Hình ảnh một rặn san hô bị tẩy trắng gần Keppel Islands, thuộc rặn đại san hô Great Barrier Reef. (AP Photo/Ove Hoegh-Guldberg) Nguồn: AP

 

AUSTRALIA - Chính phủ Liên bang đã từ chối khuyến nghị của Liên hợp quốc rằng rạn san hô Great Barrier Reef cần đưa vào danh sách 'đang gặp nguy hiểm'. Báo cáo, được thực hiện khi chính phủ Morrison trước đó đang nắm quyền, cho thấy những rủi ro nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, tẩy trắng san hô và chất lượng nước xuống cấp đang gia tăng các mối đe dọa với Di sản Thế giới.

 

Rạn san hô Great Barrier Reef được công nhận là kỳ quan thế giới trong nhiều thập kỷ, nay đang đối mặt với những cảnh báo nghiêm trọng và cấp bách về tương lai.

 

Một báo cáo do Liên Hợp Quốc dẫn đầu, sau chuyến công tác kéo dài 10 ngày vào tháng 3, đã khuyến nghị đưa Di sản Thế giới Great Barrier Reef vào danh sách “đang gặp nguy hiểm".

 

"Bạch hóa hàng loạt thường xuyên", "độ chua của nước tăng lên" và "đánh bắt cá bằng lưới hủy diệt san hô" được trích dẫn là một số mối đe dọa ngày càng tăng.

 

Báo cáo cũng cho thấy các chủ sở hữu truyền thống, những người Thổ dân vẫn "thiếu đại diện và bị thiệt thòi" trong việc giúp bảo vệ rạn san hô.

 

Ông Simon Bradshaw từ Hội đồng Khí hậu tin rằng những phát hiện này "khẳng định" những gì đã được biết đến từ lâu.

 

Ông Simon Bradshaw, tại Hội đồng Khí hậu, nói “Tác động của nó sẽ gây ảnh hưởng về mặt an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi của chúng ta. Có một lượng lớn san hô đang bị đe dọa ở đây, chúng ta bắt buộc phải làm mọi thứ có thể để hạn chế những tác hại trong tương lai.”

 

Báo cáo đã đưa ra 12 khuyến nghị.

 

Trong số các "ưu tiên cao" mà phúc trình nhấn mạnh; cả chính phủ Liên bang và Queensland cần tăng cường đầu tư vào chất lượng nước và áp dụng các chính sách giảm phát thải mạnh mẽ hơn để hạn chế sự nóng lên ở mức 1.5 độ.

 

Ông Richard Leck từ tổ chức World Wide Fund Australia, hoan nghênh những phát hiện này.

 

"Bản thân báo cáo này không phải lần cảnh báo đầu tiên về việc rạn san hô sẽ bị xếp vào danh sách các di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Trong sáu năm qua, chúng ta đã chứng kiến bốn sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt.”

“Rõ ràng, biến đổi khí hậu là một vấn đề tác động lớn nhất đến rạn san hô. Về căn bản, thời gian không còn bao lâu nữa, chúng ta phải cho rạn san hô một cơ hội chiến đấu."

 

Đây là lần thứ hai những khuyến nghị như vậy được đưa ra.

 

Năm ngoái, Bộ trưởng Môi trường khi đó là Sussan Ley đã vận động UNESCO đưa rạn san hô ra khỏi danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Người kế nhiệm bà, Tanya Plibersek, hôm nay cho biết bà sẽ làm như vậy.

Bộ trưởng môi sinh Tanya Plibersek nói “Không cần phải tách riêng Rạn san hô Great Barrier Reef theo cách này. Nếu Great Barrier Reef gặp nguy hiểm thì mọi rạn san hô trên thế giới cũng gặp nguy hiểm.”

 

Khi bác bỏ phát hiện quan trọng của báo cáo, Đảng Lao động Liên bang đã nói về những thay đổi lập pháp kể từ khi nắm quyền, bao gồm cam kết 1,2 tỷ đô la cho rạn san hô và cam kết giảm 43% lượng khí thải xuống dưới mức của năm 2005 vào năm 2030.

 

Thượng nghị sĩ Nita Green, Đặc phái viên của chính phủ về Rạn san hô Great Barrier, cho biết báo cáo được thực hiện dưới thời chính phủ Morrison trước đây.

"Kể từ thời điểm đó, chúng ta đã thay đổi chính phủ và chúng tôi đã thực hiện các bước quan trọng trong chính sách và thực hiện việc quản lý rạn san hô".

 

Trong một tuyên bố, chính phủ Queensland cho biết nhiều thứ đã thay đổi kể từ tháng 3 và hiện họ đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ liên bang.

 

Ông Richard Leck tin rằng các khuyến nghị nên được thông qua đầy đủ, nhưng đồng ý rằng việc niêm yết nên được hoãn lại.

"Thật hạnh phúc khi thấy chính phủ Úc nói rằng họ muốn trở thành người dẫn đầu. Chúng tôi coi báo cáo này là phép thử lớn đầu tiên cho quyết tâm đó, để chuyển từ một người chậm trễ trong hành động khí hậu thành một người đi đầu về bảo vệ môi trường, chính phủ Úc và Queensland cần đẩy mạnh thực hiện các cam kết này."