Một người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc khi tham gia cuộc biểu tình kêu gọi trừng phạt Israel bên ngoài Tòa nhà Nghị viện ở Thủ đô Canberra. Nguồn: AAP
AUSTRALIA - Cảnh sát đã bắt giữ một người và tạm giữ 17 người biểu tình khác sau một cuộc biểu tình liên quan đến xung đột ở Trung Đông diễn ra bên ngoài tòa nhà Nghị viện lưỡng viện Liên bang ở Thủ đô Canberra, đúng dịp Nghị viện lưỡng viện Liên bang họp phiên đầu tiên kể từ cuộc bầu cử liên bang hồi tháng Năm. Hàng trăm người biểu tình kêu gọi chánh phủ áp đặt lệnh trừng phạt Israel và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Gaza.
“Hãy ngừng đánh bom con cái chúng tôi, hãy ngừng đánh bom bệnh viện của chúng tôi, hãy ngừng đánh bom nhà thờ Hồi giáo, họ còn đang đánh bom nhà thờ Thiên Chúa giáo… đây là một cuộc chiếm đóng.”
Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập trung bên ngoài tòa nhà Nghị viện mới ở Thủ đô Canberra vào thứ Ba, đúng ngày Nghị viện lưỡng viện họp phiên đầu tiên kể từ cuộc bầu cử liên bang vào tháng Năm vừa qua.
“Lịch sử sẽ ghi lại rằng những con người nhân hậu, hào phóng và đầy phẩm giá nhất đã bị bỏ rơi, chịu chết cô đơn, bị đánh bom, bị bỏ đói và chôn vùi dưới đống đổ nát.”
Người biểu tình yêu cầu lãnh đạo quốc gia có hành động mạnh mẽ hơn, kêu gọi chánh phủ liên bang áp đặt lệnh trừng phạt Israel và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Gaza.
“Úc đang ở đâu? Làm sao sự im lặng đáng xấu hổ này có thể không bị xem là đồng lõa? Úc đang ở đâu? Lãnh đạo đạo đức mà chúng ta tự xưng đang ở đâu? Trong khi các gia đình bị thiêu cháy bởi các cuộc không kích được tài trợ bởi các cường quốc phương Tây.”
Một số nghị sĩ cũng có mặt tại cuộc biểu tình. Thượng nghị sĩ độc lập Fatima Payman nhấn mạnh rằng hành động quan trọng hơn lời nói.
Thượng nghị sĩ độc lập Fatima Payman nói: “Thời gian để nói đã qua, giờ là lúc hành động và tôi hy vọng chánh phủ Lao động đa số hiện tại sẽ trừng phạt Israel, cắt đứt quan hệ và biến lời nói thành hành động.”
Bà cũng bày tỏ sự thất vọng khi các chánh trị gia vắng mặt tại hiện trường, trong khi tình hình ngày càng nghiêm trọng.
“Không khó để quyết định có tham gia buổi lễ kỷ niệm nơi mọi người vỗ vai nhau vì được bầu chọn, trong khi bên ngoài đang diễn ra một cuộc diệt chủng. Đáng buồn là không có nhiều chánh trị gia hơn ngoài này. Nếu họ thực sự ủng hộ nhân quyền, phẩm giá và công lý, họ nên ở ngoài này chứ không phải vỗ vai nhau bên trong.”
Thượng nghị sĩ đảng Xanh Mehreen Faruqi cũng phát biểu từ bên trong Nghị viện lưỡng viện:
“Chánh phủ Albanese phải ngay lập tức can thiệp và tổ chức thả hàng viện trợ vào Gaza. Đó là điều tối thiểu họ nên làm.”
Kêu gọi ngừng bắn và hỗ trợ nhân đạo
Trong một tuyên bố chung, Úc cùng hơn 20 quốc gia khác, trong đó có Anh, Pháp và Gia Nã Đại, đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza. Các nước này lên án tình trạng viện trợ nhân đạo hiện nay và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hỗ trợ cho người Palestine.
