(Ảnh: SBS)

 

 

AUSTRALIA - Liên đảng cho biết năng lượng nguyên tử có thể giúp Úc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới nền kinh tế cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể. CSIRO vừa công bố phúc trình xem xét chi phí của năng lượng nguyên tử so với các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

 

Úc đã tiến gần đến việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào cuối những năm 1960 khi Thủ tướng Đảng Tự do lúc bấy giờ là ông John Gorton đề xuất xây dựng một nhà máy điện nguyên tử ở Vịnh Jervis.

 

Dự án này cuối cùng đã bị bỏ rơi.

 

Nhưng bây giờ, với cuộc bầu cử liên bang sắp diễn ra và dữ liệu mới do cơ quan khoa học quốc gia CSIRO công bố, cuộc tranh luận về vấn đề này tiếp tục diễn ra.

 

Vấn đề này được khơi dậy một lần nữa tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (ngày 22 tháng 5), khi phát ngôn viên cho Bộ Tài chính của đảng đối lập Angus Taylor nói rằng năng lượng nguyên tử là một phần quan trọng trong nền tảng chính sách mà Liên đảng đang thực hiện cho cuộc bầu cử liên bang tiếp theo.

"Có rất nhiều điều trong chính sách này, nhưng đây là một sự thay đổi lớn. Tôi có thể nói rằng đây là sự thay đổi sâu sắc nhất về chính sách năng lượng trong đời tôi, và đó là lý do tại sao chúng tôi đang thực hiện nó rất tỉ mỉ."

 

 

Đó là một sự thay đổi mà nước Úc chưa từng thực hiện trước đây: đề xuất năng lượng nguyên tử trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

 

Nhưng với rất ít chi tiết được công bố, các câu hỏi vẫn xuất hiện, từ các địa điểm tiềm năng cho đến giá cả.

 

Đầu năm nay, lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đã đề xuất Úc nên áp dụng năng lượng nguyên tử.

 

Nhưng Thủ tướng Anthony Albanese không bị thuyết phục.
 

“Điều đó thật vô nghĩa...Thực tế là thị trường đã lên tiếng. Thị trường đang nói rằng năng lượng tái tạo rẻ hơn 6 lần so với năng lượng điện nguyên tử mới, và đó là lý do tại sao không ai muốn lên tiếng tài trợ cho những lò phản ứng này."

 

 

Nhưng tiềm năng nguyên tử đóng vai trò gì trong cơ cấu năng lượng của Úc trong tương lai?

 

Báo cáo GenCost hàng năm mới được công bố của CSIRO đưa ra ý tưởng rõ ràng nhất về chi phí nguyên tử quy mô lớn.

 

Người ta ước tính một nhà máy điện nguyên tử lớn công suất 1 megawatt tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn hơn 8 tỷ đô-la và sẽ không hoạt động cho đến ít nhất là năm 2040.

 

Ông Paul Graham, Trưởng kinh tế gia về vấn đề năng lượng của CSIRO, cho biết do Úc không có ngành công nghiệp nguyên tử nên chi phí ban đầu có thể sẽ tăng gấp đôi.

 

Ông nói, “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa nguyên tử quy mô lớn vào báo cáo GenCost. Và những gì chúng tôi nhận thấy là nó rẻ hơn một số thiết kế nguyên tử quy mô nhỏ hơn mà chúng tôi đang xem xét, nhưng vẫn tốn kém hơn một đến hai lần rưỡi so với năng lượng tái tạo. Bất cứ khi nào chúng ta xây dựng thứ gì đó lần đầu tiên, phí bảo hiểm có thể lên tới 100%, vì vậy chi phí cho nhà máy đầu tiên sẽ từ 16 đến 24 tỷ đô-la.”

 

Nhưng liệu năng lượng nguyên tử, loại năng lượng gần như không tạo ra khí thải nhà kính, cuối cùng có thể đóng vai trò gì trên con đường đạt tới mức khí thải bằng 0 của Úc?

 

Các nhà máy phát điện bằng năng lượng nguyên tử hoạt động ở hơn 30 quốc gia và tạo ra khoảng 10% năng lượng của thế giới.

 

Mỹ, Pháp, Trung Quốc là những nước tiêu dùng lớn nhất.

 

Tuy nhiên, ở Úc, việc sản xuất điện bằng năng lượng nguyên tử bị pháp luật cấm.

 

Liên đảng muốn dỡ bỏ lệnh cấm đó và xây dựng các nhà máy điện nguyên tử tại các địa điểm của các nhà máy than đã ngừng hoạt động.

