Khoảng một phần tư những người có tài khoản tiền hưu ở Úc có nhiều quỹ hưu bổng cùng lúc và phải trả phí không cần thiết. Nguồn: Getty Images.

 

 

 

 

 

Quỹ hưu bổng nhằm chuẩn bị cho một cuộc sống dễ chịu khi về hưu, tuy nhiên nhiều di dân lại không mấy quan tâm đến chuyện hưu bổng và khiến cho họ có thể mất một số tiền tiết kiệm đáng kể.

 

 

Quỹ Hưu bổng thường được gọi tắt là Super, được đóng góp bằng cách trích một phần thu nhập của người lao động mỗi tháng cho đến lúc về hưu.

 

 

-Tiền đóng vào quỹ hưu bổng sẽ tăng từ 9.5% lên 10% từ ngày 1/7/2021.

-25% người đi làm ở Úc sở hữu nhiều quỹ hưu bổng một lúc, điều này khiến họ phải trả nhiều tiền cho phí quản lý và từ đó làm giảm tiền tiết kiệm.

-Các chuyên gia khuyên nên trích thêm thu nhập để đóng góp thêm vào quỹ hưu bổng, vì mức thuế ở quỹ hưu bổng chỉ có 15%, thay vì trung bình là 34% thu nhập.

 

 

Còn Bảo đảm Hưu bổng hay Superannuation Guarantee, là tỷ lệ tối thiểu mà chủ doanh nghiệp trích từ lương phải trả cho người lao động và đóng vào quỹ hưu bổng.

 

 

Hiện tỷ lệ này là 10% bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2021.

 

 

Bất cứ ai kiếm được hơn $450 trước thuế mỗi tháng sẽ hội đủ điều kiện để đóng góp vào quỹ hưu bổng từ chủ nhân.

 

 

 

Sở hữu nhiều quỹ hưu bổng cùng lúc là lý do tiền tiết kiệm bị thất thoát.

 

Thế nhưng ông Rasheh Bhavsar, một cố vấn tài chính tại Melbourne quan ngại rằng, hầu hết các di dân mới hiểu biết rất ít, hay không có ý kiến gì về quỹ hưu bổng của họ hoạt động ra sao.

 

 

Ông Rasheh Bhavsar nói “Vấn đề hưu bổng hết sức phức tạp tại Úc, hầu hết các di dân không thực sự hiểu được chuyện nầy đầy đủ.

 

"Về căn bản nếu quí vị làm việc tại Úc, luật pháp buộc chủ nhân phải đóng 9,5% số lương của quí vị, rồi tăng lên 10% và lên đến 12% vào năm tài chính 2026."

 

 

 

Ông cho biết nhiều người có nhiều hơn một quỹ hưu bổng, mà theo Sở Thuế, số người này chiếm khoảng 1/4 những người có quỹ hưu bổng tại Úc.

 

 

Ông nói “Đối với hầu hết di dân, họ không xem hưu bổng là khoản đầu tư, bởi vì chủ doanh nghiệp sẽ chọn quỹ hưu bổng cho họ, rồi sau đó họ thay đổi công việc và lại có quỹ hưu bổng mới.”

 

"Kết quả là họ có nhiều quỹ hưu bổng, và phải trả chi phí quản lý rất cao."

 

"Có người có đến 4 hoặc 5 quỹ hưu bổng khác nhau và các quỹ nầy đều tính phí, trong đó có những quỹ còn chẳng có tiền trong tài khoản.”

 

"Vì vậy luôn luôn chọn một quỹ duy nhất và bất cứ khi nào thay đổi công việc, hãy cho chủ nhân biết về quỹ hưu bổng của mình”.

 

 

 

Quí vị chỉ có thể rút tiền từ quỹ hưu bổng khi quí vị về hưu, đủ 65 tuổi hay rút sớm với các lý do nhân đạo như khuyết tật, chữa bệnh hay đi lại, trả tiền nợ mua nhà để bảo vệ bất động sản của quí vị.

