Chỗ dành riêng cho Myanmar bị bỏ trống trong Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia, ngày 06 tháng 9 năm 2023. Indonesia đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 05 đến ngày 07 Tháng 9 năm 2023. EPA/YASUYOSHI CHIBA/POOL. Ảnh: YASUYOSHI CHIBA/POOL/EPA

 

AUSTRALIA - Ngày càng có nhiều lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn để buộc quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về việc dàn dựng cuộc đảo chính vào năm 2021 và các tội ác chiến tranh bị cáo buộc là nó vẫn đang diễn ra đối với dân thường. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với SBS News, chính phủ thực tế của Myanmar hiện đang lưu vong đã kêu gọi Úc đi đầu trong các nỗ lực giải quyết xung đột khu vực và cung cấp hỗ trợ viễn thông cho các nhóm nổi dậy chống lại quân đội. Phóng viên Aaron Fernandes của SBS News Châu Á đã tới biên giới Myanmar-Thái Lan và có bài tường thuật này.

 

Một cuộc đời của một trí thức trẻ bị thay đổi vì chiến tranh.

 

Người đàn ông này vốn là nha sĩ ở Yangon khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào tháng 2/2021.

 

Nhưng anh đã từ bỏ việc hành nghề để tham gia lực lượng kháng chiến vũ trang với tư cách là nhân viên y tế, giúp đỡ các đơn vị nổi dậy chống lại quân đội.

 

Danh tính của anh được giấu để bảo vệ sự an toàn cho anh.

 

"Tôi ghi lại những vết thương mà tôi đã chữa trị. Những viên đạn xuyên từ đây đến đây, từ trước ra sau. Không chạm vào tim, cắt ngang lớp da phía trên."

 

Câu chuyện của anh là một trong vô số câu chuyện ở Myanmar - những trí thức trẻ với cuộc sống phía trước đã biến thành những người lính chiến đấu chống lại sự cai trị của quân đội.

 

"Khi tôi nhìn thấy những người bị giết trong trận chiến, một hoặc hai người đầu tiên tôi không thể ngủ được. Tôi tự hỏi bản thân, tại sao chúng ta phải đối mặt với những điều này? Có phải nó chỉ xảy ra ở đất nước của chúng ta thôi không? Làm người ở đất nước này thật là buồn."

 

Cộng đồng quốc tế chủ yếu trông cậy vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

 

Nhưng hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 đã kết thúc vào ngày 7 tháng 9 này mà không có đột phá. Các quốc gia thành viên ASEAN bị chia rẽ về cách giao tiếp với quân đội Myanmar và ngày càng lo ngại rằng kế hoạch hòa bình của nước này, được gọi là đồng thuận 5 điểm, đã thất bại.

 

Julian Neuweiler là nhà phân tích của Bower Group Asia.

 

"Trong 12 tháng đầu tiên của cơ chế đồng thuận 5 điểm, khi nó được hình thành vào năm 2021, ASEAN đã có một khoảng lặng vì lúc đó họ đang theo dõi xem cuộc khủng hoảng sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng từ đó đến nay đã gần ba năm rồi nhưng vẫn có rất ít sự đồng thuận giữa các thành viên về cách họ nên tiếp cận vấn đề này như thế nào."

 

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (National Unity Government NUG), chính phủ lưu vong của Myanmar, đang kêu gọi Úc quyết đoán hơn và sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các nước láng giềng Đông Nam Á.

 

Tiến sĩ Tun Aung Swe là Đại diện của N-U-G tại Úc.

 

"Úc là một cường quốc hạng thứ, và Úc tham gia sâu vào tình hình cạnh tranh quyền lực chính trị ở Ấn Độ Dương Thái Bình Dương. Úc là thành viên của AUKUS, một thành viên của Bộ tứ Quad, và Úc có lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong vấn đề Ấn Độ Dương Thái Bình Dương. Vì vậy, đó là lý do tại sao Úc cần tiến thêm - một hoặc hai bước nữa - và tham gia vào tìm kiếm giải pháp."

