Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội, Amanda Rishworth (AAP). Nguồn: AAP.

 

 

AUSTRALIA - Chính phủ Đảng Lao động đã hứa loại bỏ thẻ ghi nợ không cho rút tiền mặt, sau khi một phúc trình mới cho thấy chính phủ cũ không đưa ra được bằng chứng chương trình này mang lại hiệu quả. Một số nhóm phúc lợi đã hoan nghênh cam kết, nói rằng chương trình nhắm mục tiêu vào các cộng đồng thổ dân và khiến nhiều người không thể mua các mặt hàng căn bản.

 

Hannah, là một bà mẹ đơn thân đang được cấp thẻ ghi nợ không được rút tiền mặt.

 

Cô ấy đã bị ép buộc sử dụng thẻ này khi sống ở Kalgoorlie và bắt đầu nhận được các khoản trợ cấp cho mẹ đơn thân của Centrelink.

"Bất kỳ ai thực hiện khoản thanh toán nào ở Kalgoorlie đều phải sử dụng thẻ này. Không quan trọng khoản thanh toán nào, bạn phải dùng nó và không có lựa chọn nào khác."

 

Con gái của cô, hiện năm tuổi bị khuyết tật về thể chất và trí tuệ. Cuối cùng cô đã chuyển đến bờ biển Sunshine coast.

 

Nhưng mặc dù đã chuyển nhà cách xa 4.000 km đến một khu vực không thử nghiệm cho chương trình này, cô vẫn bị mắc kẹt với việc sử dụng thẻ không cho phép rút tiền mặt.

 

Việc mua hàng hóa căn bản và cố gắng tiếp cận các thiết bị giá cả phải chăng cho con gái cô, bao gồm cả giày chuyên dụng càng thêm khó khăn.

 

Thẻ ghi nợ này ngăn người dùng rút tiền mặt.

"Lý do đằng sau đó là để ngăn những người lãnh trợ cấp mua ma túy hoặc đánh bạc, nhưng đối với Hannah, cô thường mua các mặt hàng không được chương trình Bảo hiểm Người khuyết tật Quốc gia chi trả.”

“Đôi giày mà tôi mới mua có giá 340 đô la vì chúng là giày chỉnh hình thích hợp cho chân khiếm khuyết. Nhưng nếu mua đồ cũ, tôi có thể tìm thấy đôi dưới 100 đô la, đôi khi dưới 50 đô la".

 

Một báo cáo gay gắt của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Úc được công bố vào thứ Năm, cho thấy chính phủ Liên đảng trước đó đã không cho thấy chương trình thẻ ghi nợ thực sự mang lại hiệu quả.

 

Báo cáo cho biết Bộ Dịch vụ Xã hội, đơn vị điều hành chương trình, đã “không chứng minh được rằng chương trình thẻ không cho rút tiền mặt đang đáp ứng các mục tiêu đã định” và không vạch ra các được các mục tiêu hiệu suất.

 

Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Amanda Rishworth nói rằng hành động của chính phủ "đáng thất vọng".

 

“Không có bằng chứng nào cho thấy điều này hiệu quả. Đây là 166 triệu đô la tiền đóng thuế của người dân và chính phủ thậm chí còn không đưa ra các mục tiêu đánh giá thích hợp.”

 

Lao động đã hứa sẽ loại bỏ kế hoạch này, nhưng Bộ trưởng dịch vụ xã hội Amanda Rishworth cho biết họ cũng đang xem xét cho phép mọi người tự nguyện 'chọn tham gia'.

"Các giải pháp địa phương sẽ cực kỳ quan trọng đối với vấn đề này, nhưng cũng nên xem xét lựa chọn tự nguyện cho mọi người. Chúng tôi biết rằng một số người có thể muốn tiếp tục với các hỗ trợ quản lý thu nhập, chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Tôi muốn làm việc này bằng cách tìm hiểu việc cung cấp tất cả các lựa chọn."

 

Chính phủ chưa công bố khung thời gian khi nào chương trình bắt buộc sẽ kết thúc, nhưng Bộ trưởng cho biết bà sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của các nhóm cộng đồng.

 

Nó đã được một số tổ chức hoan nghênh, bao gồm giám đốc điều hành Deborah Di Natale của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Lãnh thổ phía Bắc.

“Tôi hoàn toàn hoan nghênh lập trường của Đảng Lao động về việc này. Chưa có cơ sở bằng chứng chắc chắn để hỗ trợ việc triển khai quản lý thu nhập này trên toàn Lãnh thổ phía Bắc hoặc bất kỳ vùng nào khác của đất nước.”

 

Kế hoạch được đưa ra vào năm 2016 bởi chính phủ Liên đảng cũ, như một biện pháp để giảm tiêu thụ rượu, ma túy và cờ bạc.

 

Bộ Dịch vụ Xã hội điều hành chương trình đã trả lời báo cáo.

 

Bộ cho biết cuộc kiểm toán đã phát hiện ra rằng hoạt động giám sát hành chính của bộ phận đối với chương trình phần lớn có hiệu quả.

 

Nhưng Bộ bác bỏ đề xuất về một cuộc đánh giá độc lập thứ hai, cho rằng nó sẽ không hiệu quả về chi tiêu vì bộ đã chấp nhận những hạn chế.

 

Chương trình đã bị lên án rộng rãi vì nhắm vào các khu vực có số người thổ dân cao.

 

Deborah Di Natale nói rằng nó không hiệu quả và mang tính phân biệt đối xử.

"Khi chính phủ có một quan điểm chính sách ảnh hưởng đến gần 80% người Thổ dân đảo Torres Strait, những gì bạn làm là thực hiện một chính sách thực sự phân biệt đối xử."

 

Bà cũng nói, giống như trường hợp của Hannah, nhiều người ở các cộng đồng nông thôn và khu vực phải vật lộn để tiếp cận hàng hóa căn bản, vì họ không thể rút tiền mặt.

"Thường thì họ có một số cửa hàng từ thiện bán đồ cũ ở đó, nơi mọi người mua quần áo cho con cái của họ, đó là nền kinh tế tiền mặt. Do đó, những gì thẻ ghi nợ không cho rút tiền mặt làm là khóa các cộng đồng đó khỏi nền kinh tế tiền mặt."

 

Hannah đã hai lần thử rút thẻ ghi nợ không cho rút tiền mặt nhưng không thành công.

 

Cô hy vọng bây giờ chính phủ đang tiến tới bãi bỏ việc bắt buộc, cuối cùng cô ấy sẽ lấy lại được một số quyền tự quyết.