Hình ảnh: iStockphoto / Diy13/Getty Images
AUSTRALIA - Úc đang cân nhắc trước những kêu gọi giải quyết vấn đề bạo lực giới tính trên toàn quốc. Một trong những sắp tới có thể là việc ban hành luật cấm phim video khiêu dâm giả mạo dùng công nghệ AI để ghép hình ảnh trái phép. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong các biện pháp cần thiết trong nhiều biện pháp cần làm để tạo sự thay đổi một cách hệ thống.
Chồng cũ của Sarah - tên và giọng nói nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính - là người nghiện phim khiêu dâm.
Cô nói rằng điều đó đã gây căng thẳng rất lớn cho mối quan hệ của họ.
"Tôi lần đầu tiên biết đến phim khiêu dâm là lúc quen với anh ấy, từ rất sớm trong mối quan hệ. Tôi chưa bao giờ xem phim khiêu dâm trước đây. Tôi cũng chưa từng quan hệ với ai xem phim khiêu dâm trước đây. Tôi không thấy thấy thoải mái với cái việc xem loại phim này. Do vậy mà tôi đã nói với anh ấy là 'chúng ta không cần phải xem nó'. Và tôi cũng yêu cầu không có đem phim khiêu dâm vào nhà và anh ấy hứa là sẽ làm như ý tôi. Nhưng mà tôi có nghi vẫn lén lút xem dù tôi không có bắt gặp là anh ấy vẫn đang xem. Tôi chỉ phát hiện trong tài khoản mạng xã hội của anh ấy là anh ấy nhận được tin nhắn từ một người bạn mà những tin nhắn ấy luôn chứa nội dung khiêu dâm. Khi tôi anh ấy thì anh ấy nói với tôi rằng việc đó sẽ dừng lại, rồi sau đó thì anh ấy đã xóa các tin nhắn."
Vào năm 2015, Sarah nói rằng cô bị chồng chụp ảnh khi đang quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của cô.
"Tôi tìm thấy một camera giấu kín trong phòng ngủ của mình...Tôi đang ở trên giường và nó là một chiếc TV khá lớn trong phòng ngủ và nó ở trên bàn trang điểm, nhưng nó được giấu đằng sau chiếc TV. Và tôi chỉ vô tình thấy một cái giốn như là có một chút khoảng hở giữa TV và cái gì nó đặt trên đó, nó là một chiếc cục be bé và tôi nhìn mà tôi không biết nó là cái gì. Và đó là một chiếc máy ảnh."
Bực bội và tức giận, Sarah đặt câu hỏi về lý do chồng mình đặt máy ảnh trong phòng ngủ của họ.
Để trấn an cô, anh ta nói với cô rằng đó là vì lý do an ninh và thề rằng nó không hướng về phía cô mà chỉ hướng lên trần nhà.
"Và sau đó tôi tìm thấy những bức ảnh của mình trong một tập tin bị khóa, tôi đã mở nó ra được mà không có sự đồng ý của anh ấy. Tôi không biết anh ta đã chụp nó bằng camera điện thoại lúc nào và như thế nào."
Cô nói rằng tình huống này khiến cô cảm thấy bị xâm phạm.
"Nói đến đây mà tôi còn muốn khóc, xin lỗi. Tôi không thể tin được rằng điều đó lại xảy ra với mình. Lo lắng, buồn bã, sợ hãi thất vọng, và sau đó là tức giận. Bởi vì nó đã xảy ra nhiều lần, nó xảy ra khá nhiều lần."
Qua nhiều năm, Sarah tiếp tục tìm kiếm những chiếc máy ảnh khác - dưới dạng đồng hồ báo thức, chìa khóa xe ô tô loại bám nút điều khiển, loa Bluetooth và cả kiếng đọc sách.
