Tổng trưởng ngân khố Jim Chalmers đã công bố ngân sách phúc lợi đầu tiên của Úc. Source: Getty / Bobbi Lockyer/Refinery29 Australia

 

Chính phủ đo lường chỉ số phúc lợi để làm gì? Khung phúc lợi có liên quan gì đến nền kinh tế và có ý nghĩa gì đối với người dân Úc?

 

Người Úc hiện sống lâu hơn, hạnh phúc hơn trong công việc và tin tưởng lẫn nhau hơn so với hai thập niên trước.

 

Nhưng nhiều người cũng đang chiến đấu với các bệnh mãn tính, vật lộn để kiếm sống và có những trải nghiệm tồi tệ trên mạng.

 

Đây là một số kết quả của khung phúc lợi quốc gia đầu tiên, do Tổng trưởng ngân khố Jim Chalmers công bố vào thứ Sáu (21/7).

 

Vậy tại sao chính phủ lại đo lường phúc lợi, nó có liên quan gì đến nền kinh tế và điều này có thực sự có ý nghĩa gì đối với người dân?

 

Đo lường những vấn đề quan trọng là gì?

Ông Chalmers lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về "ngân sách phúc lợi" vào năm 2020 khi Liên đảng nắm quyền, điều mà Tổng trưởng ngân khố lúc bấy giờ Josh Frydenberg mô tả là "buồn cười".
 

Phúc lợi là sự kết hợp của các yếu tố thể chất, xã hội, kinh tế và cảm xúc, và chất lượng cuộc sống nói chung.

 

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tập trung vào phúc lợi sẽ giúp theo dõi việc phân phối tài nguyên một cách công bằng, phát triển thịnh vượng và bền vững nói chung.

 

Đo lường những vấn đề quan trọng là khuôn khổ phúc lợi quốc gia đầu tiên của Úc sử dụng 50 chỉ số để theo dõi mức độ lành mạnh, an toàn, bền vững, gắn kết và thịnh vượng của Úc.

 

Khung này cũng bao gồm một chỉ số hài lòng về cuộc sống tổng thể.

 

Quá trình tham vấn bao gồm hơn 280 ý kiến đóng góp từ người dân và các tổ chức cũng như các cuộc họp với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác.

 

Theo báo cáo, trong hai thập niên qua, Úc đã cải thiện về tuổi thọ, cảm giác an toàn, đại diện trong quốc hội và sự phát triển của trẻ em.

 

Nhưng cũng có nhiều người Úc mắc các bệnh mãn tính hơn và nhiều người cảm thấy khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn so với những thập niên trước.

 

Đã có ít tiến bộ hơn về sức khỏe tâm thần và tiền lương thực tế. Các biện pháp liên quan đến tình trạng vô gia cư và niềm tin vào chính phủ quốc gia đã xấu đi.

 

Người Úc cũng đang gặp khó khăn hơn trong việc kiếm sống.

 

Đã có một số chỉ trích về dữ liệu được dùng trong khung phúc lợi, một số dữ liệu được thu thập vào thời điểm trước 12 lần tăng lãi suất, trước đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa, mà các nhà phê bình cho rằng tất cả đều gây bất lợi cho sức khỏe.

 

---

Phát ngôn viên về Tài chính của phe đối lập, Angus Taylor, cho biết Chalmers cần kiểm tra thực tế và bộ của ông đã "nướng bánh nửa sống nửa chín".

Ông Taylor nói với các phóng viên ở Perth “Báo cáo này tập trung vào dữ liệu từ trước năm 2020, trước khi xảy ra đại dịch… nó hoàn toàn lỗi thời,”

“Vào thời điểm chúng ta chứng kiến 11 lần tăng lãi suất, tăng 25.000 đô la trong chi phí của một gia đình Úc điển hình, và ông đang bỏ qua dữ liệu đó từ báo cáo của mình."

"Đây không phải là một báo cáo về phúc lợi."

 

Ông Chalmers thừa nhận rằng chính phủ cần đo lường tiến độ theo thời gian tốt hơn.

“Có một số lĩnh vực bị hạn chế về dữ liệu và chúng tôi cần cải thiện điều đó," ông nói với các phóng viên ở Brisbane.

