Các đại sứ mới được bổ nhiệm của Nhật Bản tại Úc và của Úc tại Nhật Bản đều khiến những người đồng nghiệp tỏ ra ghen tị khi nói rằng “thật tuyệt vời khi được bổ nhiệm đến một đất nước không có vấn đề tồn đọng nào thực sự cần giải quyết”.

 

 

 

 

 

Thủ tướng Úc, Morrison, và Thủ tướng Nhật, Suga, trong cuộc gặp hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: ABC News

 

 

 

 

 

 

 

Giống như đại sứ Nhật Bản tại Mỹ và đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, các đại sứ Nhật Bản tại Úc và đại sứ Úc tại Nhật Bản sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ tăng cường hợp tác chiến lược trong các  vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia. Song, khác với liên minh Nhật - Mỹ vốn dựa trên hiệp ước, quan hệ Nhật - Úc có vẻ đang phát triển thành một liên minh về thực chất. Nhật và Úc đều lo ngại Mỹ - đồng minh của cả Tokyo và Canberra - sẽ từ bỏ các cam kết bên ngoài để tập trung xử lý các vấn đề trong nước, từ đó làm suy yếu khả năng răn đe và uy tín quốc tế của Washington. Do đó, cả Nhật và Úc đang hợp lực để thúc ép Mỹ can dự sâu hơn vào châu Á, tăng cường khả năng răn đe và tạo ra trật tự quốc tế tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

 

 

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi sự hiện diện mạnh mẽ hơn của liên minh Nhật - Úc bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của các chuyên gia chính sách đối ngoại từ các đồng minh Mỹ ở châu Á, một nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN tuyên bố: “Ngày nay, Nhật Bản và Úc là 2 đối tác đối thoại quan trọng nhất của ASEAN. Cả 2 nước đều cam kết thành lập một cấu trúc khu vực đa phương và dựa trên luật lệ. Ngay cả khi chúng tôi khuyến khích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tái hợp tác với châu Á, kỳ vọng của chúng tôi về Nhật Bản và Úc vẫn rất cao”.

 

 

 

Khi Thủ tướng Úc Scott Morrison đến thăm Nhật Bản hồi tháng 11 năm ngoái, ông và người đồng cấp nước chủ nhà Yoshihide Suga đã đạt được các điều khoản chung của Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA), nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho lực lượng 2 nước đến thăm để huấn luyện và tiến hành các hoạt động quân sự chung. Ngoài ra, Nhật Bản và Úc cũng đã ký kết thỏa thuận Mua bán và Tương trợ Dịch vụ (ACSA) nhằm cho phép 2 bên chia sẻ dịch vụ và vật tư quốc phòng; Hiệp định Bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA); cũng như thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Đặc biệt, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước đã nhiều lần tham gia đối thoại 2+2.

 

 

 

Dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã thiết lập cơ sở pháp lý để có thể đáp ứng các yêu cầu từ đồng minh về việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, ông Abe ngụ ý rằng Nhật Bản sẽ đứng ra bảo vệ không chỉ Mỹ mà còn Úc, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Đáp lại, Úc ủng hộ việc đưa Nhật Bản vào liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes, gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand). Hiện Nhật và Úc đều là thành viên nhóm Bộ tứ (2 nước còn lại là Mỹ và Ấn Độ).

 

 

 

Giới phân tích cho rằng để liên minh Nhật - Úc thực sự gia tăng về giá trị, Tokyo và Canberra phải hợp tác để duy trì và phát triển liên minh với Washington, cùng đóng góp vào việc ổn định quan hệ kinh tế với Trung Quốc và nỗ lực đưa Mỹ vào mô hình hợp tác Nhật - Mỹ - Úc.

 

 

 

Theo hãng tin AP, Nhật Bản xem Úc gần như là một đồng minh quân sự. Đối với Nhật Bản, Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này kể từ sau thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Mỹ vào năm 1960. Thủ tướng Úc Morrison gọi thỏa thuận quốc phòng này là một bước phát triển “mang tính bước ngoặt” đối với 2 nước. Còn Thủ tướng Nhật Suga thì tuyên bố Tokyo và Canberra là “đối tác chiến lược đặc biệt”, cùng hợp tác với nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.