"Bạn biết không, có một cái đồng hồ báo thức có gắn camera trong đó. Tôi nhớ là cái đồng hồ đó ở trong phòng ngủ của tôi. Và khi tôi hỏi thì anh nói là: 'Ô, anh định đặt nó ở đó, mà em muốn có sự an toàn ở đó mà'. Anh ấy rất là lão luyện trong việc thao túng tâm lý vì đúng là tôi cảm thấy bất an với mọi thứ'. Và anh luôn là kiểu 'Ồ, tưởng em muốn vậy chứ, cho em thôi'. Hoặc là anh ấy sẽ lôi kéo tôi vào đó bằng cách nào đó mà tôi nghĩ đó là lỗi của tôi. Đó chỉ là sự lạm dụng mà thôi. Tất cả chỉ là lạm dụng."
Sarah hiện đã rời bỏ người chồng đó nhưng cô cho biết sự tổn thương vẫn còn.
"Thật khó để rời đi vì anh ấy kiểu -- anh ấy rất hung hăng thụ động kiểu như là tỏ ra giận dỗi... Bạn biết anh ấy có thể tử tế và... tôi cảm thấy khó để quyết định... Cả cuộc đời tôi bị cuốn theo anh ấy... Nhưng cuối cùng thì tôi đã rời đi. Tôi không có ý định quay lại. Vì tôi không tin sẽ có sự thay đổi. Vâng, tôi không thể quay lại... Và một người luôn cảm thấy không an toàn thì tôi lúc nào cũng đảo mắt tìm kiếm máy ảnh, không ngừng. Tôi kiểm tra mọi thứ."
Sarah không phải là cá biệt trong trải nghiệm của mình.
Một cuộc khảo sát quốc gia do Trường Tư pháp thuộc Đại học Công nghệ Queensland thực hiện cho thấy việc giới trẻ Úc tiếp xúc nhiều với nội dung khiêu dâm góp phần thúc đẩy bạo lực và thái độ bạo lực đối với phụ nữ.
Cuộc khảo sát được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Úc và New Zealand cho thấy độ tuổi trung bình lần đầu tiên xem phim khiêu dâm là 13,2 tuổi đối với nam và 14,1 tuổi đối với nữ, trong số những người trẻ tuổi đã xem phim khiêu dâm.
Và với sự phát triển của trí thông minh nhân tạo AI, mối lo ngại hiện đang được đặt ra về sự lan truyền các nội dung khiêu dâm giả mạo sử dụng hình ảnh lắp ghép mà không có sự đồng thuận của đương sự.
Đặc Ủy viên eSafety Julie Inman Grant cho biết cô đã nhận được nhiều báo cáo về việc những người trẻ tuổi bị khống chế do những hình ảnh khiêu dâm hình ảnh của họ được dùng lắp ghép vào các phim khiêu dâm và chia sẻ.
Tại Úc hiện nay, cứ bốn ngày lại có một phụ nữ bị giết, trong đó có nhiều người được cho là do bạn tình hiện tại hoặc trước đây gây ra, Úc đang cân nhắc trước các lời kêu gọi cần có biện pháp để tạo sự thay đổi vấn đề này trên toàn quốc.
Thủ tướng Anthony Albanese đã tuyên bố chính phủ sẽ đưa ra luật mới cấm việc tạo và phân phối nội dung khiêu dâm giả mạo lắp ghép hình ảnh mà không có sự đồng thuận.
Ông Albanese nói rằng đây là một trong những biện pháp nhằm giải quyết bạo lực giới tính đối với phụ nữ và chống lại quan điểm cực đoan độc hại của nam giới trên mạng.
"Chúng tôi sẽ đưa ra luật cấm việc làm và phát tán các nội dung khiêu dâm sử dụng hình ảnh lắp ghép giả mạo, cũng như việc chia sẻ các tài liệu khiêu dâm làm bằng công nghệ như trí thông minh nhân tạo sẽ phải chịu hình phạt hình sự nghiêm trọng."
Những hình phạt hình sự đó có thể bao gồm việc phạt tù lên tới sáu năm.