 

Ông Dutton cho biết ông đã nghĩ đến 6-7 địa điểm tiềm năng cho các nhà máy điện nguyên tử và sẽ sớm tiết lộ.

 

Tiến sĩ Dylan McConnell, chuyên gia phân tích hệ thống năng lượng và năng lượng tái tạo tại Đại học New South Wales, cho biết

"Tôi có thể thấy sự hấp dẫn của việc tạo ra các nhà máy nguyên tử thay vì các nhà máy than. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu đi vào chi tiết, ý tưởng chưa thực sự thuyết phục. Và sau đó là một số thách thức - đặc biệt là về chi phí và thời gian cần được xem xét.”

 

Ông cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm, quy định, chứng nhận và xây dựng sẽ kéo dài quá trình này.
 

"Rất khó có khả năng Úc có được một kilowatt giờ năng lượng từ năng lượng nguyên tử cho đến ít nhất là những năm 2040 vì cần thiết lập các khuôn khổ pháp lý khác nhau trước khi tiến hành xây dựng thật sự. Đây là một chặng đường dài, các dự án dài hạn. Chúng ta không có cơ cấu thể chế hoặc khung pháp lý để thực hiện việc này ngay bây giờ.”

 

 

Có hai loại sản xuất điện từ năng lượng nguyên tử.
 

Giáo sư vật lý danh dự Ken Baldwin, chuyên gia năng lượng tại Đại học Quốc gia Úc, giải thích "Thứ nhất là các lò phản ứng nguyên tử thông thường, quy mô lớn, theo truyền thống, có cùng kích thước với các nhà máy điện đốt than và khí đốt, hoặc thậm chí lớn hơn. Vấn đề chính là bạn cần một vài lò trong số này để lấp đầy những khoảng trống cho việc bảo trì định kỳ và ngừng hoạt động. Ngoài ra, chúng không thể tắt và bật nhanh chóng để thay đổi nhu cầu, chẳng hạn như vào giờ cao điểm vào buổi tối."

 

 

Loại thứ hai là những lò phản ứng mô-đun nhỏ - thường được đề xuất để tăng cường cho nguồn năng lượng tái tạo khi nói đến việc khử car-bon cho vài phần trăm cuối cùng của ngành điện.

 

Giáo sư vật lý danh dự Ken Baldwin, chuyên gia năng lượng tại Đại học Quốc gia Úc nói, “Có một vài lò phản ứng mô-đun nhỏ ở Nga và Trung Quốc, và chúng ta không có quyền tiếp cập vào dữ liệu về kinh tế và hiệu suất của những lò phản ứng đó. Gần đây có một lò phản ứng được đề xuất ở Hoa Kỳ vượt quá chi phí và hiện đề xuất này đã bị rút lại. Vì vậy, sẽ rất khó để ước tính chi phí thực sự cho những lò phản ứng nhỏ trong tương lai trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Úc.”

 

 

Báo cáo của CSIRO cũng đã tính đến chi phí xây dựng đường dây truyền tải dài hàng ngàn km, tiêu tốn khoảng 40 tỷ đô-la.

 

 

Chi phí này đắt gần gấp đôi so với năng lượng tái tạo.

 

Năng lượng tái tạo có giá từ 83 đến 120 đô-la cho mỗi megawatt giờ.

 

Trong khi điện nguyên tử - từ các nhà máy quy mô lớn - có giá lên tới 233 đô-la.

 

Giáo sư Baldwin cho biết có thể có một “cơ hội nhỏ” vào những năm 2040 để khử car-bon cho 1 hoặc 2% cuối cùng của lưới điện.

 

"Việc khử car-bon trong vài phần trăm cuối cùng của mạng lưới điện sẽ rất khó khăn và thực sự sẽ rất tốn kém đối với công nghệ tái tạo. Đó là lý do tại sao các công nghệ khác sau đó có thể trở nên cạnh tranh về mặt chi phí, bao gồm cả các lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm cả khí đốt với khả năng thu hồi và lưu trữ carbon cũng như các hình thức tiềm năng khác."

 

 

Đó là lý do tại sao một số người ủng hộ khí hậu, trong đó có Tiến sĩ Andrea Leong từ WePlanet Australia, muốn thấy lệnh cấm sản xuất điện nguyên tử được dỡ bỏ.


"Vì năng lượng nguyên tử là nguồn năng lượng có lượng carbon thấp nên được đặt lên bàn đàm phán với các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta cần bắt đầu nói về năng lượng sạch, nguồn năng lượng có lượng carbon thấp có thể giúp Úc đạt được các mục tiêu về khí hậu."