Thủ tướng Anthony Albanese nói chuyện với Bộ trưởng Kỹ năng, Brendan O'Connor, sau chuyến thăm Học Viện Công nghệ Canberra .Nguồn: AAP / LUKAS COCH

 

AUSTRALIA - Chính phủ Úc công bố một thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng trị giá 12,6 tỷ đô-la, để thúc đẩy các trường TAFE trên toàn quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng tình trạng thiếu kỹ năng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, nếu không có hành động quyết liệt. Thế nhưng cuộc khủng hoảng leo thang ở Trung Đông, cùng những lời buộc tội từ cuộc trưng cầu dân ý bằng Tiếng Nói thất bại, vẫn tiếp tục chiếm ưu thế khi Nghị viện quay trở lại nhóm họp.

 

Sau một năm đàm phán lặng lẽ, một thỏa thuận hiện đang được đặt trên bàn thảo luận.

 

Được biết Nội các Guốc gia đã ký một thỏa thuận tài trợ mới trong 5 năm trị giá 12,6 tỷ đô la cho việc dạy nghề và đào tạo, mà chính phủ hy vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng nghiêm trọng, trong các lãnh vực quan trọng của nền kinh tế.

 

Bộ trưởng Kỹ năng và Đào tạo Brendan O'Connor cho biết, số lượng việc làm trong danh sách nghề nghiệp quan trọng đã tăng từ 153 lên 286, trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi họ được bầu lên.

Bộ trưởng Brendan O'Connor nói "Điều đó nhấn mạnh những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, trong chương trình nghị sự của chính phủ".

"Thực sự tôi muốn nói về tất cả các chính phủ trên nước Úc, để đáp ứng nhu cầu cung cấp mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050".

"Điều đó không thể xảy ra, nếu không có nguồn cung cấp đầy đủ các kỹ năng".

 

Được biết Thông báo này đã làm rất ít, để đưa Liên Đảng ra khỏi thông điệp chính của họ, vốn vẫn tập trung vào các cáo buộc về trưng cầu dân ý.

 

Lãnh đạo phe đối lập, ông Peter Dutton, nói với đài số 7 rằng, ông tin là cuộc trưng cầu dân ý được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân của ông Anthony Albanese.

Ông Peter Dutton nói "Ông ấy trở lại sau khoảnh khắc của mình trong lịch sử Úc, khi muốn trở thành nhân vật Bob Hawke vĩ đại và người Úc đã phải trả một cái giá lớn cho điều đó, bởi vì ông ấy đã chia rẽ đất nước chúng ta".

"Nhiệm vụ đối với chúng tôi bây giờ, là quay trở lại những điều căn bản".

 

Tuy nhiên ông Anthony Albanese cho biết tuyên bố rằng, cuộc trưng cầu dân ý là chiến dịch của đảng Lao Động là thiếu tôn trọng.

Ông nói  "Nó đã đưa người Úc bản địa ra khỏi sự bình đẳng và không thể hiện sự tôn trọng đối với những gì họ đã làm trong nhiều năm, vốn đã được ông Tony Abbott với tư cách là Thủ tướng, yêu cầu đưa ra dưới hình thức công nhận nên được thực hiện".

 

Trong khi đó một phân tích mới được công bố hôm nay, dường như minh chứng cho sự khăng khăng của chính phủ rằng, cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói, là điều mà các cộng đồng Thổ Dân mong muốn.

 

Thông tin của Ủy ban Bầu cử Úc cho thấy ,các khu vực bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ người Úc bản địa lớn nhất, ủng hộ mạnh mẽ sự thay đổi Hiến Pháp.

 

Dữ liệu điều tra dân số cho thấy, trong số 10 khu vực thì nơi bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu dân ý có dân số bản địa cao nhất, thì 9 trong số họ đã bỏ phiếu 'YES'.

 

Trong khi đó, điều quan trọng nói trên chưa thể lấn át tình hình cấp bách đang diễn ra.

 

Một ngày sau khi Nghị viện Úc bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel tại lưỡng viện, Đại sứ Do Thái, Amir Maimon, đã phát biểu trước phòng tiệc của đảng Tự do.

 

Ông Đại sứ nói với hội nghị rằng, Israel vẫn cam kết tự vệ.

Ông Amir Maimon nói "Đối với tôi và điều duy nhất mà tôi sẽ nói trước ống kính thu hình, là kể từ ngày thứ bảy lúc 6 giờ rưỡi sáng ngày 7 tháng 10, tôi đã ở Israel khi Hamas tấn công người dân Israel ở biên giới phía nam".

"Chúng tôi đang ở trong một cuộc chiến, một cuộc chiến mà chúng tôi đã không bắt đầu cũng như không yêu cầu, nhưng chúng tôi quyết tâm giành chiến thắng".

 

Trong khi đó Chính phủ liên bang cho biết, vẫn tập trung vào tình trạng của người Úc ở Trung Đông, với 2 chuyến bay hồi hương nữa hạ cánh xuống Dubai, đưa thêm gần 200 hành khách từ Israel đến nơi an toàn.

 

Phó Thủ tướng Richard Marles cho biết, không có thêm chuyến đi nào được tổ chức vào giai đoạn này.

Ông Richard Marles nói "Chúng tôi tin rằng những chuyến bay này, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người Úc rời khỏi Israel".

"Điều đó cho thấy, chúng tôi đang giữ một vài máy bay của Không quân Hoàng Gia Úc trong khu vực, như một dự phòng trong những ngày tới”.

 

Thế nhưng có khoảng 45 người Úc vẫn ở lại Gaza với khả năng tiếp cận hạn chế với nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm, sau khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn đối với lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi xung đột.

 

Người Úc vẫn còn ở trong khu vực đã được khuyến cáo, nên di chuyển đến cửa khẩu biên giới Rafah ở phía nam giữa Ai Cập và Gaza, trong trường hợp một hành lang nhân đạo được mở ra.

 

Ngoại trưởng Penny Wong nói rằng, không có gì bảo đảm điều này sẽ xảy ra hoặc sẽ mở cửa trong bao lâu, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Ngoại trưởng Penny Wong nói "Nước Úc kêu gọi việc tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở đến Gaza, cũng như nhanh chóng thiết lập một hành lang nhân đạo".

"Chúng tôi ủng hộ công việc của Hoa Kỳ, Ai Cập và các nước khác hướng tới mục tiêu này".

"Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình nhân đạo và sẵn sàng hỗ trợ thêm".