Cựu Ủy Viên lực lượng Cứu Hỏa Cứu Nạn Tiểu Bang NSW, Greg Mullins (đứng giữa) và cựu giám đốc các sở cứu hỏa. Nguồn: AAP
Nhóm vận động “Các nhà lãnh đạo khẩn cấp về Biến đổi khí hậu” đã đưa ra một kế hoạch nhằm ngăn chặn một mùa cháy rừng tàn khốc như mùa hè năm ngoái, nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu cần được giải quyết. Bản báo cáo trình bày 165 đề xuất, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất nguyên liệu hóa thạch trả phí bù đắp tổn thất do thiên tai gây ra.
Các trận cháy rừng Mùa hè Đen tối (Black Summer) là đợt cháy rừng khủng khiếp nhất được ghi nhận cho tới nay.
Những người mất nhà ở trong các ngọn lửa, như Jack Egan, cảm nhận rõ hơn ai hết mức tàn phá nghiêm trọng mà nó gây ra.
“Các điều kiện kinh khủng có nghĩa là khi mà đám cháy chạm đến chỗ ở của chúng tôi, gió thổi dữ dội, các ngọn lửa cao trên các ngọn cây lên tới 15 mét”.
Ông Egan cố gắng bảo vệ ngôi nhà của mình ở Rosedale thuộc duyên hải phía nam NSW, nhưng đám cháy quá nhanh và quá hung dữ.
Egan tin rằng các ngọn lửa có liên hệ trực tiếp đến biến đổi khí hậu.
“Kể từ vụ cháy rừng, nó trở nên rõ ràng đối với tôi là biến đổi khí hậu ở ngay đây, nó đã tấn công hiện tại. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi chúng ta tự giúp mình và phần còn lại của thế giới.”
Một nhóm các cựu lãnh đạo cứu hỏa trong nhóm hoạt động có tên gọi “Các Lãnh đạo Khẩn cấp cho Hành động về Khí hậu” đã đưa ra các khuyến cáo tương tự. Họ đã đưa ra những cảnh báo về cháy rừng đến chính phủ từ tháng Tư năm ngoái.
Cựu Ủy viên lực lượng cứu hỏa NSW, cũng là người sáng lập nhóm vận động này, ông Greg Mullins nói rằng biến đối khí hậu đứng sau các đám cháy tàn khốc của mùa cháy rừng này.
“Đó là một năm nóng nhất, khô nhất được ghi nhận. Nó không thể xẩy ra nếu không có biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu được thúc đẩy bởi việc đốt than đá, dầu và khí. Chúng ta cần phải đưa mức giảm khí thải về zero trên toàn thế giới, và nước Úc phải đóng góp vào đó”.
Nhóm vận động trên, cùng với một số các chuyên gia về khí hậu, các cộng đồng chịu ảnh hưởng từ cháy rừng, hiện đang thúc đẩy một kế hoạch mới về giảm thiểu cháy rừng trên toàn quốc. Kế hoạch này hướng đến việc cải thiện sự chuẩn bị của các địa phương trước thiên tai, cũng như tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi.
Họ muốn có thêm nguồn lực cho các tổ chức quản lý đất đai và hỏa hoạn, giúp giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề về nguyên liệu khô dễ cháy trong rừng, nhanh chóng phát hiện và dập tắt các khu vực nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, các đề xuất khác bao gồm bổ sung các phi cơ chữa chãy cỡ lớn và trung bình, và kêu gọi một quỹ thiên tai khí hậu quốc gia do những nhà sản xuất nguyên liệu hóa thạch chi trả.
Bộ trưởng Quản lý thiên tai, ông David Littleproud nói rằng, chính phủ liên bang sẵn sàng cân nhắc 165 đề xuất từ nhóm vận động trên. Thế nhưng có các lo ngại cho rằng phí tổn về kinh tế mà các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra tại Úc sẽ còn tăng mạnh.
Nicole Hatley đến từ Deloitte Access Economics.
“Chúng ta đang nói đến một khoản tổn thất 39 tỷ đô la mỗi năm do thiên tai trên khắp nước Úc - không chỉ có cháy rừng mà còn lũ lụt, bão, tất cả có mối liên hệ trực tiếp đến biến đổi khí hậu”.
Cũng đang có các đề xuất về việc tiếp tục duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng, ngoài ra xây dựng một chiến lược phòng cháy do người Úc Thổ dân dẫn dắt, kết hợp các hoạt động truyền thống của người Thổ dân trong việc quản lý rừng và đất đai.
Cuộc Điều tra Hoàng gia về cháy rừng, cùng các điều tra riêng biệt tại Victoria, NSW và Nam Úc hiện đang được tiến hành.