Theo một báo cáo mới của CSIRO, hầu hết người Úc không có chế độ ăn uống đủ cân bằng. Nguồn: Đã cung cấp / CSIRO
AUSTRALIA - Một trong những nghiên cứu lớn nhất về thói quen ăn uống của người Úc đã được công bố. Kết quả là gì?
Theo một báo cáo mới từ cơ quan khoa học quốc gia Úc, những người về hưu và những người làm việc trong ngành thể thao nằm trong số những người có chế độ ăn uống lành mạnh nhất.
Phúc trình Healthy Diet Score của CSIRO đã khảo sát trực tuyến hơn 235.000 người Úc trưởng thành từ năm 2015 đến năm 2023, đánh giá 9 yếu tố về thực phẩm họ tiêu thụ — bao gồm số lượng, chất lượng và sự đa dạng.
Sau đó, họ ước tính việc tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống của Úc để tính điểm dựa trên thang điểm 100.
Trong khi điểm trung bình của người Úc là 55, thì những người về hưu có điểm trung bình là 59,2.
Huấn luyện viên cá nhân, những người làm việc trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu, và nội trợ cũng nằm trong số 5 nhóm người có chế độ ăn uống lành mạnh nhất.
Ảnh: SBS
Người thất nghiệp có điểm trung bình thấp nhất là 51,2.
Xếp cuối bảng còn có những người làm việc trong lĩnh vực vận hành/hậu cần, xây dựng, nhà hàng/dịch vụ ăn uống và sản xuất.
Đồng tác giả báo cáo, nhà khoa học Gilly Hendrie thuộc CSIRO, nói với SBS News rằng “Điều thú vị là một số nghề mà chúng ta có thể cho là thiên về sức khỏe, như làm đẹp và thời trang, lại nằm trong số những nghề có điểm thấp nhất, cùng với công nhân xây dựng, những người làm việc trong lĩnh vực quản lý, khoa học và tài chính,”
“Nhìn chung, người Úc lớn tuổi cũng đạt điểm cao hơn người Úc trẻ tuổi.”
Chỉ 20% số người được khảo sát ăn đủ rau, và chỉ 2/5 ăn từ ba loại rau trở lên trong bữa ăn chính – một dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh.
Credit: SBS
Trong khi đó, mức tiêu thụ trung bình của các loại thực phẩm nên hạn chế là khoảng 28 khẩu phần mỗi tuần, trong đó rượu, bánh ngọt và bánh quy, sô cô la và bánh kẹo cũng như đồ ăn mang đi chiếm đa số.
Bà Hendrie cho biết hầu hết những người được khảo sát đều tuân theo các khuyến nghị về đồ uống, với điểm số 93/100.
Bà nói “Chọn uống nước lọc thay vì thức uống có đường như nước ngọt và nước trái cây… là lĩnh vực có điểm cao nhất,”
“Thứ hai là số thịt và các lựa chọn thay thế, cũng như bánh mì nguyên hạt, bánh mì và ngũ cốc. Nhưng chất lượng của những lựa chọn đó có những điểm cần cải thiện, vì vậy hãy chọn thịt nạc, và chọn bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt khi chúng ta ăn bánh mì và ngũ cốc.”
Gilly Hendrie là đồng tác giả của báo cáo Điểm ăn kiêng lành mạnh của CSIRO (CSIRO Healthy Diet Score). Nguồn: Đã cung cấp / CSIROO
Khả năng chi trả và khả năng tiếp cận
Mặc dù phúc trình của CSIRO đánh giá chế độ ăn uống của người Úc, nhưng nó không xem xét lý do tại sao mọi người lại đưa ra những lựa chọn như vậy.
Bà Rebecca Lindberg, nhà nghiên cứu tại Viện Hoạt động Thể chất và Dinh dưỡng thuộc Đại học Deakin ở Victoria, cho biết có nhiều yếu tố quyết định chế độ ăn của mọi người – đáng chú ý nhất là chi phí thực phẩm.
