Những người đánh bắt cá chuyên nghiệp cho biết những người đánh bắt cá giải trí đang có tác động chưa xác định đến nguồn cá. (ABC News: Jodie Hamilton)

 

 

NAM ÚC - Những người đánh cá chuyên nghiệp trong Ngành đánh bắt Cá da vảy Tiểu bang Nam Úc - South Australian Marine Scalefish Fishery - lo ngại rằng sản lượng đánh bắt cá của những người đánh bắt nghiệp dư đang tăng lên và làm lệch hướng các nỗ lực bảo vệ nguồn cá trong tiểu bang.

 

Vào năm 2021, một cuộc cải cách lớn trong ngành đã cắt giảm một phần ba đội tàu đánh cá xuống còn 200 giấy phép trong một chương trình mua lại.

 

Mức hạn ngạch chuyển nhượng cá nhân (Individual Transferable Quota - ITQ) cũng đã được áp dụng đối với các loài chính yếu như cá đối và mực ống, để nghề này có thể sinh sống được và giúp bảo vệ nguồn cá.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết các cuộc cải cách không có ý nghĩa gì nếu sản lượng đánh bắt của ngành đánh bắt vì mục đích giải trí tăng lên và không được tính toán chính xác.

 

Pat Tripodi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngư dân Biển - Marine Fishers Association, cho biết có những lo ngại về nguồn cá đối và mực ống ở các khu vực địa phương, bao gồm ở khu vự Port Lincoln và Wallaroo.

 

Ông cho biết "Có một số khu vực nhất định mà chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, và điều tra lý do tại sao chúng ta thấy số lượng cá thấp hơn vào thời điểm hiện tại".

 

 

Ông nội của Jarrod Day cũng đã từng đánh bắt cá ở vùng này. (ABC News: Jodie Hamilton)

 

 

Jarrod Day, là ngư dân đánh bắt cá chuyên nghiệp ở Port Lincoln và Yorke Peninsula, cho biết việc thiếu dữ liệu về hoạt động đánh bắt cá vì mục đích giải trí đã tạo ra sự bất ổn định.

 

Ông Day cho biết "Thật không may, rất nhiều ngư dân thương mại tin rằng cá đối King George và mực ống cũng ở trong tình trạng tồi tệ như cá hồng trước khi hoạt động đánh bắt cá hồng bị cấm”.

"Đó thực sự là mối lo ngại khi chúng tôi không được lắng nghe".

"Tôi chỉ muốn thấy nghề đánh bắt cá được bền vững. Tôi chỉ muốn thấy một sân chơi bình đẳng".

 

Những người đánh bắt cá chuyên nghiệp ghi lại chi tiết đánh bắt chính xác của họ trên một ứng dụng, trong khi lĩnh vực đánh bắt giải trí được quản lý theo giới hạn đánh bắt hàng ngày đối với các loài khác nhau.

 

Theo cuộc khảo sát qua điện thoại hồi năm 2020/2021 của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Tiểu bang Nam Úc (South Australian Research and Development Institute- SARDI) với 1.000 người đánh bắt cá nghiệp dư, có 356.700 người đánh bắt cá vì mục đích giải trí ở tiểu bang Nam Úc.

 

Con số này tăng 23 phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó bảy năm.

 

 

Nghề đánh bắt cá da vảy biển (Marine Scalefish Fishery) là nghề cá lớn nhất và lâu đời nhất ở tiểu bang Nam Úc, được thành lập cách đây 188 năm. (Nguồn: Thư viện Tiểu bang Nam Úc và Jarrod Day / State Library of South Australia and Jarrod Day)

 

 

Ngành giải trí đã đánh bắt 305 tấn cá đối từ tháng Ba năm 2021 đến tháng Hai năm 2022.

 

Ông Tripodi cho biết con số này không bao gồm lượng đánh bắt của du khách đến từ các tiểu bang khác.

 

Trong cùng thời gian, ngành thương mại đánh bắt được 168 tấn.

 

 

Cần thêm số liệu

Hugh Bayly, là ngư dân chuyên nghiệp, cho biết điều trọng yếu để có nghề cá lành mạnh là biết tổng sản lượng cá và tổng sản lượng đánh bắt.

Ông Bayly nói, "Các cuộc khảo sát qua điện thoại hoàn toàn không đầy đủ, các cuộc khảo sát như vậy không phải là khoa học thực sự và vì thế tổ chức SARDI không biết sản lượng đánh bắt vì mục đích giải trí là bao nhiêu".

