Norfolk Island Source: SBS Dehen
Nhiều cư dân trên Đảo Norfolk đang tỏ ra lo lắng rằng họ có thể sẽ mất đi bản sắc văn hóa đặc biệt của họ, nếu như họ không được chính phủ Úc trao lại quyền tự quyết. Tuy nhiễn cũng có nhiều người ủng hộ quá trình chuyển đổi, với những tác động tích cực lên kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Đã sáu năm trôi qua kể từ khi Canberra bãi bỏ chính phủ của Đảo Norfolk do những rắc rối về tài chính. Và lúc này một cuộc điều tra công khai đã bắt đầu, điều tra vào việc hội đồng khu vực của hòn đảo bị đình chỉ gần đây.
Một nhóm những người dân địa phương đã viết thư gửi tới Thủ tướng Scott Morrison, yêu cầu quyền tự trị, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc và Hội đồng Nhân quyền can thiệp.
Chính phủ Úc bảo vệ các hoạt động của mình ở lãnh thổ hải ngoai này, chỉ ra một loạt các lợi ích kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Cư dân địa phương coi văn hóa là linh hồn của Đảo Norfolk.
Ngôn ngữ ở đây có niên đại hàng thế kỷ, và gắn liền với một lịch sử đầy màu sắc.
Tuy nhiên, theo một số người dân trên hòn đảo nhỏ bé này, như Leah Honeywood, bản sắc độc đáo này đang dần bị xói mòn.
“Nếu phải ước lượng bằng một tỉ lệ phần trăm, tôi có thể nói 90% bản sắc dân tộc của chúng tôi đã biến mất.”
Gia đình của Leah Honeywood’s sinh sống tại Norfolk đã trải qua bảy thế hệ.
Tổ tiên của bà là những người dân Đảo Pitcairn, sau Cuộc nổi dậy khét tiếng trên con tàu Bounty đã trở thành những người định cư đầu tiên trên đảo vào giữa những năm 1800.
Bà Honeywood cho rằng di sản của họ đã bị hủy hoại trong những năm gần đây.
“Họ đã nỗ lực trong một thời gian dài như vậy để trở thành một dân tộc và một chủng tộc, và trong vòng năm năm, ai đó đã đến và xóa bỏ điều đó.”
"Điều đã thay đổi đó là chính phủ Úc đã đến đây và áp đặt cách thức quản lý cũng như các mô hình quy tắc của họ, những thứ mà không áp dụng cho Norfolk."
Vương quốc Anh chuyển giao đảo Norfolk cho Úc ngay trước Thế chiến thứ nhất.
Năm 1979, lãnh thổ hải ngoại được trao quyền tự trị có giới hạn.
Tuy nhiên ảnh hưởng của Úc lên hòn đảo này một lần nữa tăng lên, sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu. Một chính phủ Norfolk suy kiệt về tài chính đã từ bỏ vị thế tự trị của mình để nhận cứu trợ từ Úc.
Canberra sau đó đã bãi bỏ Hội đồng Lập pháp Norfolk và chỉ định Quản trị viên của chính mình.
Các dịch vụ y tế và giáo dục hiện do chính phủ New South Wales quản lý với tài trợ từ chính phủ liên bang.
Trong khi đó, 1,000 cử tri đã đăng ký của Norfolk đã được thêm vào một khu vực bầu cử ở lãnh thổ thủ đô ACT.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Ron Ward mô tả các hoạt động hiện tại là "không thỏa đáng”.
“Chúng tôi không có tiếng nói trong bất cứ điều gì được quyết định cho chúng tôi. Và mọi thứ được quyết định bởi những lao động người nước ngoài, và các nhân viên phòng ban ở Canberra.”
Trước khi Úc bước vào, một cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc đã cho thấy hai phần ba người dân Đảo bỏ phiếu để giữ quyền tự trị.
Và nhiều năm trôi qua, một số phản đối vẫn bền bỉ duy trì.
Một đại sứ quán bằng lều (tent embassy) hiện được đóng cố định ở bên ngoài nhà quốc hội, trong khi một cánh đồng với những hình bàn tay được đặt ở ngay trung tâm thị trấn.
