Những con san hô ở rạn đại san hô Great Barrier Reef, ảnh được chụp vào ngà 9 tháng Mười, 2016. Nguồn: AAP.
Nước Úc tham gia một nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ 30 phần trăm đại dương trên thế giới, chống lại các thách thức về môi trường trong thập niên tới. Với các đại dương đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí thải, chiến dịch có tên là ’30 vào năm 30’ là một cơ hội để bảo vệ tốt đẹp hơn cho hành tinh nầy.
Nước Úc cam kết với Liên Minh Đại Dương Toàn Cầu, qua lời kêu gọi khắp thế giới hãy bảo vệ ít nhất là 30 phần trăm đại dương trên địa cầu, vào năm 2030.
Vương quốc Anh hiện dẫn đầu Liên Minh, với việc bảo tồn các khu vực trên biển, trong thời gian 9 năm tới.
Hồi đầu năm nay, Bộ Trưởng về Hải Dương Quốc tế cuả Anh, là ông Zac Goldsmith, cho trang mạng Cleaning Up biết rằng, đây là một vấn đề của cả thế giới.
Ông Zac Goldsmith nói “Tôi sẽ nói hầu hết, nếu không muốn nói là nhiều, nhưng tôi sẽ nói rằng hầu hết các thành viên của chiến dịch đó, đều là những quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, hoặc đang phát triển".
"Nó không phải là một loạt các nước thuộc địa, luôn biết chỉ tay năm ngón của họ mà thôi”.
Được biết các nhóm môi sinh đã đề nghị, chính phủ Úc tham gia Liên Minh quốc tế nói trên.
Thế nhưng Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Hải Dương Úc Đại Lợi, ông Darren Kindleysides, cho biết cần có các hành động tập thể về tình trạng thay đổi khí hậu.
Ông Darren Kindleysides “Vì vậy khung thời gian của thập niên này thực sự là thời điểm quan trọng, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng mà các đại dương của chúng ta đang đối mặt".
'Chúng tôi nghĩ rằng, đó là một khung thời gian thích hợp".
"Điều thực sự quan trọng là phải có một mục tiêu toàn cầu".
"Không có mục tiêu, không có gì để mọi người có thể đứng sau và cùng nhau tiến về phía trước”.
Anh quốc cho rằng, Liên Minh được phát động hồi năm 2019 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm đẩy mạnh các hành động khẩn cấp.
Bà Nelli Stevention thuộc nhóm Greenpeace tại Úc cảnh cáo rằng, đời sống của sinh vật dưới biển đang bị tổn hại và rặng san hô Great Barrier Reef hiện bị tàn phá.
Bà Nelli Stevention nói “Đó là bước quan trọng đầu tiên để không chỉ đảm bảo rằng, các đại dương của chúng ta được bảo vệ khỏi tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mà còn bảo vệ động vật sống trong biển khỏi bị săn trộm, đánh bắt quá mức và phá hủy môi trường sống”.
Các quốc gia khác trong Liên Minh bao gồm Vanuatu, Maldives và Chí Lợi.
Ông Kindleysides nói rằng, hành động quốc tế là quan trọng cho tình trạng của Great Barrier Reef trong tương lai, vốn đã có nhiều vấn đề về phẩm chất nước biển.
Ông Darren Kindleysides nói “Vì vậy, rạn đại san hô Great Barrier Reef đã là một khu bảo tồn biển trong hơn 30 năm".
"Đó là nơi chúng tôi quản lý và bảo vệ động vật dưới biển và quí vị có thể thấy từng chút ở đó, rạn san hô Great Barrier được quản lý khá tốt và điều đó đã giúp nó đối phó với vô số áp lực, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước".
"Vì vậy nếu nó không phải là công viên biển, thì hôm nay nó sẽ ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều”.
Được biết nước Úc có một hệ thống lớn nhất về các khu vực bảo tồn hải dương trên thế giới, bao phủ đến 3 triệu km vuông.
Tổng Trưởng Môi Sinh, Sussan Ley, cho biết nước Úc đã vượt quá mục tiêu của chính mình, trong việc chính thức bảo tồn 30 phần trăm đại dương.
Chính phủ còn muốn làm gương cho các nước láng giềng quốc tế qua việc gia tăng cộng tác, do nền kinh tế toàn cầu lệ thuộc vào chuyện nầy.
Các nhà tranh đấu cho môi sinh đồng ý, là mặc dù nước Úc hiện có nhiều tiến bộ, thế nhưng vẫn có trách nhiệm khuyến khích các quốc gia khác cùng hành động.