Tổng trưởng Tư pháp Mark Dreyfus nói với SBS News trong một tuyên bố rằng, "những cải cách này sẽ nhận dạng các hành vi phạm tội mới nhằm đưa những kẻ tìm cách lạm dụng hoặc hạ thấp phụ nữ qua việc làm và chia sẻ tài liệu khiêu dâm lắp ghép hình ảnh bằng công nghệ như trí thông minh nhân tạo mà không có sự đồng ý của đương sự thì sẽ phải chịu các hình phạt hình sự nghiêm trọng. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường các tội hình sự hiện có để bảo đảm rằng chúng áp dụng cho các hình ảnh giả mạo công nghệ cao.”
Thuật ngữ chuyên môn của tiếng Anh gọi các hình ảnh lắp ghép giả mạo sử dụng công nghệ cao là deep fake hiểu nôm na là giả mạo sâu sắc tinh vi.
Deep fake là từ này ghép giữa deep neural networks - mạng lưới thần kinh sâu và fake images - hình ảnh giả.
Nhưng thực chất, deep fake là hình ảnh, video hoặc âm thanh giả được tạo bởi một chương trình máy tính.
Và công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng.
Jeannie Paterson của Đại học Melbourne, người lãnh đạo trung tâm AI và Đạo đức kỹ thuật số của trường, giải thích.
"Trước đây, để tạo ra một video giả tinh vi như thật, người ta thường thực hiện bằng cách hợp nhất hai hình ảnh. Tức là chúng ta có thể có khuôn mặt của một nhân vật của công chúng, chẳng hạn như Barack Obama, và ghép một cái miệng khác nói những điều khác nhau để nó khớp với hình ảnh đó của Barack Obama. Rồi sau đó, một giọng nói sẽ được thêm vào để tạo ra một cảnh giả mạo rất tinh vi như chúng ta đã thấy qua cái clip nổi tiếng lưu truyền Barack Obama chỉ trích Trump. Điều đó được thực hiện một cách hiệu quả bằng cách kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh."
Công nghệ đó giờ đơn giản hơn nhiều nhờ vào AI.
"Giờ đây AI có thể tạo ra hình ảnh chân thực từ các mệnh lệnh văn bản. Vì vậy, những deep fake- hình ảnh giả sâu sắc - hiện nay, chẳng hạn như những hình ảnh xuất hiện gần đây tại Met Gala, với những người nổi tiếng không có mặt ở đó và mặc trang phục mà họ không mặc. Những hình ảnh này thực ra được tạo ra bằng những phương pháp khá đơn giản mà chúng tôi gọi là hình ảnh tổng hợp. Nó hoàn toàn được tạo ra. Nó không phải là sự kết hợp của hai hình ảnh như cách làm trước đây mà tôi đã nói. AI thực sự tạo ra một hình ảnh mới giống như một nhân vật nổi tiếng đang làm những việc mà họ chưa bao giờ làm, hoặc chỉ một người bình thường hay bất cứ người nào, và cho họ làm những điều mà họ chưa từng làm."
Mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi công nghệ này được sử dụng để làm ra các nội dung khiêu dâm giả mạo tinh vi.
Giáo sư Paterson cho biết mặc dù người trưởng thành có quyền tạo ra những hình ảnh hoàn toàn tổng hợp để giải trí hoặc giải trí cho riêng họ, nhưng điều đó trở nên phản cảm khi khuôn mặt hoặc danh tính của người khác bị chiếm đoạt đưa vào những sản phẩm đó mà không có sự đồng ý của đương sự.
"Thật không may, một số mục đích sử dụng Deep Fakes - Giả mạo tinh vi - sớm nhất là cho nội dung khiêu dâm hoặc lạm dụng hình ảnh thân mật. Các nội dung khiêu dâm giả mạo sâu sắc này thường ghép mặt của một người vào những hình ảnh khiêu dâm khác, mà thường là với mục đích muốn làm nhục hoặc khống chế họ. Do đó cái bị chê trách và có thể cấu thành tội phạm là họ sử dụng công nghệ cao để làm ra các sản phẩm hạ nhục và xúc phạm những người mà không có sự đồng thuận của họ cho phép lấy hình ảnh của họ được lắp ghép hoặc chia sẻ."
