Một người lính trong buổi lễ tưởng niện 80 năm vụ tầu ngầm Nhật Bản tấn công Cảng Sydney. Nguồn: AAP

 

AUSTRALIA - Đúng 80 năm trước vào ngày 31 tháng 5 năm 1942, 3 chiếc tàu ngầm tí hon của Nhật đã tấn công hải cảng Sydney. Có 21 thủy thủ thiệt mạng trong đêm đó, thế nhưng thời gian trôi qua mối quan hệ một thời gây sóng gió với Nhật Bản đã hoàn toàn biến đổi.

 

Âm thanh của bản The Last Post vang lên, để tưởng nhớ sĩ quan Leonard Walter Howroyd và 20 thủy thủ khác đã thiệt mạng vào ngày này 80 năm trước, khi ở trên một chiếc phà đã được hoán cải để phục vụ cho quân đội.

 

Vào ngày 31 tháng 5 năm 1942, ba tàu ngầm hạng tí hon của Nhật Bản tấn công Cảng Sydney.

 

Chúng được phóng từ một nhóm gồm năm tàu ​​ngầm lớn hơn.

 

Hai trong số các tàu ngầm nhỏ bé đã bị phá hủy, trước khi chúng có thể bắn ngư lôi.

 

Chiếc thứ ba bắn vào, nhưng bắn trượt chiến hạm của Mỹ USS Chicago, thế nhưng lại đánh chìm chiến hạm của Úc HMAS Kuttabul.

 

Được biết vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1942 trong Thế chiến thứ hai, các tàu ngầm thuộc Hải quân Đế quốc Nhật Bản, đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào các thành phố Sydney và Newcastle của Úc.

 

Vào đêm ngày 31 tháng 5 và ngày 1 tháng 6, ba tàu ngầm hạng trung lớp Ko-hyoteki, có số hiệu M-14, M-21 và M-24, mỗi chiếc với thủy thủ đoàn chỉ có hai thành viên, đã tiến vào Cảng Sydney, vốn được xây dựng một phần với lưới chống tàu ngầm, nhằm tìm cách đánh chìm tàu ​​chiến của Đồng minh.

 

Hai trong số các tàu ngầm tí hon đã bị phát hiện và bị tấn công, trước khi chúng có hành động nào.

 

Thủy thủ đoàn M-14 tự đánh chìm tàu ​​ngầm của họ, trong khi M-21 bị tấn công và tự sát thành công.

 

Các tàu ngầm này sau đó đã được Đồng minh thu hồi.

 

Chiếc tàu ngầm thứ ba đã cố gắng phóng ngư lôi vào tàu tuần dương hạng nặng của Mỹ USS Chicago, nhưng thay vào đó, nó đã đánh chìm chiếc phà của Úc đã được hoán cải là HMAS Kuttabul, khiến 21 thủy thủ thiệt mạng.

 

Người ta vẫn chưa biết số phận của chiếc tàu ngầm tí hon này cho đến năm 2006, khi những người thợ lặn phát hiện ra xác tàu ngoài khơi bãi biển phía bắc Sydney.

 

Ngay sau cuộc tập kích, 5 tàu ngầm của hạm đội Nhật Bản mang theo các tàu ngầm nhỏ bé đến Úc, đã bắt tay vào chiến dịch phá vỡ hoạt động vận chuyển hàng hải của các tàu buôn ở vùng biển phía đông Úc.

 

Trong tháng tiếp theo, các tàu ngầm đã tấn công ít nhất 7 tàu buôn, đánh chìm 3 tàu và giết chết 50 thủy thủ.

 

Trong khoảng thời gian này, từ nửa đêm đến 2 giờ rưỡi sáng ngày 8 tháng 6, hai trong số các tàu ngầm đã bắn phá các cảng Sydney và Newcastle.

 

Các cuộc tấn công của tàu ngầm tí hon và những vụ bắn phá sau đó, là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về hoạt động hải quân của phe Trục ở vùng biển Úc trong Thế chiến thứ hai và là dịp duy nhất trong lịch sử, khi một trong hai thành phố bị tấn công.

 

Được biết các thiệt hại vật chất rất nhẹ, do quân Nhật đã dự định phá hủy một số tàu chiến lớn, nhưng chỉ đánh chìm một tàu kho không vũ trang và không làm hư hại bất kỳ mục tiêu quan trọng nào, trong các cuộc tấn công.

 

Thế nhưng tác động chính là tâm lý, khi tạo ra nỗi sợ hãi về một cuộc xâm lược của Nhật Bản sắp xảy ra và buộc quân đội Úc phải nâng cấp khả năng phòng thủ, bao gồm cả việc bảo vệ hoạt động vận chuyển của đoàn tàu buôn.

 

Trong khi đó ông Shane Casey từ Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc nói rằng, sự kiện này là chưa từng có.

 

Ông nói “Cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ, mặc dù nước Úc bị không kích nhiều lần vào giữa năm 1942, nhưng người Nhật chưa từng có nỗ lực nào thuộc loại này".

"Tàu ngầm tí hon Nhật mở cuộc tấn công vào tháng 12 năm 1941, nhưng hầu như không hiệu quả”.

 

Đối với người dân Úc, cuộc tấn công đã gây ra làn sóng chấn động trên toàn quốc rằng, cuộc chiến đã đến bờ biển của nước Úc.

 

Shane Casey nói “Vụ này thực sự khiến người Úc biết rằng, đất nước Úc rất dễ bị tấn công và tôi nghĩ rằng, mối đe dọa đó vẫn chưa biến mất".

"Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh và nó còn gây được tiếng vang cho đến ngày nay".

 

Còn về phía Nhật Bản, chiến thắng gần như là không thể thực hiện.

 

Giáo sư Veronica Taylor từ Đại học Quốc gia Úc giải thích.

 

“Một ​​trong những đặc điểm của Nhật Bản trong suốt cuộc chiến, là một loại quyết tâm cao độ để giữ vững đường đi nước bước".

 

"Mặc dù trên thực tế, chúng ta đã biết qua nhiều ghi chép lịch sử cũng như ngay cả giới tinh hoa hiểu biết về chính trị, thậm chí trong quân đội Nhật Bản cũng biết rằng, triển vọng thành công đang giảm đi rất nhanh”, Veronica Taylor.

 

Thế nhưng 8 thập niên trôi qua và mối quan hệ của Úc với Nhật Bản đã tiến triển đáng kể, từ kẻ thù chiến tranh thành đồng minh.

 

Hai nước đã ký một hiệp định thương mại chỉ 15 năm sau chiến tranh, với việc Thủ tướng Robert Menzies khi đó, đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1957.

 

Veronica Taylor nói “Mối quan hệ giữa hai nước đang có được là vô cùng bền chặt, chúng tôi đã đạt được mức độ tin cậy và hợp tác không thể tưởng tượng nổi, đối với những người ở cả hai bên trong mối quan hệ trong thời kỳ chiến tranh, vì vậy có rất nhiều điều tích cực và lạc quan”.

 

Những gì còn lại của các tàu ngầm tí hon giờ đây là các tàn tích được chắp nối lại với nhau, để tạo ra một bản sao.

 

Thế nhưng đối với người dân Úc, những ký ức về sự kiện này sẽ sống mãi, như một lời nhắc nhở về cái đêm kinh hoàng khi hải cảng Sydney bị tấn công.