 

Liên Hợp Quốc cho biết quân đội Myanmar đã nhập khẩu vũ khí và nguyên liệu thô trị giá ít nhất một tỷ USD để sản xuất vũ khí kể từ cuộc đảo chính, bao gồm các hệ thống vũ khí tiên tiến và phụ tùng cho máy bay chiến đấu.

 

Các nhà cung cấp chính của nó ở Nga và Trung Quốc, cũng như Ấn Độ, Singapore và Thái Lan.

 

Liên Hợp Quốc cho biết tội ác chiến tranh đang xảy ra ở Myanmar - chủ yếu là do quân đội thực hiện, bằng việc thường xuyên tấn công ném bom bừa bãi nhắm vào dân thường.

 

Nicholas Koumjian là người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập của Myanmar (Independent Investigative Mechanism for Myanmar - IIMM).

 

"Bi thảm. Tần suất và cường độ của tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người tăng lên chỉ trong những tháng gần đây. Trong năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ ném bom từ trên không và pháo kích bừa bãi một cách trắng trợn không cần giấu giếm, dẫn đến cái chết của thường dân vô tội, bao gồm cả trẻ em."

 

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (National Unity Government NUG) cho biết các chiến binh nổi dậy của họ có thể đánh bại quân đội nếu các quốc gia như Úc cung cấp vũ khí và hậu cần, bao gồm cả Starlink tức High Speed Internet Anywhere - internet tốc độ cao ở mọi địa hình.

 

"Tất cả các dịch vụ viễn thông đều nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, đồng thời quân đội cũng cắt internet và các dịch vụ liên lạc ở những khu vực mà họ đang tấn công dân thường. Đó là lý do tại sao nếu có một nhà cung cấp dịch vụ internet độc lập ở Myanmar thì sẽ thực sự có lợi cho người dân Myanmar. Một trong những lợi ích là hệ thống cảnh báo sớm. Vì quân đội Myanmar thường tổ chức nhiều cuộc không kích vào các khu dân cư, vào bệnh viện, trường học, trụ sở tôn giáo và sau đó là tài sản công cộng. Do vậy mà chúng tôi cần một nhà cung cấp dịch vụ liên lạc thực sự tốt, độc lập với quân đội Myanmar, và Starlink là tốt nhất. Starlink chuyển kênh vệ tinh hướng đến Myanmar để sẵn sàng cho một số khu vực sử dụng. Vì vậy, nếu Chính phủ Úc có thể xem xét để có loại trợ cấp hỗ trợ có này cho tổ chức làm việc ở Myanmar thì quả thực là rất tốt. Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt."

 

Trong tình hình hiện nay, nhiều người không còn lựa chọn nào khác là phải rời bỏ Myanmar và những người thân yêu của họ ở lại để đi di tản, và họ sẽ phải rời đi cho đến khi hòa bình được lập lại.

 

SBS News đã đến thăm một lớp học của hầu hết trẻ em là người tị nạn.

 

Giáo viên đứng lớp mới lánh nạn sang Thái Lan vài tháng nay và hiện vẫn đang sống lẩn trốn.

 

"Tôi muốn đưa bố mẹ đến đây và chu cấp cho họ những gì tốt nhất có thể. Tôi không hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi mình sống ở đây, trong khi nhiều người khác đang gặp nguy hiểm. Tôi cảm thấy có lỗi khi mình được an toàn."

 

Cha mẹ cô nằm trong số những người phải di tản do chiến tranh.

 

"Vì vậy mà tôi lo lắng cho bố mẹ tôi. Hiện tại, quân đội đang ở giai đoạn mà họ muốn bắt muốn giết ai thì cứ tùy tiện. Tôi lo lắng cho sự an toàn và sự sống còn của bố mẹ tôi."

 

Nhiều người ở đây trông cậy vào cộng đồng quốc tế để chấm dứt tình trạng bất ổn và không biết đến khi nào thì chiến tranh mới kết thúc.