Các nghiên cứu viên đã kết hợp hai loại thuốc thường dùng cho bịnh Parkinson thành một liều thuốc tiêm với tác dụng kéo dài. (ABC News: Guido Salazar)
NAM ÚC - Các chuyên gia nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc tiêm mới mà họ hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành "bước ngoặt" cho những người mắc bịnh Parkinson.
Các khoa học gia ở Trường Đại học Nam Úc (University of South Australia) đã làm việc hơn hai năm để phát triển công thức này, được nghiên cứu và phát triển để thay thế nhu cầu sử dụng nhiều loại thuốc uống hàng ngày.
Liều thuốc, đang được nghiên cứu này, kết hợp hai loại thuốc thường dùng cho bịnh Parkinson — thuốc levodopa, và thuốc carbidopa — thành một liều thuốc tiêm.
Sanjay Garg và Deepa Nakmode đã làm việc hơn hai năm để phát triển loại thuốc tiêm này. (ABC News: Guido Salazar)
Loại thuốc này, là một dạng dung dịch phân hủy sinh học, được nghiên cứu để tiêm vào bệnh nhân, sau đó nó tạo thành một cấu trúc tương tự như một mô cấy dưới da và tiết ra thuốc đều đặn trong bảy ngày.
Giáo sư Sanjay Garg, làm việc tại Trung tâm Cách tân Dược phẩm Đại học Nam Úc (University of South Australia's Centre for Pharmaceutical Innovation), cho biết, "Một mũi tiêm sẽ có hiệu quả trong một tuần so với việc bệnh nhân uống ba hoặc bốn viên thuốc mỗi ngày".
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho đến nay đã xác nhận hiệu quả của công thức đang nghiên cứu này, nhưng Giáo sư Garg cho biết thử nghiệm thực sự sẽ là các thử nghiệm lâm sàng trên người, điều này vẫn chưa được thực hiện.
Giáo sư Garg cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ là bắt đầu thử nghiệm trên động vật, mà ông hy vọng sẽ bắt đầu trong sáu tháng nữa, tùy thuộc vào các phê duyệt về đạo đức trong nghiên cứu y học.
Ông nói, "Chúng tôi sẽ tiêm thuốc này cho động vật, và sau đó đánh giá nồng độ trong máu của chúng để xem tiến trình thuốc tiết ra như thế nào".
Ông hy vọng nghiên cứu này có thể mở ra nhiều tiềm năng hơn để phát triển các phương pháp tốt hơn để điều trị các bịnh mãn tính khác.
Ông nói, "Chúng tôi không phát minh ra một loại thuốc mới, tất cả những gì chúng tôi đang làm là cố gắng tìm ra một phương pháp mới để đưa các loại thuốc hiện có vào trong cơ thể bịnh nhân". Chuyên gia nghiên cứu này nói rằng, bệnh nhân sẽ được "tự do hơn trong cuộc sống".
Cơ quan quốc gia hổ trợ những người bị bịnh Parkinson - là cơ quan Parkinson's Australia - ước tính hiện có hơn 150.000 người Úc đang sống chung với căn bệnh này, căn bệnh ngày càng trở nặng theo thời gian và chưa có phương pháp chữa trị nào được biết đến, với việc điều trị tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng.
Deepa Nakmode cho biết công thức này đã được nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Úc. (ABC News: Guido Salazar)
Deepa Nakmode, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Nam Úc, cho biết mục đích của việc tạo ra một loại thuốc tiêm là để làm cho việc trị bịnh được đơn giản cho những bịnh nhân hiện đang uống thuốc từ ba đến năm lần mỗi ngày.
Cô Nakmode cho biết, đặc biệt đối với những bệnh nhân cao niên, việc nhớ uống thuốc đúng liều vào đúng giờ trong ngày có thể rất khó khăn.
Cô nói, "Ngay cả khi quên một liều thuốc, họ cũng không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường".
Cô Nakmode cho biết khoảng 100 công thức kết hợp khác nhau đã được thử nghiệm trước khi cho ra đời sản phẩm sau cùng, sản phẩm đã được nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Úc.
Công thức được nghiên cứu này kết hợp hai loại thuốc đã được phê duyệt được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị bịnh Parkinson. (ABC News: Guido Salazar)
Cô nói, "Là một khoa học gia, tôi cảm thấy tự hào khi tạo ra một sản phẩm cần thiết về mặt lâm sàng, chứ không chỉ vì mục đích nghiên cứu",
"Loại thuốc tiêm tác dụng kéo dài này sẽ là một bước đột phá cho những người mắc bịnh Parkinson, nghĩa là họ dùng liều lượng ít hơn, ít dao động hơn, và cuộc sống tự do hơn."
Olivia Nassaris, là Giám đốc điều hành của tổ chức Parkinson's Australia, đã hoan nghênh những phát kiến này, mà bà mô tả là một "bước đột phá" cho bệnh nhân.
Bà Nassaris nói, "Đã nhiều năm nay, việc điều trị bịnh Parkinson không có nhiều tiến triển và người bị bịnh chủ yếu xử dụng thuốc uống",
"Chưa có loại thuốc nào trên thị trường có cách xử dụng tương tự như loại thuốc đang được nghiên cứu này."
Peter Willis cho biết ông nhận thấy các triệu chứng của mình xấu đi nếu không uống thuốc đúng giờ. (ABC News: Guido Salazar)
Liều thuốc uống hàng ngày là "nỗi phiền phức" phải nhớ
Cựu học giả Peter Willis được chẩn đoán mắc chứng bịnh thoái hóa thần kinh 10 năm trước, khi ông đã ngoài 70 tuổi.
Người đàn ông 86 tuổi này uống thuốc uống bốn lần một ngày cùng với các loại thuốc viên khác để điều trị bệnh tim — nhưng ông thừa nhận đôi khi ông quên uống thuốc.
Peter Willis được chẩn đoán mắc bịnh Parkinson cách đây mười năm. (ABC News: Guido Salazar)
Ông nói rằng việc tiêm thuốc hàng tuần sẽ dễ kiểm soát hơn.
Ông nói, "Việc phải nhớ uống bốn lần thuốc mỗi ngày thật là phiền phức".
Ông Willis cho biết ông nhận thấy các triệu chứng bịnh của mình xấu đi nếu ông không uống thuốc đúng giờ.
Ông nói, "Nếu không uống thuốc đúng giờ, tôi sẽ thấy mình không thể đi tới đi lui được",
"Cơ thể bạn sẽ mất năng lượng, như thể bạn mất hết sức lực. Bạn uống thuốc lại và rồi cơ thể bạn sẽ tiếp tục khỏe lại."
(Theo Báo Nam Úc)