Các công ty Úc và Nhật Bản đang nghiên cứu kế hoạch chôn carbon dioxide từ các nhà phát thải công nghiệp ở châu Á dưới đáy đại dương ngoài khơi bờ biển Úc.
Cựu Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko thị sát một cơ sở thí nghiệm lưu trữ và thu giữ carbon trên bờ ở Tomakomai, Hokkaido, vào tháng 8/2019. Ảnh: Kyodo
Theo Japan Times, công ty năng lượng Transborders Energy Pty có trụ sở tại Perth (Australia) đang trao đổi và hợp tác với các đối tác bao gồm công ty Khí đốt Tokyo và công ty Điện lực Kyushu về các đề xuất đưa khí thải trong ngành công nghiệp nặng ở Australia và mở rộng ra toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương qua ống dẫn nổi - công nghệ hiện được triển khai trong lĩnh vực khí đốt – xuống dưới đáy biển.
Các nhà sản xuất năng lượng lớn đều ủng hộ phương án thu giữ carbon (CCS) dưới đáy biển như một cách để hạn chế lượng khí thải song các dự án này vẫn gặp phải nhiều thách thức như các vấn đề kỹ thuật và chi phí vượt mức.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm nay, khoảng 40 triệu tấn carbon dioxide thuộc 21 cơ sở sản xuất sẽ được thu giữ. Con số này chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải toàn cầu khoảng 51 tỷ tấn. Dự án của Úc và Nhật Bản có kế hoạch thu giữ 1,5 triệu tấn/năm.
Australia là một trong những quốc gia có lượng khí thải bình quân đầu người cao thế giới do ngành xuất khẩu năng lượng bùng nổ. Chính phủ nước này đang thúc đẩy công nghệ thu giữ carbon CCS nhằm giảm thiểu lượng khí thải. Tuy nhiên, công nghệ này cho đến nay mới chỉ được sử dụng trên đất liền.
Chính vì vậy, các khoa học gia toàn cầu đang tìm cách triển khai công nghệ CCS ở ngoài đại dương. Sáng kiến Northern Lights, do chính phủ Na Uy hỗ trợ, có kế hoạch lưu trữ 1,5 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm dưới Biển Bắc từ năm 2024, với mục tiêu dài hạn mở rộng quy mô hoạt động đến 5 triệu tấn.
Alex Zapantis, Tổng Giám đốc phụ trách thương mại Viện CCS Toàn cầu - một tổ chức tư vấn thúc đẩy việc triển khai công nghệ, cho biết: “Với sáng kiến này, bạn không phải đối phó với sự cạnh tranh trên đất liền. Vốn dĩ chúng ta đã có sẵn dữ liệu địa chất trước đó được thu thập phục vụ mục đích thăm dò dầu khí. Những dữ liệu này có thể giúp chúng ta có nền tảng cơ bản để xác định khu vực tiềm năng có thể chôn vùi khí thải carbon”.
Tuy nhiên, theo ông Zapantis, để triển khai các dự án trên, chi phí thực hiện sẽ đội lên rất nhiều khi phải khoan xuống sâu dưới đáy biển và thiết lập các đường ống dẫn mới.