nhất đại diện cho các tổ chức chống bạo hành gia đình ở NSW, nói rằng chính phủ có trách nhiệm phải bảo đảm tất cả nạn nhân có thể tiếp cận nguồn thu nhập, nhà ở và phúc lợi xã hội bất kể tình trạng visa của họ là gì.

 

 

Bà nói  “Phụ nữ và những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ giữ visa tạm trú là nạn nhân của bạo hành tình dục và bạo hành gia đình, bao gồm visa du học, làm việc, bạn đời, gia đình, người chăm sóc, du lịch, và visa bắc cầu,”

 

“Phải làm sao để không ai có nguy cơ bị giết hại, hoặc không có lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại với kẻ bạo hành, vì họ không còn nơi nào khác để đến...

 

“Chính phủ nên mở rộng các điều khoản về bạo hành gia đình để áp dụng cho tất cả những người giữ visa tạm trú”.

 

 

Bài kiểm tra nhân thân là một phần của những thay đổi trong quy trình xin visa bạn đời, bao gồm yêu cầu kỹ năng tiếng Anh gây tranh cãi, mà Bộ Nội vụ ước tính sẽ tiết kiệm cho chính phủ 4.9 triệu đô-la trong bốn năm.

 

 

Những thay đổi này dự kiến sẽ được triển khai từ cuối năm 2021 và chỉ áp dụng cho những hồ sơ mới.

 

 

Lý lịch tư pháp vốn đã là một phần của quá trình xin visa, nhưng theo quy định mới, việc kiểm tra nhân thân của người bảo lãnh sẽ diễn ra trước khi nộp hồ sơ.

 

 

Theo ông Tudge, những người nhập cư không biết tiếng Anh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình, bởi họ khó thể tiếp cận mạng lưới hỗ trợ ở Úc.

 

Ông nói “Bất kể bạn là ai, bạn đến từ đâu, bạn đang giữ visa hay có quốc tịch Úc – không ai nên bị mắc kẹt trong một mối quan hệ bạo lực,”

 

Chi tiết về bài kiểm tra nhân thân sẽ được công bố trong những tháng tới.