Rob đã dành cả cuộc đời mình để làm sạch các tuyến đường thủy trên khắp thế giới. Anh đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ để mở rộng quy mô sản xuất miếng bọt biển gyroid của công ty anh. Nguồn: SBS / Cameron Carr
Ô nhiễm dầu là một vấn đề lớn trên toàn cầu, các khoa học gia cho biết hàng trăm loài động vật như rùa, chim biển và cá có nguy cơ mắc bệnh và ngộ độc. Một doanh nhân người Úc cho rằng, ông có một giải pháp có thể giúp làm sạch các tuyến đường thủy bị ô nhiễm. Nếu không may mắn thoát khỏi một căn bệnh chết người, giải pháp này có thể không bao giờ được phát triển.
Rob Manning nói, "Người ta bảo bạn chỉ còn sống chưa đầy 12 tháng nữa, bạn đã lên kế hoạch không còn ở đây nữa và đó là những gì chúng tôi đã làm”.
Rob Manning là một doanh nhân người Úc, sống ở bờ biển miền trung NSW.
Một lần cận kề cái chết, đã mang đến cho ông một cuộc sống mới.
Rob Manning nói, “Vào tháng Ba năm 2021, vợ tôi đã nhắc nhở tôi đi khám bác sĩ gia đình".
"Tôi đã không đi khám bác sĩ trong một thời gian dài và tôi đã rất ngạc nhiên khi ông nói với tôi rằng tôi là một người bệnh".
"Tôi không cảm thấy bị bệnh, cuối cùng tôi được chẩn đoán mắc bệnh gan ở giai đoạn cuối”.
Ông Manning thật may mắn, khi là một trong số ít người Úc được ghép gan cứu sống mỗi năm.
Ông đang đi dạo gần nhà, thì có một sự việc bừng sáng.
Rob Manning nói, “Nơi tôi sống có một con suối nhỏ, có dầu chảy từ trên đỉnh".
"Khi đó tôi biết rằng mình đã được trao cơ hội thứ hai để thực sự làm điều gì đó cho thế giới".
Được biết Công ty SORR của ông, viết tắt của cụm từ ‘Sustainable Oil Recovery and Remediation’, đã phát triển một miếng bọt biển kỵ nước, có thể tách dầu ra khỏi nước.
Ông Rob Manning nói, "Nó có khả năng hút lượng dầu gấp 7 đến 10 lần trọng lượng của nó mà không hút nước, vì đó là thứ chúng tôi gọi là kỵ nước".
"Vì vậy nó đẩy nước, có nghĩa là dầu tràn ra nước có thể được thu hồi, tái chế và tái sử dụng”.
SORR đã nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan khoa học quốc gia của Úc, CSIRO, nơi điều hành một chương trình giải quyết các thách thức về môi trường ở Ấn Độ.
Tamara Ogilvie, là giám đốc của chương trình, nói “Các mối quan hệ và quan hệ đối tác quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức đó vì tất nhiên, các thách thức về môi trường khí hậu là toàn cầu và chúng tôi thông qua chương trình RISE này, đang tìm cách hỗ trợ các công ty đang tạo ra sự khác biệt theo những cách có vẻ nhỏ bé, nhưng có công nghệ thực sự sáng tạo, có thể tạo ra tác động ở quy mô vượt ra ngoài biên giới nước Úc của chúng tôi”.
Ông Manning đã mang miếng bọt biển đến Vùng Goa của Ấn Độ và đã làm việc với các doanh nghiệp địa phương và CSIRO để thử nghiệm khả năng, loại bỏ chất ô nhiễm khỏi các tuyến đường thủy của nó.
Ông hợp tác với Naren Subramaniam, một kỹ sư cũng đam mê giải quyết các vấn đề ô nhiễm của Ấn Độ.
Naren Subramaniam nói, "Tôi có nguồn gốc Ấn Độ, nhưng hiện là công dân Úc".
"Vì vậy, tôi luôn nghĩ về cách tôi có thể đền đáp lại cộng đồng nơi tôi lớn lên”.
Được biết Công ty Circular Seed của ông Subramaniam đang phát triển những cách mới để tái chế các vật liệu, nếu không sẽ gây ô nhiễm nguồn nước hoặc bị chôn lấp.
Một cách là biến rác thải nhựa thành gạch, để làm đường.
Naren Subramaniam nói "Các nước đang phát triển cần giải pháp như vậy hơn, vì dân số đông và số lượng hoặc quy mô của vấn đề rác thải nhựa, đang lan rộng khắp cả nước”.
Các khoa họcn gia cho biết, ô nhiễm nhựa đại dương sẽ tăng gấp 3 lần trong 40 năm tới, với lượng rác thải nhựa dự kiến sẽ vượt quá một tỷ tấn.
Trong khi đó Ravi Naidu là Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu hợp tác về đánh giá ô nhiễm và khắc phục môi trường.
Ông cho biết, việc làm sạch nước bẩn là phức tạp và cấp bách. Ông nói "Bất kỳ chất ô nhiễm nào có trong nước, đều có thể ảnh hưởng xấu đến cả hệ sinh thái môi trường và sức khỏe con người”.
Ông Manning cho biết, miếng bọt biển của ông có thể có nhiều ứng dụng rộng rãi trong việc xử lý nước ô nhiễm và hy vọng sẽ mở rộng sản xuất trong những năm tới.
Ông Rob Manning nói "Thực tế là con người sống nhờ vào biển".
"Vì vậy, nếu cá tiêu thụ nhựa hoặc lithium hoặc xyanua, thì chúng sẽ đi vào chuỗi thức ăn và sau đó vào cơ thể chúng ta".
"Đó là một trong những động lực lớn nhất của chúng tôi, để làm cho những thứ vô hình trở nên hữu hình, để lấy những thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy ra khỏi nước, trong khi nước trông vẫn trong, thì nó vẫn bị ô nhiễm”.