Từ lúc AI xuất hiện thì thật khó để có được con số chính xác về mức độ phổ biến của nó trên mạng.
Nhưng Giáo sư Patterson nói rằng họ đã nghe thấy những trường hợp tương tự xảy ra ở nơi làm việc, trường học và nơi công cộng.
Bà cũng nói rằng một khi là nạn nhân, thì bất kể nó được tạo ra như thế nào hay nó được chia sẻ nhiều hay ít thì cũng là vấn đề lớn đối với họ.
"Điều quan trọng là nó nhìn rất thật, rất giống, và nó được làm ra để hạ nhục, đe dọa hoặc làm nạn nhân xấu hổ. Vì vậy, việc sử dụng mới là vấn đề chứ không phải là việc tạo ra-- nếu bạn là nạn nhân của một vụ tống tiền bằng các nội dung khiêu dâm lắp ghép giả mạo sâu sắc, thì không cần biết là nó được tạo ra bằng cách hợp nhất hai hình ảnh lại với nhau một cách tinh vi hay vụng về hay nó hoàn toàn được tạo ra bởi công nghệ AI tổng hợp, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh mình lắp ghép trên đó là bạn bị tổn thương rồi."
Vì vậy, việc này sẽ được kiểm soát như thế nào và các quy định hiện hành ở Úc là gì?
Câu trả lời, không hoàn toàn rõ ràng.
Úc có Đạo luật An toàn Trực tuyến ban hành vào năm 2021.
Theo Mục 75 của Đạo luật, việc đăng hoặc đe dọa sẽ cho đăng tải hình ảnh riêng tư của một người lên mạng mà không có sự đồng ý của họ là vi phạm dân sự.
Úc cũng có Đạo luật phỉ báng 2005, có thể được sử dụng để khởi kiện thủ phạm đã tạo ra những hình ảnh giả mạo này.
Tiến sĩ Shahriar Kaisar, giảng viên Đại học RMIT về Hệ thống Thông tin và Phân tích Kinh doanh, cho biết khi nói đến việc kiểm soát nội dung khiêu dâm giả mạo, đây vẫn là một vấn đề phức tạp cần có giải pháp thấu đáo.
"Rất khó để xác định ai chịu trách nhiệm tạo ra và đôi khi đó cũng có thể là những người tự do từ nước ngoài. Và có khi họ chỉ sử dụng thứ gì đó như VPN để kết nối và phân phối. Và như vậy thì có thể nói họ trở nên ẩn danh. Vậy thì bạn sẽ kiện ai đây để chống lại hành vi này?"
Vì đây là một công nghệ đang phát triển nên các rào chắn liên tục thay đổi.
Internet tràn ngập các ứng dụng và hướng dẫn trực tuyến về cách tạo ra những hình ảnh giả sâu sắc deep fake, khiến chúng ngày càng dễ tiếp cận.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi một hình ảnh được phát tán nhiều lần trên mạng, chuyển qua nhiều mạng ngôn ngữ khác nhau.
"Trung tâm An ninh mạng Úc, xuất bản các hướng dẫn định kỳ về tất cả các loại vấn đề an ninh mạng khác nhau, không chỉ về deep fake mà còn cung cấp các hướng dẫn chung về cách phát hiện các trò gian lận, cùng các loại tài liệu khác có liên quan."
Các chuyên gia cho rằng việc cấm nội dung khiêu dâm giả mạo sâu sắc chỉ là một phần của vấn đề khi nói đến việc giải quyết một số vấn đề văn hóa sâu sắc hơn xung quanh bạo lực giới tính.
Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Movember, Tiến sĩ Zac Seidler cho biết nó đòi hỏi một cách tiếp cận đa hướng.
