Bò là một trong những loài động vật thải khí metan, gây hiệu ứng nhà kính. Nguồn: AP
Các nhà khoa học trên khắp thế giới tiếp tục nghiên cứu giảm lượng khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, do các loại gia súc như trâu bò thải ra. Úc là quốc gia phát thải khí mê-tan lớn thứ 11 trên thế giới, nhưng đã đăng ký vào năm rồi nhằm giảm 30% lượng khí thải mê-tan trong thập niên tới. Vì vậy, nhiều nghiên cứu nhắm vào cách thực hiện điều đó, nằm trong chương trình nghị sự của các khoa học gia Úc.
Một quang cảnh nông thôn bình yên, trên cánh đồng rải rác những con bò phe phẩy đuôi gặm cỏ.
Thế nhưng thật khó để tin rằng, chúng là mối đe dọa đối với hành tinh.
Sự thực trâu bò là thành phần sản xuất khí thải chính yếu, góp phần vào biến đổi khí hậu và khoảng 14% khí nhà kính của thế giới đến từ chăn nuôi.
Cơ quan khoa học của chính phủ Úc là CSIRO cho biết, tại Úc sự đóng góp của lượng khí thải mêtan từ vật nuôi nhai lại, đang đạt gần 10% tổng lượng khí thải nhà kính.
Tuyên bố hồi năm rồi, vào tháng 10 năm 2022, Tổng trưởng Biến đổi khí hậu Chris Bowen cho biết, chính phủ đang tìm kiếm cơ hội cắt giảm khí mê-tan, khỏi các lãnh vực nông nghiệp, năng lượng và quản lý chất thải.
Ông Chris Bowen nói "Chúng ta là nước phát thải khí mêtan lớn thứ 11 thế giới".
"Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng tôi có một chỗ ngồi tại bàn hội nghị và là một phần của giải pháp. Khoảng 29% đến từ tài nguyên, 47% từ nông nghiệp và 10% là từ chất thải".
"Những gì chúng tôi sẽ làm là hợp tác chặt chẽ với các ngành này, về các kế hoạch hợp lý để giảm phát thải khí mêtan".
Vào thời điểm đó ông Bowen tuyên bố rằng, Úc sẽ cùng với Mỹ cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan trong 10 năm tới.
Tuần này Thủ tướng Anthony Albanese cho biết, nước Úc sẽ tham gia ‘câu lạc bộ khí hậu’ của Đức, nhằm giảm lượng khí thải.
Vậy làm thế nào để đạt được điều này?
Được biết bên kia biển Tasman, Chính phủ Lao động New Zealand đã bắt tay vào sứ mạng giảm lượng khí thải chăn nuôi.
Bà Sinead Leahy là cố vấn khoa học chính, cho Trung tâm Nghiên cứu Khí nhà kính Nông nghiệp New Zealand.
Bà nói "Tôi nghĩ rằng tất cả nông dân ở New Zealand, thực sự muốn đóng góp cho hành động khí hậu, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần hiểu làm thế nào họ có thể thực hiện điều đó".
"Đối với tôi với tư cách là một nhà khoa học, tôi nghĩ rằng nó thực sự quan trọng hơn, khi biết rằng sẽ phải giảm tác động môi trường".
"Vì vậy thực sự đó là tập trung vào việc đưa những công cụ và công nghệ ra cho nông dân và người trồng ở New Zealand, với cách thức nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất.”
Trong khi đó tại Úc, giám đốc cơ quan nghiên cứu CSIRO là ông Larry Marshall cho biết, một cách để giảm lượng khí thải mêtan có hại, là bổ sung cho gia súc từ rong biển, cùng lúc phát triển các công nghệ lấy carbon ra khỏi khí quyển.
Trưởng nhóm khử cacbon công nghiệp cho sứ mạng mang tên ‘Hướng tới mức phát thải ròng bằng không’, ông Warren Flentje cho biết, Úc không thể bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi nầy.
Ông Warren Flentje nói "Trong sứ mạng này, chúng tôi đang cố gắng tập trung vào những gì thực sự quan trọng, những gì thực sự sẽ cho phép tiến trình chuyển đổi ở Úc".
