Một trong những chủ nhà của chương trình cô Rosemaree Gould Source: SBS

 

Chương trình trợ giúp chỗ ở homestay ngắn hạn đã bắt đầu, để giúp đỡ hàng ngàn sinh viên quốc tế đang phải đối mặt với khó khăn tài chánh và vô gia cư trong đại dịch coronavirus.

 

Các chủ nhà ghi danh cho sinh viên quốc tế ở nhờ sẽ được nhận 120 đô la một tuần, từ quỹ tài trợ khủng hoảng thuộc các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ - giá thuê trung bình mà các sinh viên phải đóng là hơn 300 đô la một tuần.

 

Nay có khoảng 500,000 sinh viên quốc tế đang học tại Úc, và đóng góp khoảng 40 tỷ Úc kim một năm cho nền kinh tế.

 

Mặc dù họ phải đóng thuế nếu đi làm thêm, nhưng họ không được nhận các hỗ trợ của chính phủ trong đại dịch như JobKeeper và JobSeeker, và nay không thể quay về nước, nhiều sinh viên lo sợ sẽ bị thiếu tiền và bị đẩy ra đường.

 

Ông David Bycroft, người sáng lập Mạng lưới Homestay Úc cảm nhận một cuộc khủng hoảng lớn lao sắp sửa xảy ra.

 

'Kỹ nghệ giáo dục và các cơ quan chính phủ đang hợp tác chặt chẽ để cung cấp nguồn tài trợ giải quyết khủng hoảng cho sinh viên quốc tế, họ đang làm việc với chúng tôi, tất cả các bên có liên quan, vì vậy họ có thể giúp các sinh viên không bị đẩy ra đường và được lưu trú trong những nơi an toàn.'

 

Để tìm chỗ ở homestay giá rẻ, tổ chức của ông Bycroft lấy phí quản lý 40 đô la một tuần, chi phí này bao gồm việc quản trị, bảo hiểm và dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn, được trường đại học và các cơ quan chính phủ giới thiệu đến chỗ ông.

 

Ông David Bycroft dự đoán nhu cầu sắp tới sẽ tăng lên.

 

Chúng tôi đang cung cấp những chỗ ở đầu tiên, nhưng trong vài tháng tới kỹ nghệ giáo dục dự đoán sẽ có hàng ngàn sinh viên khắp nước Úc tìm đến chương trình trợ giúp chỗ ở này.'

 

Cô Sarahjane Robertson đã đăng ký giúp một phòng trong nhà mình cho các em sinh viên ở. Đây là lần đầu tiên cô tham gia chương trình. Cô nói đây là hành động hưởng ứng lời kêu gọi cung cấp chổ ở giá rẻ cho sinh viên quốc tế.

 

'Vì vậy các em sinh viên sẽ được sử dụng phòng khách, nhà bếp và phòng ăn, cũng như khu vườn xinh đẹp này. Đây là phòng làm việc có hai máy tính và wifi, các em có thể sử dụng.'

 

Các sinh viên quốc tế đã ở lại Úc trong nhiều tháng, vì vậy nguy cơ lây nhiễm từ các em không có gì khác với những người thuê nhà khác.

 

Một người dân Úc bình thường đều sẽ giúp đỡ người xa lạ trong lúc hoạn nạn.