Bà nói với SBS News “Chỉ số giá tiêu dùng cho thấy chúng ta đã trải qua 12 tháng thực sự khó khăn, và đối với các sản phẩm thực sự thiết yếu như sữa, cũng như bánh mì, ngũ cốc, trái cây và rau, người Úc chưa bao giờ phải trả nhiều tiền hơn trong lịch sử hiện đại,”.
“Tỷ lệ các hộ gia đình cần chi để có chế độ ăn phù hợp với hướng dẫn của Úc lớn hơn nhiều. Điều đó mang tính tương đối; nếu bạn có thu nhập thấp, nếu bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu bạn đang nhận trợ cấp cho cha mẹ đơn thân, thì việc ăn uống phù hợp với những hướng dẫn đó sẽ tốn kém hơn so với khi bạn có thu nhập trung bình hoặc cao hơn.”
Bà Lindberg cho biết trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thực phẩm đã trở thành lĩnh vực “thắt lưng buộc bụng” của nhiều người Úc.
Bà nói “Có các chi phí cố định, chẳng hạn như điện nước, học phí hoặc các loại dịch vụ thiết yếu… và thực phẩm thường là khoản chi tiêu có tính co giãn,”
“Vì vậy, vào cuối hai tuần, khi kết thúc chu kỳ trả lương, có thể một tuần bạn có $150 để nuôi gia đình, và tuần tiếp theo có thể là $20 để nuôi gia đình.”
Trong khi khả năng chi trả là “yếu tố quan trọng nhất quyết định mọi người ăn gì”, bà Lindberg cho biết vấn đề“phức tạp hơn thế”.
“Ví dụ, có thể có những khu vực hẻo lánh và xa xôi của nước Úc, nơi giá thực phẩm rất cao và rất khó để có được thức ăn ngon cho bản thân và gia đình, thay vào đó, đó là những sản phẩm có hạn sử dụng lâu, ít dinh dưỡng hơn có thể được vận chuyển đến hoặc có thể được giữ trên kệ trong thời gian dài.”
“Đây cũng là những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ hơn và có mặt trên khắp mọi khu vực địa lý của Úc”
“Điều đó cũng ảnh hưởng đến hành vi và chúng thường có nhiều khả năng được giảm giá hơn, ở ngay cuối lối đi hoặc được đặt ở các vị trí thuận tiện để thu hút người tiêu dùng.”
Bà Lindberg cho biết hầu hết người Úc đang cố gắng hết sức có thể để đưa thức ăn bổ dưỡng vào chế độ ăn của mình.
Bà nói “Nếu chúng ta muốn khuyến khích người dân ăn uống lành mạnh, chúng ta cần làm cho thực phẩm có giá phải chăng và dễ tiếp cận đối với mọi người, đó là rào cản lớn nhất.”.
Làm sao để cải thiện chế độ ăn uống với ngân sách hạn hẹp?
Bà Hendrie cho biết việc thực hiện những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với chế độ ăn uống của bạn.
Bà nói “Ba điều cần ghi nhớ để cải thiện chất lượng chế độ ăn uống của chúng ta là giảm, tăng và đa dạng hoá,”
“Chúng ta có xu hướng ăn 5 đến 8 loại thực phẩm không lành mạnh mỗi ngày, vì vậy chỉ cần ăn ít đi một loại, và sau đó bổ sung thêm ba loại rau khác nhau trên đĩa của bạn là cách thực sự đơn giản để bắt đầu có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn.”
Đối với những người đang gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm tươi, bà Hendrie gợi ý nên mua trái cây và rau quả đông lạnh hoặc đóng hộp.
Bà nói “Chúng có thành phần dinh dưỡng giống hệt như đồ tươi và chúng sẽ không bị hỏng ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh.”
Việc lập kế hoạch bữa ăn cũng có thể giúp bạn tiết kiệm tiền.
Bà nói “Vào tối Chủ nhật, hãy nghĩ xem, ‘Tuần sau chúng ta sẽ ăn gì? Chúng ta cần có gì trong tủ bếp?’ Bằng cách đó, bạn sẽ có mọi thứ mình cần, do đó bạn không cần phải đi bộ đến cửa hàng hoặc mua đồ takeaway trên đường về nhà, và bạn cũng có được những thứ bạn cần để không lãng phí thực phẩm.”