Catherine McCoy nói rằng cả hai đều là những hình ảnh mang tính biểu tượng về yêu cầu đòi quyền tự quyết.
“Đó là gia đình của tôi, là tổ tiên của tôi. Họ đã xây dựng và chi trả cho nơi này từ năm 1856, và tôi muốn thấy điều đó được tiếp tục. Một mức độ quyền tự quyết nào đó, một mức độ dân chủ nhất định.”
Người dân địa phương càng thêm tức giận sau khi hội đồng khu vực của Norfolk, chính quyền địa phương cuối cùng của họ, đã bị đình chỉ hồi đầu năm nay do lo ngại về quản lý tài chính.
Các câu hỏi về khả năng tồn tại của hội đồng trên là trung tâm của cuộc điều tra công khai bắt đầu trên Đảo Norfolk trong tuần này.
Nhưng những người dân thất vọng trên đảo như bà McCoy cho rằng đó là một ví dụ khác về việc các quyền dân chủ bị chối bỏ.
“Chắc chắn nó đã đi quá xa. Giờ đây chúng tôi không có tiếng nói. Chúng tôi không có một đại diện được bầu.”
Thuế đất - thứ mà chưa bao giờ tồn tại trong nhiều thế kỷ ở Norfolk - là một trong những bất bình lớn trong chế độ quản trị của Úc.
Bà Marlene Nobbs, 83 tuổi, nói rằng bà và những người dân địa phương khác rất bực tức.
“Norfolk đã luôn là một nơi giàu về tài sản nhưng nghèo tiền bạc. Họ sợ rằng họ sẽ mất đi mảnh đất của họ bởi vì họ không thể chi trả các khoản thuế.”
Tuy nhiên, một số người lại nói rằng cuộc sống ở đâyhiện tại đã tốt hơn trước nhiều, nhờ có nước Úc.
Cherrise Clarke đã sống ở Norfolk trong 40 năm qua.
"Tôi không thể hình dung được người dân Đảo sẽ đối phó như thế nào trong suốt đại dịch COVID nếu như không được tích hợp vào hệ thống thuế. Chúng tôi giờ đây có một mạng lưới an toàn cho người dân.”
Quản trị viên Eric Hutchinson thừa nhận việc chuyển đổi có thể được quản lý một cách tốt hơn, nhưng khẳng định rằng quyết định này là đúng đắn.
“Tôi không bao giờ muốn thấy những bản sắc, thứ khiến cho đảo Norfolk khác biệt với những nơi khác tại Úc, thay đổi, nếu như chúng không cần phải thay đổi. Nhưng có những điều mà tôi biết rằng, cộng đồng này thực sự cảm kích.”
Nola Marino, Trợ lý Bộ trưởng Phát triển Vùng nông thôn và Lãnh thổ, người đại diện cho Đảo Norfolk, đã khẳng định lại điều đó trong một thông cáo gửi tới SBS.
Nội dung như sau: “Quá trình chuyển đổi đã cho phép cư dân tiếp cận với Medicare, Chương trình Phúc lợi Dược phẩm, tiền hưu bổng, hỗ trợ cho trẻ em, đầu tư cơ sở hạ tầng và một loạt các lợi ích khác. Cư dân có một đại diện mạnh mẽ trong Quốc hội Liên bang, trong khi luật bầu cử xác định dân số là quá nhỏ để có khu vực cử tri của riêng mình.”
Nhưng với mỗi người chỉ ra lý do tại sao việc quản trị của Úc có tác động tích cực trên Đảo Norfolk, thì lại có một người khác phản đối chuyện đó.
Và do vậy, nó đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng vốn rất gắn bó này.
Đối với những người kiên quyết phản đối hiện trạng, như cụ ông Shane McCoy, họ cho rằng động lực cho sự thay đổi đang tăng lên.
“Tôi không có điều gì để nói xấu về nước Úc. Chúng tôi yêu nước Úc - nhưng họ cũng phải tôn trọng chúng tôi nữa.”