Ngoại trưởng Penny Wong chia sẻ:
“Tôi nghĩ tuyên bố đó phản ánh sự đau buồn mà rất nhiều người dân Úc cảm nhận khi chứng kiến tình hình tại Gaza. Họ lo lắng và đau lòng trước thảm họa nhân đạo mà chúng ta đang chứng kiến.”
Mỹ không tham gia ký kết tuyên bố này, nhưng bà Wong cho rằng Tổng thống Donald Trump có tiềm năng cao nhất trong việc hòa giải và thiết lập lệnh ngừng bắn.
Ngoại trưởng Penny Wong nói: “Chúng tôi rõ ràng trong việc lên án Hamas, lên án tư tưởng và hành động của họ. Chúng tôi kêu gọi thả các con tin. Đồng thời, chúng tôi cũng nói rằng thường dân phải được bảo vệ và viện trợ phải được chuyển đến mà không bị cản trở.”
Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke nói với ABC News:
“Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều hình ảnh trẻ em bị sát hại, cảnh tượng thảm sát kinh hoàng, nhà thờ bị đánh bom. Những hình ảnh ấy cho thấy rõ ràng rằng phần lớn trong số đó là không thể biện minh được.”
Ông cũng bày tỏ quan ngại về cách viện trợ đang được phân phối:
“Cách thức đo lường và kiểm soát việc phân phối viện trợ vào khu vực đã có nhiều thay đổi. Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến ngày càng nhiều người bị thiệt mạng chỉ vì cố gắng muốn có thức ăn và nước uống.”
Tranh cãi chánh trị và phản ứng quốc tế
Trong khi đó, Liên đoàn Do Thái giáo Úc cho rằng cuộc chiến có thể đã kết thúc nếu Hamas thả hết con tin và ký thỏa thuận ngừng bắn.
Bộ trưởng Ngoại giao đối lập Michaelia Cash bày tỏ:
“Tôi nghĩ quyết định của chánh phủ Albanese khi đổ lỗi cho Israel về việc Hamas gây gián đoạn viện trợ vào Gaza là vô cùng đáng thất vọng. Cũng thật đáng tiếc khi chánh phủ một lần nữa ký vào một tuyên bố công kích Israel.”
Bà nhấn mạnh Hamas, một tổ chức bị liệt kê là khủng bố, đã hoan nghênh tuyên bố chung này.
“Điều đáng lo ngại là Hamas, một tổ chức khủng bố đã được liệt kê, lại hoan nghênh tuyên bố do các nước, trong đó có Úc, ký kết.”
Khi được hỏi liệu Israel có trách nhiệm đạo đức trong việc bảo đảm viện trợ đến được với dân thường hay không, bà Cash nói rằng viện trợ nên đến được với thường dân, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy viện trợ đã bị Hamas chiếm đoạt.
Trong khi đó, Hamas phủ nhận việc chặn viện trợ.
Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu nói không có bằng chứng cho thấy Hamas đang đánh cắp viện trợ.
Bà Sarah Schwartz, Giám đốc điều hành Hội đồng Người Do Thái Úc, cho biết việc ký tuyên bố chung là bước tiến tích cực, nhưng đã đến lúc phải áp đặt lệnh trừng phạt với Israel.
“Hiện tại, gần hai năm trôi qua, chúng ta cần có biện pháp trừng phạt đối với nhà nước Israel và cần cân nhắc cách gỡ bỏ mối quan hệ với cả Mỹ và Israel - những quốc gia đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.”
Trong nhiều tháng qua, chánh phủ Úc đã tăng cường chỉ trích Israel về cái chết của dân thường ở Gaza.
Tuy nhiên, bản tuyên bố chung và những phát biểu mạnh mẽ từ các bộ trưởng cấp cao hôm nay cho thấy chánh phủ đang sẵn sàng tiến xa hơn nữa.
(Theo SBS)