Thượng nghị sĩ độc lập Fatima Payman và lãnh đạo One Nation Pauline Hanson tại phòng họp Thượng viện Nguồn: AAP / MICK TSIKAS
Thượng viện Úc chứng kiến cảnh tranh cãi nảy lửa và cay độc khi Thượng nghị sĩ Pauline Hanson truy tố Fatima Payman về khả năng bà có quốc tịch Afghanistan. Những lời lăng mạ, cáo buộc và giấy tờ bay khắp phòng họp khi sự chia rẽ lên đến đỉnh điểm.
Thượng viện bùng nổ trong một cuộc tranh cãi về chủng tộc dữ dội khi lãnh đạo Đảng Một quốc gia Pauline Hanson cáo buộc thượng nghị sĩ độc lập Fatima Payman rằng bà có thể không đủ điều kiện để ngồi vào ghế thượng nghị sĩ.
Sự việc diễn ra một tháng sau khi Thượng nghị sĩ Hanson bị kết tội vi phạm Đạo luật Phân biệt chủng tộc.
Nhưng cuộc đụng độ này xoay quanh điều 44 của Hiến pháp - điều cấm các nghị sĩ giữ một quốc tịch khác, ngoài Úc.
Thượng nghị sĩ Payman sinh ra ở Afghanistan. Trước đây, bà đã đệ đơn từ bỏ quốc tịch có thể có của mình - nhưng quá trình này đã bị đình trệ kể từ khi Taliban tiếp quản ba năm trước.
Thượng nghị sĩ Hanson tuyên bố rằng bà Payman đã không cung cấp đủ tài liệu để chứng minh, bao gồm cả thư từ với đại sứ quán Afghanistan hoặc xác nhận các bước bà đã thực hiện để từ bỏ quốc tịch của mình.
Thượng nghị sĩ One Nation đã tìm cách đưa ra các tài liệu liên quan đến chiến dịch của bà để điều tra Payman.
"Tại sao một người lại bị đối xử hoàn toàn khác so với các thượng nghị sĩ khác ở nơi này? Những tài liệu này nên được đưa ra để mọi người thấy những gì họ nêu trong đó, điều mà tôi nghĩ là rất quan trọng. Người dân Úc nên biết những gì đang diễn ra ở đây", bà Hanson nói.
Một số thượng nghị sĩ đã buộc phải từ chức trong những năm gần đây sau khi phát hiện ra họ có hai quốc tịch. Một số người đã trở lại chính trường sau khi từ bỏ quốc tịch thứ hai.
Thượng nghị sĩ Payman ban đầu gia nhập Thượng viện với tư cách là thành viên của Đảng Lao động và nhận thức được những vấn đề này, đảng đã tìm kiếm các tham vấn pháp lý về tư cách của bà, ủng hộ bà trên cơ sở đó.
Trong một cuộc trao đổi gay gắt, với hai thượng nghị sĩ ngồi cách nhau chỉ vài mét, Thượng nghị sĩ Payman đã cố gắng truyền đạt lời khuyên đó cho Pauline Hanson. Sau đó, bà đọc vanh vách một danh sách các bình luận trước đây của Thượng nghị sĩ Hanson về các vấn đề chủng tộc.
"Trích lời Thượng nghị sĩ Hanson. Bà ấy nói, chúng ta đang có nguy cơ bị người Châu Á lấn át. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình. Trong bài phát biểu chính sách năm 1998, bà ấy nói rằng Thổ dân sẽ không còn tồn tại theo các chính sách của đảng bà. Trong một tuyên bố khác, bà ấy nói rằng chúng ta đang đưa những người từ Nam Phi đến Úc vào thời điểm này, có một lượng lớn người đang mắc bệnh vào Úc. Họ bị AIDS. Nếu đó không phải là phân biệt chủng tộc, thì đó là gì?!"
Sự kiên quyết của Thượng nghị sĩ Hanson rằng bà được phép trình hồ sơ yêu cầu điều tra Thượng nghị sĩ Payman sau đó đã được chấp thuận, với sự ủng hộ của Đảng Lao động.
Người quản lý Các vấn đề Chính phủ tại Thượng viện Katie Gallagher lập luận rằng đây là vấn đề thủ tục nên được giải quyết nhanh chóng.
"Quan điểm của chúng tôi là việc một thành viên tìm cách trình bày các tài liệu là việc phù hợp, những tài liệu đó có thể được trình bày và chúng ta có thể tiếp tục. Nhưng việc này không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ những gì Thượng nghị sĩ Hanson đã trao đổi với Chủ tịch Thượng viện".
Về phần mình, Đảng Xanh phản đối động thái của Thượng nghị sĩ Hanson - khiến Thượng nghị sĩ tức giận.
Phó lãnh đạo của đảng Xanh đã có những cuộc chiến riêng với Thượng nghị sĩ Hanson gần đây, tại Tòa án Liên bang, về những bình luận trên mạng xã hội mà Thượng nghị sĩ Payman đã nhắc lại.
Thượng nghị sĩ Payman nói “Ai đó mang từ điển đến đây, vì Thượng nghị sĩ Hansen không hiểu định nghĩa của phân biệt chủng tộc. Thực tế là chỉ vài tuần trước, bà đã nói với Thượng nghị sĩ Faruqi rằng 'cút về Pakistan đi'. Bà không chỉ là kẻ xấu tính, độc ác, mà còn mang lại sự ô nhục cho loài người.”
Thượng nghị sĩ Lidia Thorpe cũng tham gia, ném giấy vào nhà lãnh đạo One Nation và giơ ngón giữa qua vai khi bà ta bỏ chạy khỏi Thượng viện.
Sau đó, Thượng nghị sĩ Thorpe đã nói thế này.
"Họ muốn gì? Một cuộc nội chiến ở đất nước này, người da đen và da nâu chống lại người da trắng. Đó có phải là điều các ông muốn không? Đảng lao động? Bởi vì đó là cảm giác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ vượt qua điều này và chúng tôi sẽ lên án nạn phân biệt chủng tộc trên phương tiện truyền thông, trong nghị viện và chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi xóa bỏ được nạn phân biệt chủng tộc. Đây không phải là đất nước chúng tôi mong muốn."
Những cảnh tượng ngoạn mục này ở Thượng viện diễn ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban Nhân quyền Úc công bố báo cáo kêu gọi cải cách pháp lý toàn diện để tạo ra khuôn khổ chống phân biệt chủng tộc mới; hai ngày sau khi Thượng nghị sĩ Thorpe và Faruqi cùng chung sức ủng hộ một động thái vào nhằm điều tra nạn phân biệt chủng tộc trong nghị viện Úc.
Bất chấp phản ứng dữ dội chống lại bà vào sáng nay, Thượng nghị sĩ Hanson đã từ chối lùi bước.
"Tôi sẽ giữ vững lập trường của mình về vấn đề này, và tôi không tin rằng việc ngăn cản bất kỳ ai là đúng. Vì vậy tôi sẽ làm điều này một lần nữa, và tôi sẽ làm điều đó một lần nữa, hãy chuẩn bị, vì tôi sẽ làm điều đó ngay hôm nay."