Các máy bay của hãng hàng không Virgin Australia bị cho nằm bãi tại Phi Trường Tullamarine, thành phố Melbourne. Nguồn: AAP

 

Hãng hàng không Virgin Australia xác nhận đã bổ nhiệm các Ủy Viên Quản Trị để mong cứu vãn công ty sau khi chính phủ liên bang từ chối cung cấp khoản vay cứu trợ 1,4 tỷ đô-la.

 

Hội đồng quản trị của Virgin Australia đã bổ nhiệm Vaughan Strawbridge, John Greig, Sal Algeri và Richard Hughes thuộc công ty Deloitte làm các Ủy Viên Quản Trị của hãng hàng không và một số công ty con khác.

 

Nhóm này sẽ cố gắng tái cấp vốn, nhằm giúp doanh nghiệp vươn lên “ở một vị trí mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng COVID-19”.

 

Bộ phận Velocity Frequent Flyer, mặc dù thuộc sở hữu của tập đoàn, nhưng là một công ty riêng biệt và vẫn hoạt động bình thường.

 

Trong một thư ngỏ gửi đến toàn thể công ty, nhà sáng lập Virgin, Sir Richard Branson, nói rằng ông “rất tự hào” về các nhân viên của Virgin Australia, và hứa sẽ làm việc ngày đêm để cứu hãng hàng không.

 

“Tôi biết tin tức ngày hôm nay đau buồn như thế nào đối với các bạn,” ông Branson viết.

“Ở hầu hết các quốc gia, chính phủ liên bang đã can thiệp, trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này đối với ngành hàng không, để cứu các hãng hàng không. Đáng buồn thay, điều này đã không xảy ra tại Úc.”

 

Ông Branson hứa sẽ làm việc với các Ủy Viện Quản Trị mới được bổ nhiệm nhằm vực dậy hãng hàng không.

 

“Đây không phải là kết thúc dành cho Virgin Australia, nhưng tôi tin rằng đây là một sự khởi đầu mới,” ông nói.

“Tôi hứa rằng chúng tôi sẽ làm việc không quản ngày đêm để biến điều này trở thành sự thực.”

 

Virgin Australia đã phát hành một thông cáo nhằm trấn an các khách hàng sau tin tức này.

 

Thông báo có đoạn viết “Xin hãy an tâm, chúng tôi vẫn tiếp tục vận hành các chuyến bay theo lịch trình như bình thường, điều này giúp chuyên chở các công nhân thiết yếu, duy trì các hành lang vận chuyển hàng hóa quan trọng, và đưa người Úc trở về nhà,”

“Virgin Australia đã là một phần quan trọng của nước Úc trong 20 năm và chúng tôi quyết tâm tiếp tục bay trong tương lai.”

 

Virgin Australia đã tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ một số nơi, bao gồm các chính phủ tiểu bang và liên bang, để giúp hãng vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus, tuy nhiên vẫn chưa xin được sự hỗ trợ cần thiết.

 

Trước đó vào sáng thứ Ba, Tổng trưởng Tài chính Mathias Cormann đã từ chối lời kêu gọi chính phủ liên bang mua cổ phần tại Virgin Australia.

 

Có đến 15,000 việc làm đang bị đe doạ, trong khi chính phủ Morrison từ chối cung cấp một khoản vay cứu trợ 1,4 tỷ đô-la cho hãng này.

Thượng nghị sĩ Cormann tin rằng các Ủy Viện Quản Trị có thể tìm ra một giải pháp bền vững cho tương lai của công ty ở khu vực tư nhân.

 

Tổng trưởng Tài chính nói với ABC News Breakfast vào sáng thứ Ba rằng “Chính phủ không phải là doanh nghiệp sở hữu một hãng hàng không,”

 

“Nhưng chúng tôi muốn thấy hai hãng hàng không tiếp tục hoạt động, và chúng tôi tin rằng có cơ hội để điều đó xảy ra.”

 

Các Ủy Viện Quản Trị sẽ xem xét một số cách thức để cứu doanh nghiệp, bao gồm việc tái cơ cấu nợ.

 

Phát ngôn nhân đối lập đặc trách Ngân khố Jim Chalmers nói rằng sự tồn tại của hai hãng hàng không là rất quan trọng cho nền kinh tế.

 

Ông nói với các phóng viên  “Chính phủ không nên để 15,000 nhân viên của Virgin thấp thỏm lo sợ như vậy. Họ cần phải can thiệp và hành động thay mặt cho những nhân viên đó”.

 

Thượng nghị sĩ Cormann cho biết ban quản trị mới sẽ cung cấp một cơ hội để tái cấu trúc các bộ phận hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp.

 

Ông nói rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cổ đông lớn, bao gồm Singapore Airlines, Etihad và các nhà đầu tư Trung Quốc.

 

Virgin Australia hiện mắc nợ khoảng $5 tỷ đô la, sử dụng khoảng 10,000 nhân viên và hỗ trợ 5,000 việc làm gián tiếp khác.

 

Hãng đã tạm cho nghỉ việc hầu hết các nhân viên toàn thời gian, sau khi thị trường hàng không và du lịch trên hắp nước Úc bị sụp đổ vì COVID-19.

 

90% cổ phần của Virgin thuộc sở hữu ngoại quốc, với Singapore Airlines, Etihad Airways và hai tập đoàn Trung Quốc HNA Group và Hanshan sở hữu 80% cổ phần, trong khi tập đoàn Virgin Group của ông Richard Branson sở hữu 10% cổ phần.