 

 

 

 

Trong suốt đại dịch COVID-19 pandemic, 4,8 triệu người làm công ăn lương đã lấy tiền hưu sớm. Nguồn: Rio Helmi/LightRocket via Getty Images

 

 

 

 

 

Thế nhưng các dữ kiện từ tổ chức điều hành Prudential Úc Châu hay APRA cho thấy, có 4,8 triệu người dân Úc đã phải rút tiền sớm do những khó khăn trong thời buổi đại dịch.

 

 

 

Đóng góp thêm vào quỹ hưu bổng để tăng nhanh tiền tiết kiệm.

 

Nếu quí vị phải rút tiền hưu bổng sớm, ông Tony Negline, người đứng đầu về quỹ hưu bổng tại Úc và Tân Tây Lan đề nghị rằng, việc hy sinh lương bổng (salary sacrifice) là một cách để tăng tiền tiết kiệm.

 

 

Ông Tony Negline nói “Thí dụ tôi được trả lương $40,000 mỗi năm, tôi có thể gặp chủ doanh nghiệp để đề nghị thay vì trả $40,000 mỗi năm, thì có thể trả tôi $37,000, còn $3,000 hãy bỏ vào quỹ hưu bổng cho tôi, như phần đóng góp thêm của chủ nhân được không?”.

 

 

 

Nếu quí vị có lợi tức thấp, chính phủ có một kế hoạch đồng đóng góp, theo đó thêm tiền vào quỹ hưu bổng của quí vị, ông Negline giải thích.

 

Ông nói “Năm nay thí dụ như quí vị kiếm được ít hơn $41,000 và quí vị đóng góp $1,000 sau thuế và thông báo cho Sở Thuế biết , họ sẽ bỏ thêm $500 đô la vào quỹ hưu bổng cho quí vị”.

 

 

Thế nhưng không may, không phải mọi nhân viên đều được trả lương qua sổ lương, với những người nhận tiền mặt, ông khuyến khích họ nhận lương qua số thuế của mình.

 

 

Ông Tony Negline nói “Quí vị có số thuế khi đến nước Úc, đó là phương tiện để giao dịch với Sở Thuế.

 

"Quí vị có thể vào tài khoản MyGov, vào trương mục thuế và từ đó cho Sở Thuế biết là, quí vị nghĩ là vị chủ nhân đã làm điều không đúng với quí vị.

 

"Sở Thuế sau đó sẽ âm thầm mở cuộc điều tra”.

 

 

 

Theo Hiệp hội Hưu bổng Úc Châu gọi tắt là ASFA, cá nhân hay các cặp đôi khoảng 65 tuổi, cần có một ngân sách hàng năm là 28,179 đô la cho cá nhân và 40,739 đô cho hai người, sẽ sống tạm đủ nếu họ về hưu.

 

 

Thế nhưng con số của tài khoá 2017-2018 từ Văn phòng Thống kê Úc cho thấy, mức hưu bổng cho những người ở tuổi 65 là $168,500 cho nam và $121,300 cho nữ.

 

 

 

Trong khi chính phủ Úc trả trợ cấp tiền già cho những người trên 66 tuổi và sống ở nước Úc hơn 10 năm, ông nói rằng số tiền đó không đủ để trang trải cho cuộc sống dễ chịu khi về hưu.

 

 

Ông Tony Negline nói “Quí vị phải tự bỏ tiền túi ra để tăng quỹ hưu bổng, nếu không, thu nhập từ hưu bổng của quí vị sẽ không đủ bù chi.

 

"Quí vị chỉ bị đánh thuế 15%, so với mức thuế lên tới 47% nếu quí vị là người có thu nhập cao, bao gồm cả chi phí y tế.

 

"Còn đối với hầu hết mọi người đều phải trả thuế là 34%.

 

"Tổng cộng, đó là 15% và khoản tiết kiệm thêm đó có thể làm gia tăng đáng kể tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu của quí vị”.

 

 

Cân nhắc khi chọn một quỹ hưu bổng.