"Một trong những động lực để phát hành khung phúc lợi quốc gia đầu tiên này là để nhận ra chỗ nào chúng ta cần làm tốt hơn trong việc đo lường những gì quan trọng trong nền kinh tế và xã hội của chúng ta."

 

Khung sẽ tiếp tục được tinh chỉnh khi Bộ tài thu thập dữ liệu mới và phản hồi của cộng đồng.

 

Phúc lợi có liên quan gì đến nền kinh tế?

Khung phúc lợi là một phần trong nỗ lực đo lường về thành công kinh tế ở cấp độ xã hội cũng như thông qua các phương tiện truyền thống hơn là về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc làm, lạm phát và tiền lương.
 

Nó nhằm mục đích đặt con người, sự tiến bộ, công bằng và cơ hội "cốt lõi" của nền kinh tế Úc và điều chỉnh tốt hơn các mục tiêu kinh tế và xã hội trên toàn quốc.

 

 

Tổng trưởng ngân khố Jim Chalmers cho biết ngân sách phúc lợi sẽ giúp điều chỉnh các mục tiêu kinh tế và xã hội của Úc. Source: AAP / Jono Searle

 

 

Các chỉ số kinh tế truyền thống vẫn là một "phần quan trọng" trong việc đo lường tiến độ, báo cáo cho biết, nhưng chúng "còn lâu mới thể toàn bộ câu chuyện".

 

Khung phúc lợi hướng tới việc sử dụng các số liệu bổ sung để hiểu rõ hơn về tình trạng của người Úc, hỗ trợ các cuộc thảo luận đầy đủ thông tin hơn về cách cải thiện cuộc sống và giúp cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp chính quyền.

 

Điều này có thể mang ý nghĩa gì đối với người dân?

Theo Bộ Tài chính, khung phúc lợi có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định, chính sách và bổ sung cho các sáng kiến đang diễn ra.
 

Khung phác thảo các sáng kiến chính của chính phủ đang được thực hiện để cải thiện kết quả trong từng lĩnh vực.
 

Chúng bao gồm các chiến dịch y tế, tiếp cận dịch vụ, chiến lược và kế hoạch quốc gia, cứu trợ chi phí sinh hoạt, kế hoạch nhà ở và mục tiêu giảm phát thải và chính sách biến đổi khí hậu.

 

Báo cáo thừa nhận các chỉ số được nêu trong khung không phải là thước đo chính xác về phúc lợi của người Úc bản địa.

 

Báo cáo cho biết các chỉ số bị hạn chế về khả năng thể hiện "sự khác biệt văn hóa nội tại" hoặc thừa nhận các hoạt động trong quá khứ đã có "tác động bất lợi".

 

Báo cáo cho biết Đo lường những vấn đề quan trọng có thể bổ sung cho các chỉ số Thu hẹp khoảng cách, và thêm vào công việc đang được thực hiện thông qua Khung chiến lược quốc gia về Sức khỏe tâm thần và Sức khỏe tinh thần và xã hội của Thổ dân và Dân đảo

 

Những quốc gia nào có 'ngân sách phúc lợi'?

Úc không phải là quốc gia đầu tiên liên kết phúc lợi với nền kinh tế và chính sách của chính phủ.
 

Vào năm 2015, Wales đã công bố Đạo luật Phúc lợi cho Thế hệ Tương lai (Wales), được thiết kế để cải thiện kết quả về phúc lợi xã hội, kinh tế, môi trường và văn hóa.
 

Năm 2019, New Zealand đã giới thiệu ngân sách phúc lợi, tập trung vào các ưu tiên hỗ trợ sức khỏe tâm thần, giảm nghèo ở trẻ em, nâng cao cơ hội cho cư dân Maori và Pasifika, thúc đẩy đổi mới và hướng tới nền kinh tế ít carbon.
 

New Zealand - cùng với Scotland, Iceland, Phần Lan, Wales và Canada - cũng tham gia vào quan hệ đối tác Chính phủ Kinh tế Phúc lợi.
 

Các thành viên của quan hệ đối tác đã cam kết hợp tác theo đuổi các phương pháp tiếp cận chính sách để tạo ra nền kinh tế thịnh vượng, tiến tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường.