Ảnh: Getty / SOPA Images/LightRocket
Càng gần đến ngày bầu cử liên bang 21 tháng 5, ứng dụng WeChat của Trung Quốc lại càng có khả năng một lần nữa trở thành chiến trường tranh cử quan trọng, giữa lúc các chính trị gia tìm mọi cách thuyết phục để giành được trái tim và khối óc của cử tri Trung Quốc.
WeChat là một nền tảng truyền thông xã hội tự hào có hơn 1,2 tỷ người dùng tích cực trên khắp thế giớt. Trong khi hầu hết người dùng WeChat cư trú ở Trung Quốc, ứng dụng này lại rất phổ biến với cộng đồng người Hoa ở Úc.
Các chính trị gia đã từng đổ xô đến ứng dụng WeChat trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019 với nỗ lực tương tác trực tiếp với hơn 1,2 triệu cử tri người Úc gốc Hoa.
Nhưng chính xác WeChat là gì? Làm thế nào nó có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và tại sao đã có những lời kêu gọi các chính trị gia tẩy chay hoàn toàn việc sử dụng nó?
Những điều cơ bản
Ra mắt vào năm 2011 và thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, WeChat đã phát triển từ một dịch vụ nhắn tin thành một ứng dụng cho phép người dùng trả tiền, nhận tin tức, mua sắm trực tuyến, đặt đồ ăn và chơi games với bạn bè. WeChat tự coi mình là “một phong cách sống” cho người dùng.
Trong khi các dịch vụ do phương Tây sở hữu như Facebook và Twitter bị chặn ở Trung Quốc, WeChat được hầu hết người dân Hoa Lục sử dụng để kinh doanh và liên lạc.
Nhà nghiên cứu WeChat có trụ sở tại Melbourne, Fan Yang nói với SBS News rằng đó là điều khiến ứng dụng trở nên vô cùng hấp dẫn đối với cộng đồng người Trung Quốc.
Bà Yang nói “Các cộng đồng di dân Trung Quốc thích sử dụng WeChat vì gia đình của họ đang sử dụng WeChat và đó là một phương tiện để liên lạc với gia đình của họ ở Trung Quốc,”
“WeChat cũng là một nơi mà di dân Trung Quốc có thể đọc những câu chuyện mới, giao lưu với những người khác, trả tiền và mua sắm trực tuyến.”
WeChat và bầu cử
WeChat ngày càng trở thành một công cụ vận động bầu cử quan trọng để các chính trị gia Úc kết nối với các cộng đồng nói tiếng Hoa.
Tại cuộc bầu cử liên bang vừa qua, các ứng cử viên đã tạo tài khoản WeChat chính thức, tương tự như các trang chính thức trên Facebook cho phép các nhân vật công chúng hoặc doanh nghiệp kết nối với người dùng, cũng như phân phối video và bài báo phù hợp với ứng dụng và tổ chức các phiên hỏi đáp trực tiếp trong các nhóm trò chuyện.
Tuy nhiên, trong chiến dịch bầu cử liên bang năm 2019, những câu chuyện về thông tin sai lệch đã lan rộng.
Đảng Lao động quá lo ngại về tin tức giả mạo trên nền tảng này, họ đã viết thư cho Tencent để nêu ra những vấn đề đó.
Các bài đăng sai sự thật và gây hiểu lầm nhắm vào Chính sách Lao động về các chủ đề như Trường học An toàn và những người xin tị nạn.
Trong một ví dụ, một bài đăng tuyên bố sai sự thật về Đảng Lao động dưới thời Bill Shorten cho phép tất cả những người tị nạn được thường trú đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem.
Scott Morrison và Bill Shorten trên ứng dụng nhắn tin Wechat. Nguồn: SBS Mandarin/ Helen Chen
Các báo cáo cũng tiết lộ rằng những người ủng hộ nghị sĩ đảng Tự do Gladys Liu đã sử dụng WeChat để lan truyền các chiến dịch gây sợ hãi trong cuộc đua cho chiếc ghế biên Chisholm.
Các chuyên gia tin rằng giống như Facebook hay YouTube, nguyên nhân chính dẫn đến thông tin sai lệch là do doanh thu quảng cáo.
Bà Yang nói: “Tin tức là thứ mà mọi người muốn, và tin tức là thể loại mà lưu lượng người dùng tổng hợp và doanh thu quảng cáo tổng hợp”
“Ngoài ra, với ít rào cản khi tham gia nên nhiều tổ chức và cá nhân truyền thông trở thành nhà sản xuất nội dung mặc dù họ không được đào tạo bài bản về báo chí để thu hút lưu lượng truy cập có thể kiếm tiền thông qua các cơ hội quảng cáo.”
Nhà phân tích Daria Impiombato từ Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết cũng rất khó xác định quy mô và nguồn thông tin sai lệch.
“WeChat là một ứng dụng kết hợp,” bà Yang nói. "Nó có các tài khoản chính thức có thể đăng trên một nguồn cấp dữ liệu và các tài khoản hoạt động khá giống các trang công khai của Facebook, nhưng sau đó rất nhiều cuộc trò chuyện thực tế xảy ra trong các nhóm riêng tư và chúng thực sự rất khó phân tích."
Mối quan tâm kiểm duyệt
Ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc cũng bị chỉ trích nặng nề vì đã khảo sát và kiểm duyệt người sử dụng.
Tencent trước đây tuyên bố rằng tất cả nội dung chia sẻ giữa những người dùng quốc tế là riêng tư.
Tuy nhiên, công ty phân tích của Canada, Citizen Lab đã công bố một báo cáo vào năm 2020, cho biết người dùng bên ngoài nước này cũng bị giám sát chính trị và nội dung được sử dụng để đào tạo và xây dựng hệ thống mà WeChat sử dụng để kiểm duyệt người dùng đăng ký tại Trung Quốc.
Trong một cuộc họp giao ban trực tuyến với truyền thông Trung Quốc vào tháng 2, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông “rất thất vọng” vì đã bị “kiểm duyệt” sau khi mất tài khoản chính thức trên nền tảng WeChat, hiện được đổi tên thành ‘Cuộc sống mới của người Trung Quốc ở Úc’.
WeChat đã chặn một trong những thông điệp của thủ tướng tới những người ủng hộ ông vào tháng 12 năm 2020.
Trên thực tế, WeChat là hai ứng dụng trong một hệ thống - Weixin cho người dùng ở Trung Quốc và WeChat cho những người khác.
Scott Morrison đã mua một tài khoản chính thức, chỉ có trên phiên bản Weixin - điều này mang lại cho ông một số đặc quyền như cho phép ông gửi thông báo không giới hạn tới những người theo dõi.
Bà Impiombato tin rằng ít có khả năng ông Morrison đã bị kiểm duyệt nhưng không có cách nào để biết chắc chắn điều đó.
Bà nói “Nó thuộc sở hữu của một người đàn ông ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, vì bạn cần phải có số điện thoại Trung Quốc để thiết lập tài khoản chính thức trên Weixin và (thực tế là ông ta chưa bao giờ thực sự sở hữu tài khoản) điều đó luôn là một rủi ro mà văn phòng thủ tướng nhận thức được.”
“Có thể là do người đàn ông đó chợt quyết định rằng rủi ro khi lập tài khoản đó cho một chính trị gia nước ngoài là cao hơn số tiền nhận được, hoặc có thể là Tencent đã được chỉ thị để gỡ tài khoản của Morrison.”
“Chúng tôi không có cách nào để biết và đó là một phần của vấn đề khi sử dụng nền tảng đó.”
Tencent trước đây đã khẳng định "không có bằng chứng về bất kỳ vụ hack hoặc bên thứ ba nào" vào tài khoản của Thủ tướng Scott Morrison và tranh chấp quyền sở hữu đằng sau việc đổi thương hiệu.
Tencent đã không trả lời các câu hỏi từ SBS News liên quan đến việc kiểm duyệt trên nền tảng này nhưng cho biết trong một tuyên bố: “WeChat cấm nội dung chính trị quảng cáo trên nền tảng (bao gồm cả quảng cáo trả tiền liên quan đến bầu cử).
“Chúng tôi cũng cam kết cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất bằng cách giảm thiểu việc phổ biến tin giả và thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, một bản quét của nền tảng đã tiết lộ nhiều ví dụ về quảng cáo chiến dịch đã được đăng.
Văn phòng thủ tướng đã không trả lời yêu cầu bình luận của SBS News.
Một số thành viên của Liên đảng đã kêu gọi tẩy chay ứng dụng WeChat.
Nghị sĩ Đảng Tự do sinh ra ở Hồng Kông Gladys Liu, người đã vận động rộng rãi trên WeChat tại cuộc bầu cử vừa qua và có ghế Chisholm ở Victoria bao gồm một tỷ lệ lớn người Úc gốc Hoa - cũng tuyên bố rằng bà sẽ không sử dụng WeChat nữa tại cuộc bầu cử năm nay.
Tài khoản chính thức của bà Liu dường như không được đụng đến kể từ tháng 10 năm 2021.
Bầu cử liên bang năm 2022
Bà Yang, người đang theo dõi WeChat trong cuộc bầu cử liên bang 2022, nói với SBS News rằng bà đã thấy một lượng lớn nội dung liên quan đến bầu cử kể từ khi ngày bầu cử được công bố.
Bà nói “Nội dung không chỉ đến từ các tài khoản chính trị gia, mà các tài khoản chính thức khác tập trung vào tin tức hoặc kinh doanh.”
Bà Yang tin rằng các chính trị gia không nên rút lui khỏi WeChat.
Bà nói: “Có 1,2 triệu di dân Trung Quốc ở Úc và 46% trong số họ đến từ Trung Quốc đại lục."
“Sử dụng WeChat một cách chiến lược để giao tiếp với cử tri di dân Trung Quốc sẽ cho phép các chính trị gia trực tiếp giao tiếp với bộ phận cử tri đáng kể này thay vì bỏ họ ra ngoài”.
Bà Impiombato thì tin rằng có nhiều cách tốt hơn để kết nối với cộng đồng người Hoa hải ngoại.
Bà nói: “Và chúng tôi đã thấy việc thiết lập một trang chính thức là quá khó và có quá nhiều rủi ro.”
“Có lẽ tiếp cận với các phương tiện truyền thông Hoa ngữ là một cách tốt hơn hoặc tìm những cách khác không liên quan đến việc thiết lập một tài khoản lãng phí, với tên của người khác”.
Ủy ban Bầu cử Úc (AEC) nói với SBS News rằng họ đã làm việc với Tencent.
Phát ngôn viên của AEC cho biết. “(Chúng tôi) đã gặp họ nhiều lần trước cuộc bầu cử liên bang năm 2022 - để hiểu rõ hơn về kênh thông tin và để Tencent hiểu môi trường bầu cử của Úc, đồng thời cũng có sẵn các đường giới thiệu cho nội dung có thể vi phạm luật bầu cử "
“Chúng tôi không tích cực theo dõi WeChat để tìm thông tin sai lệch, nhưng có thể xem xét nội dung mà chúng tôi biết được thông qua khiếu nại, thông tin trên phương tiện truyền thông hoặc điều tra.”