 

Bà Fatma Saaoud là giám đốc điều hành cho quỹ có tên là Crescent Wealth, là một quỹ hưu bổng Hồi Giáo duy nhất tại Úc.

 

 

Bà ghi nhận có nhiều công nhân mới đến Úc không quan tâm đến quỹ hưu bổng của họ.

 

 

Đối với các phụ nữ còn khó khăn hơn khi họ phải đảm nhận vai trò chăm sóc tại nhà hơn là đi làm để được trả lương.

 

 

Bà Fatma Saaoud nói: “Phụ nữ thường về hưu với quỹ hưu bổng kém hơn đến 47% so với nam giới và điều nầy là do họ lấy nhiều ngày nghỉ để nuôi nấng con cái.

 

"Ngoài ra có khoảng 43% phụ nữ làm việc bán thời, khiến cho việc đóng góp vào hưu bổng kém hơn”.

 

 

 

Thật rất khó để chọn lựa một quỹ hưu bổng thích hợp với giá trị cá nhân hay quyền lợi tài chính.

 

Ông Negline nói rằng, bởi hiện nay chưa có một trang mạng độc lập trong đó liệt kê các quỹ hưu bổng có sẳn, người dân cần phải tự tìm kiếm quỹ nào tốt nhất cho mình.

 

 

Ông Tony Negline nói “Tôi nghĩ đó là một ý kiến hay để ngồi xuống bàn luận và nói rằng, ‘được rồi đâu là một số vấn đề mà tôi thực sự muốn ở một quỹ hưu bổng?’.

 

"Sau đó tìm một quỹ không chỉ hoạt động tốt, mà còn mang lại lợi lộc”.

 

 

Bà Saaoud nói rằng, có nhiều người không phải là Hồi Giáo nay hướng đến quỹ hưu bổng Hồi Giáo do vấn đề về đạo đức, khi chọn đầu tư và các ngành kỹ nghệ như chăm sóc y tế, chế tạo, bất động sản và năng lượng xanh.

 

Bà Fatma Saaoud nói: “Chúng tôi nhận thấy khá nhiều giáo chức thuộc nguồn gốc không phải là Hồi Giáo tham gia vào quỹ, bởi vì họ thấy rõ vấn đề rượu chè và cờ bạc trong giới sinh viên, khi chúng đến lớp học”.

 

 

 

 

Trong khi đó ông Negline cho biết, bất chấp tính chất của công việc, điều quan trọng là xây dựng thái độ tiết kiệm khi về hưu và cũng quan trọng là không để ý nhiều đến những món tiền nhỏ quí vị để riêng vào hôm nay.

 

Ông Tony Negline nói: “Số tiền của tôi sẽ tăng gấp đôi sau 10 năm, vì vậy $1,000 tôi bỏ vào quỹ hôm nay thì trong thời gian 10 năm, nó sẽ trị giá $2,000".

 

"Sau đó thêm 10 năm nữa, $2,000 sẽ trở thành $4,000, rồi 10 năm sau nữa, $4,000 sẽ trở thành $8,000”.

 

 

 

Còn ông Bhavsar đề nghị mạnh mẽ rằng, người dân cần gặp một cố vấn tài chính hay lên trang mạng Money Smart để tìm hiểu về hưu bổng.

 

 

Ông Rasheh Bhavsar nói:  “Hãy xem chuyện hưu bổng hết sức nghiêm chỉnh vì nó là một phần lợi tức của quí vị và nếu quí vị không hiểu, hãy nói chuyện với cố vấn tài chính.

 

"Không nên làm ngơ bởi vì việc nầy sẽ khiến quí vị phải trả một giá khá đắt khi đã về hưu".

 

 

Để biết thêm về hưu bổng, xin vào trang mạng Money Smart ở địa chỉ moneysmart.com.au

 

 

Quý vị cũng có thể nói chuyện với Dịch vụ Thông tin Tài chính thuộc Service Australia, ở số 131 202 để có các thông tin miễn phí về tài chính bằng ngôn ngữ của quý vị.