 

Ông cho biết giấy phép đánh bắt cho mục đích giải trí sẽ cung cấp số liệu chính xác.

Ông nói, "Với giấy phép đánh bắt cá cho mục đích giải trí, đi kèm với con thuyền, ngư dân đánh cá trên thuyền, thì ít nhất họ sẽ có danh sách những người thực sự đi câu cá và cùng với đó là ứng dụng điện thoại bắt buộc để báo cáo về sản lượng đánh bắt của bạn khi bạn đi đánh bắt cá".

"Điều đó sẽ cung cấp cho PIRSA [Bộ Công nghiệp Cơ bản và Phát triển Nông thôn Nam Úc] và tổ chức SARDI nhiều thông tin hơn bao giờ hết".

 

Nam Úc và Queensland là những tiểu bang duy nhất không có các hình thức giấy phép đánh bắt cá cho mục đích giải trí.

 

Graham Harrowfield là ngư dân thế hệ thứ ba. (ABC News: Jodie Hamilton)

 

 

 

Graham Harrowfield, là ngư dân ở vùng Whyalla, đã thất vọng vì không có số liệu chính xác về tổng số lượng cá được đánh bắt từ các vùng biển ở tiểu bang.

Ông nói, "Tất cả những gì chúng tôi muốn là PIRSA phải quản lý nghề cá một cách bền vững, và họ phải có số lượng cá mà mỗi ngành đánh bắt được",

"Các khoa học gia chỉ phỏng đoán về số lượng cá đánh bắt được".

 

 

Không có giấy phép mới

Trước đây, Chính quyền tiểu bang đã loại trừ giấy phép đánh bắt cá cho mục đích giải trí.

 

Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Clare Scriven, cho biết, "Khảo sát đánh bắt cá vì mục đích giải trí đã được thực hiện trong nhiều năm và cung cấp một bức tranh tổng quan tốt về tình hình của ngành giải trí",

"Nếu có những phương cách khác để làm cho dữ liệu đó được chính xác hơn, tôi luôn sẵn lòng xem xét cnhững phương cách đó".

 

Bà Scriven cho biết nguồn tài nguyên đánh bắt cá ở tiểu bang là bền vững, ngoại trừ việc đánh bắt cá hồng, vốn đã bị cấm trong sáu năm.

 

 

Shane Hodgens cho biết những người đánh bắt cá vì mục đích giải trí cần phải có giấy phép. (ABC News: Jodie Hamilton)

 

 

Cơ quan giải trí hàng đầu của tiểu bang, tổ chức RecFishSA, sẵn sàng cấp giấy phép đánh bắt cá hoặc hệ thống cấp phép nếu tiền được đưa trở lại cơ sở hạ tầng của ngành giải trí, nhưng không ủng hộ việc báo cáo bắt buộc.

 

Shane Hodgens, là thành viên hội đồng quản trị của RecFishSA, cho biết "Hiện nay, ngày càng có nhiều ngư dân giải trí muốn đóng góp và họ muốn có giấy phép",

"Cách duy nhất chúng ta có thể thấy việc quản lý tốt hơn nhiều đối với nguồn cá là thông qua giấy phép và huy động thêm tiền cho mục đích quản lý này".

 

Ông Tripodi cho biết cải cách này đã gây khó khăn cho nhiều ngư dân.

 

Các hạn mức ITQ mới có mức phí tính theo ký-lô cá đánh bắt được, thậm chí trước khi đánh bắt được cá, với việc một số ngư dân đắnh cá chuyên nghiệp phải trả nhiều hơn gần 400 phần trăm phí cấp phép và hạn ngạch.

 

Chính quyền Nam Úc đã cung cấp khoản trợ cấp tạm thời cho phí xin hạn mức để hỗ trợ trong giai đoạn chuyển tiếp.

 

Ông Tripodi cho biết cách thức quản lý của chính quyền cũng cần được cải cách để giảm chi phí.

Ông nói, "Chúng tôi hiện có rất nhiều người bị căng thẳng, họ rất lo lắng về tình hình tài chính của mình, về cách họ sẽ kiếm được lợi nhuận trong tương lai",

"Một số người phải đối mặt với hóa đơn 20.000 đô-la, 30.000 đô-la, 40.000 đô-la, trong khi trước đây phí cấp phép đắt nhất chỉ khoảng 10.500 đô-la".