Thỏa thuận ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ (gọi tắt là thỏa thuận AUKUS -  [Phiên âm của tự điển bách khoa toàn thư mở là:  /ˈɔːkəs/; là thỏa ước an ninh giữa ba nước: Úc Đại Lợi – Vương Quốc Anh – Hoa Kỳ được thông báo vào ngày 15 tháng Chín, 2021]) về tàu ngầm năng lượng hạt nhân phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong cách thức hợp tác giữa các nước trong tương lai.

 

 

 

 

Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu trực tuyến tại cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: AFP

 

 

 

 

Rạng sáng 16-9 (theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng thông báo việc thành lập thỏa thuận hợp tác ba bên mang tên AUKUS sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

 

 

Người Úc quyết đoán hơn.

 

Ông Morrison cho biết các nhóm làm việc của AUKUS sẽ đề ra kế hoạch trong vòng 18 tháng tới về việc chế tạo một đội tàu ngầm hạt nhân mới của Úc đóng ở Thành Phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc. Kế hoạch này sẽ đưa Úc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. AUKUS được cho sẽ càng gắn Úc chặt hơn với Mỹ xét về quan điểm quân sự và công nghệ trong dài hạn.

 

 

Tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường luật Canberra, Úc), một nhà nghiên cứu về chính sách của Úc trong khu vực, nói "Điểm khiến AUKUS trở nên quan trọng chính là hệ quả có được từ sự hợp tác lâu dài với Mỹ và Anh về năng lực vũ khí tiên tiến. Hợp tác này mang lại thách thức lớn với bất cứ quốc gia nào có hành động thù địch trong khu vực".

 

 

Những chuyên gia thạo tin về toan tính của Úc cũng đều nhận định AUKUS là bước tiến trong nỗ lực tìm cách tự chủ về công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Canberra. Theo tiến sĩ Bachmann, Úc sẽ phải tính tới việc phát triển cơ sở hạt nhân riêng khi không muốn lệ thuộc Mỹ về điều này. Ông nói "Úc là nhà xuất khẩu urani lớn nhất thế giới. Việc phát triển cơ sở hạ tầng như vậy là hợp lý, phù hợp với chính sách tập trung vào việc tăng cường tính tự chủ của chính phủ".

 

 

 

Đòn bẩy hợp tác kiểu mới.

 

Dư luận quốc tế sẽ không lạ với phản ứng của Bắc Kinh trước những diễn biến mới kiểu như AUKUS. Vấn đề ở chỗ, liệu các hợp tác như AUKUS có hiệu quả không. Và đây là thời điểm để quan sát cuộc đấu trí này.

 

 

Không ít ý kiến cho rằng AUKUS chưa hẳn cần thiết vì Trung Quốc khó có khả năng đẩy xung đột lên thành chiến tranh. Nhưng giáo sư Blaxland nhấn mạnh tính răn đe của AUKUS. Ông nhận định: "Các lãnh đạo và chiến lược gia Trung Quốc phải cân nhắc rủi ro và có lẽ ít có khả năng họ ra quyết định vượt qua lằn ranh chiến tranh".

 

 

Trên thực tế, chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc lâu nay đã tạo khó khăn cho các nhà làm chính sách khu vực. Đa số không sẵn sàng "chọn phe", không tham gia liên minh.

 

 

Trong bối cảnh một số liên minh kiểu cũ đang bị cho là lỗi thời, nhiều năm qua các nước bắt đầu thúc đẩy các mô hình hợp tác theo kiểu tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể, quy mô nhỏ và sát với ưu tiên từng nước hơn. AUKUS chính là một trong những khuôn khổ hợp tác như thế.

Sau khi AUKUS được công bố, đã xuất hiện ý kiến cho rằng New Zealand và Canada bị "bỏ rơi". Dù New Zealand chủ trương nói "không" với phát triển hạt nhân, mối quan hệ thân cận của nước này với Úc vẫn khiến nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về độ tương thích giữa New Zealand và Úc trong cách tiếp cận vấn đề toàn cầu khi New Zealand không tham gia AUKUS.

 

 

Dù vậy, Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định AUKUS sẽ "không bao giờ làm thay đổi quan hệ tình báo và an ninh của chúng tôi với 3 nước này cũng như với Canada". Nói cách khác, nếu không tham gia vấn đề hạt nhân, các nước như New Zealand vẫn duy trì hợp tác với Anh, Mỹ, Úc hay Canada ở các thỏa thuận khác phù hợp với ưu tiên và chiến lược của riêng họ.

 

 

Trong một diễn biến khác, Pháp tỏ ra không hài lòng khi việc ra đời AUKUS xem như đã khai tử thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD giữa nước này với Úc.