"Tôi không nghĩ nội dung khiêu dâm là trung tâm của vấn đề này. Tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố xã hội quan trọng hơn đang diễn ra. Tôi nghĩ nội dung khiêu dâm sẽ thổi bùng lên tất cả những yếu tố đó. Vì vậy, khi bạn sử dụng nó sai mục đích, có nhiều thứ liên quan. Bạn bị chấn thương tâm lý, bạn có vấn đề về giáo dục, bạn nghèo đói, hoặc tất cả những thứ đó cùng diễn ra trong bạn. Rồi sau đó bạn có dịp liên tục truy cập miễn phí những thứ phức tạp, những nội dung có vấn đề đưa những hình ảnh sai lệch về phụ nữ thì tất cả những cái này vô hình chung sẽ làm tăng số lượng vấn đề vốn đã có trong bạn và tạo thành ra nguồn cơn của những chuyện hiện có đó."
Một tổ chức như vậy đang tìm cách giải quyết chuyện này này là Man Cave, một chương trình phòng ngừa sức khỏe tâm thần dành cho các em trai tuổi teen.
Man Cave tổ chức các buổi hội thảo, cắm trại và thuyết trình tại các trường học trên khắp nước Úc với trọng tâm là khám phá nam tính lành mạnh và khả năng hiểu biết về cảm xúc.
James Lolicato là Tổng Giám đốc Điều hành cho biết ông thấy nhiều nam thanh niên đã trải qua đại dịch COVID - và phần lớn cuộc sống học đường của họ là qua màn hình - và họ ngày càng bị thu hút bởi những ảnh hưởng tiêu cực trên mạng.
"Và thay vì có những hình mẫu nam tính lành mạnh từ trong trường học hoặc môi trường hiện tại mà họ có thể noi theo thì họ lại tìm đến những nguồn tài nguyên khác, nghe những nơi này nói. Và rất nhiều điều họ nghe từ những nguồn trôi nổi này thì phải nói là có xu hướng coi thường phụ nữ; khoe khoang hay phô bày nam tính mà không phải là một hình mẫu nam tính lành mạnh để những người trẻ mới lớn noi theo."
Ông nói vì điều này mà nhiều thanh niên bối rối về cách trưởng thành và thế nào hình mẫu lành mạnh.
"Và đó là lúc mà chúng ta chứng kiến sự gia tăng thực sự các trường hợp bạo lực gia đình. Cứ bốn ngày lại có một phụ nữ bị sát hại bởi người bạn đời hiện tại hoặc người bạn trai cũ của họ, và điều đó đòi hỏi toàn bộ xã hội phải thay đổi, một sự thay đổi xã hội xuất phát từ việc làm thế nào để chúng ta tiếp cận được những nam thanh niên trước khi những hành vi độc hại này xuất hiện, trước khi chúng bắt đầu tồn tại, để từ đó có thể hướng dẫn họ về ý nghĩa của việc trở thành một hình mẫu nam giới khỏe mạnh cho những người xung quanh, không chỉ các thế hệ trẻ ở trường học của họ, mà còn cả bạn bè, gia đình và những người đang ngưỡng mộ họ."
Tiến sĩ Seidler của Movember cho rằng cần phải có một sự thay đổi lớn về cơ cấu và hệ thống.
"Không ai trong số những người đàn ông đã phạm tội bạo lực và trong nỗ lực phục hồi của họ sau hành động bạo lực mà hạnh phúc cả. Tôi đã làm việc với rất nhiều người, không ai cả. Không ai trong số những người đàn ông này muốn phạm tội bạo lực. Không có cậu bé nào muốn mình lớn lên làm tổn thương những người mà chúng yêu thương nhất, và tôi nghĩ chúng ta cần phải giữ vững điều đó, nhân tính trong mỗi người . Để đưa đến bạo lực có nhiều nguyên do và tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Tình trạng vô gia cư, bị bạo lực, sức khỏe tâm thần. Đây không thể là những cách tiếp cận riêng lẻ. Chúng cần được hiểu là tất cả đều chồng chéo lên nhau. Và chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội nếu chúng ta bắt đầu tiếp cận nó."