Hơn 40 triệu người đang bị giam giữ trong chế độ nô lệ hiện đại, bao gồm lao động cưỡng bức và hôn nhân cưỡng bức. Ảnh: EyeEm

 

AUSTRALIA - Những nạn nhân sống sót sau nạn buôn người sẽ nhận được khoản tài trợ của chính phủ trong bốn năm tới, như một phần của ngân sách liên bang. Chương trình hỗ trợ do Hội Chữ thập đỏ Úc cung cấp, đã được phân bổ thêm 24,3 triệu đô la. Các nhóm hỗ trợ đã hoan nghênh động thái này, nhưng nói rằng vẫn còn nhiều việc có thể làm để giải quyết nạn nô lệ thời hiện đại ở Úc.

 

Khoản tài trợ hơn 24 triệu đô-la cho 'Chương trình hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán làm nô lệ' đảm bảo thời gian hỗ trợ tối thiểu sẽ tăng gấp đôi từ 45 ngày lên 90 ngày.

 

Ngân khoản cũng bảo đảm hỗ trợ tài chính và kiểm tra thường xuyên cho những người có visa không được tiếp cận với các chương trình phúc lợi.

 

Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Amanda Rishworth đã gặp gỡ các nhân viên phụ trách hồ sơ tại trụ sở của Hội Chữ thập đỏ Úc ở Melbourne, nơi bà công bố khoản tài trợ mới.

"Chương trình này thực sự hỗ trợ một số người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và cộng đồng của chúng ta. Nhiều người cho rằng chế độ nô lệ không phải là điều phổ biến ở Úc. Hôn nhân cưỡng bức không phải là điều chúng ta nên thấy ở Úc, nhưng không may điều này vẫn xảy ra."

 

Việc hỗ trợ bao gồm tìm chỗ ở phù hợp, điều trị y tế, tham vấn, tư vấn pháp lý và đào tạo phát triển kỹ năng.

 

Bộ trưởng Rishworth cũng cho biết hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những người phụ thuộc.

"Tôi nghe những nhân viên phụ trách hồ sơ cho biết các cá nhân không sẵn sàng nhận được sự hỗ trợ mà họ cần vì họ quá lo lắng về con cái của mình. Vì vậy, khi chính phủ cung cấp hỗ trợ cho những đứa trẻ và người phụ thuộc, chúng ta cho họ cơ hội được chữa lành các tổn thương và nhận hỗ trợ thêm."

 

Một chương trình thí điểm kéo dài 18 tháng cũng đã được tạo ra với nguồn tài trợ mới, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ cộng đồng giới thiệu trực tiếp đến Hội Chữ thập đỏ mà không cần có sự tham gia của cảnh sát, như yêu cầu trước đây.

 

Giám đốc Chương trình của Hội Chữ thập đỏ Úc, Vicki Mau, cho biết điều đó đã loại bỏ một rào cản lớn đối với một số người khi tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Vicki Mau nói “Việc tạo ra một lộ trình giới thiệu bổ sung cụ thể cho nhóm này giúp nạn nhân thay vì sợ hãi khi tiếp xúc với chính quyền, thay vì lo lắng về những gì có thể xảy ra với thị thực hoặc sự an toàn của họ, thì nạn nhân có thể đến và nói chuyện với ai đó mà họ tin tưởng. Họ được giới thiệu đến Chương trình Hỗ trợ Người bị Buôn bán làm nô lệ.”

"Đó là một bước thực sự quan trọng để đảm bảo rằng chúng tôi đáp ứng nhu cầu nhân đạo của một số người dễ bị tổn thương nhất ở Úc hiện nay."

 

Hội Chữ thập đỏ cho biết ước tính cứ năm nạn nhân sống sót thì có bốn người không bị phát hiện ở Úc, với số người được giới thiệu đến chương trình này tăng 36% trong năm tài chính này.

 

Bà Mau nói rằng sự gia tăng này là do một loạt các yếu tố.

"Nhận thức cộng đồng luôn là một yếu tố, bạn sẽ thấy rằng những người ở tuyến đầu như bác sĩ hoặc nhân viên trong các ngành cụ thể đều hiểu về vấn đề này. Nhu cầu cũng tăng sau COVID, các lượt giới thiệu từ các bác sĩ, mọi người có nhiều quyền truy cập hơn vào dịch vụ hỗ trợ và nguồn thông tin."

 

Giáo sư Jennifer Burn là Giám đốc Uỷ ban Chống Nô lệ Úc tại UTS, một tổ chức từ lâu đã ủng hộ việc tài trợ này.

 

Bà rất vui khi thấy sự phân bổ tài trợ, đặc biệt là chương trình thí điểm đã loại bỏ yêu cầu giới thiệu của cảnh sát. Nhưng để chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại, bà nói rằng vẫn còn những lĩnh vực cần được giải quyết.

Giáo sư Jennifer Burn nói “Cần phải thiết lập một chương trình bồi thường quốc gia cho nạn nhân, những người sống sót sau chế độ nô lệ hiện đại ở Úc. Hiện tại, mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ cung cấp một chương trình bồi thường dựa trên luật định, nhưng tất cả đều khác nhau.”

 

Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác của chính phủ liên bang, Giáo sư Burn nói rằng có một chương trình bồi thường quốc gia để mọi nạn nhân đều được đối xử bình đẳng là điều hợp lý.

 

Một lĩnh vực khác mà bà nói cần phải được xem xét, đó là việc thiết lập visa cho những nạn nhân sống sót sau chế độ nô lệ hiện đại.

"Đã đến lúc xem xét kỹ các loại thị thực và hợp lý hóa cách thức hoạt động của visa để đảm bảo rằng bất kỳ người nào là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ở Úc và những người đã đóng góp cho quá trình thực thi pháp luật đều được công nhận bằng cách cấp visa nếu họ cần."

 

Một Ủy viên thuộc Ủy ban Chống Nô lệ của Úc cũng sẽ được bổ nhiệm, với 8 triệu đô la được phân bổ từ ngân sách trong bốn năm tới.