"Điều đó đang giúp định vị các khu vực và các ngành công nghiệp rất quan trọng của chúng ta, cho sự thịnh vượng và tăng trưởng lâu dài, khi thế giới chuyển sang mức phát thải ròng bằng không”.
Được biết có một số cách tiếp cận để giảm lượng khí thải mêtan, phần lớn liên quan đến việc thay đổi những gì các con vật nuôi đang ăn.
Ông Kevin Stephens một nông dân ở xứ Wales cho biết, các nhà khoa học Anh đã xem xét thêm hoa thủy tiên vào thực phẩm.
Ông nói rằng, thay đổi những gì cho trâu bò ăn, là một cách tiếp cận tốt hơn so với nhiều lựa chọn thay thế.
Ông nói "Có những chính phủ trên khắp thế giới hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bằng cách đánh thuế nông dân chăn nuôi, hoặc đặt hạn ngạch về số lượng vật nuôi, có thể có vì sản phẩm phụ khí mêtan này".
"Điều này cho chúng ta một cơ hội rất thực tế, để thực sự thay đổi toàn bộ câu chuyện đó”.
Trong khi đó các nhà khoa học từ Đại học Nông thôn Scotland đã chỉ ra rằng, chiết xuất hoa thủy tiên làm giảm 96% khí mêtan, trong dạ dày bò nhân tạo.
Hiện tại có một thử nghiệm diễn ra trong 4 năm sắp bắt đầu, để thử nghiệm các loại thức ăn chăn nuôi, trong các trang trại thực sự với động vật có thật.
Giáo sư C Jamie Newbold, là một trong những chuyên gia nghiên cứu đứng đầu của dự án.
Giáo sư C Jamie Newbold nói "Điều này hết sức quan trọng vì chúng ta cần giảm sản xuất khí nhà kính từ nông nghiệp, như một phần của giải pháp giảm các vấn đề nóng lên toàn cầu".
Tại Úc, các chuyên gia nghiên cứu đang xem xét khả năng sử dụng rong biển làm chất phụ gia, để giảm lượng khí thải metan.
Tiến sĩ Rob Kinley, là trưởng ban khoa học của tổ chức Futurefeed, được CSIRO thành lập để thương mại hóa việc sử dụng rong biển có tên là ‘Asparagopsis’ hay ‘rong măng tây’, làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi.
Ông nói với đài CBS News của Mỹ rằng, kết quả khiến ông gây sốc thực sự.
"Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm rong biển từ bờ biển nước Úc và không lâu trước khi loài 'rong măng tây' xuất hiện một cách lớn lao, lớn đến mức chúng tôi thậm chí không tin vào những gì chúng tôi đang thấy".
"Phải mất nhiều lần thử nghiệm, trước khi chúng tôi tin vào những gì chúng tôi đang thấy, đó là chúng tôi không thể tìm thấy khí mêtan nữa".
Được biết trong cuộc nghiên cứu của Tiến sĩ Kinley, hầu như đã loại bỏ khí mêtan khỏi khí thải của bò, tuy nhiên trong khi rong biển Asperogopsis đỏ tương đối phổ biến, nhưng nó lại không dễ thu thập.
Công ty Futurefeed cho biết, câu trả lời là để các trang trại nuôi trồng thủy sản sản xuất ra nó.
Thế nhưng với khoảng một tỷ rưỡi trâu bò trên hành tinh, liệu có thể sản xuất đủ để tạo ra sự khác biệt?.
Ông Josh Goldman là Trưởng dự án tại Greener Grazing, công ty đang tìm cách phát triển hơn nữa việc sản xuất asperogopsis.
Ông nói "Có rất nhiều bò cần được cho ăn, thế nhưng tin tốt là chúng tôi chỉ cần cho những con bò đó, ăn 2 phần trăm khẩu phần hàng ngày của chúng là đủ, với loại rong ‘măng tây’ này.”
Ngoài ra một phần thưởng bất ngờ, đó là chất phụ gia nầy làm cho bò tiết kiệm năng lượng hơn, vì vậy chúng cần ít thức ăn hơn và điều này sẽ hấp dẫn giới nông dân.