Một đứa trẻ chơi đồ chơi tại trung tâm chăm sóc trẻ. Nguồn: AAP / Bianca De Marchi

 

 

 

Một phúc trình của Trung tâm Phát triển Chính sách đã kêu gọi chính phủ tài trợ để các gia đình có thu nhập thấp có thể gửi con đi nhà trẻ ba ngày một tuần miễn phí, và giảm chi phí cho các gia đình khác. Nhóm tác giả cho rằng giáo dục mầm non nên được phổ cập cho tất cả người dân Úc, giống như Medicare và giáo dục công.

 

Bà Sue Badreddine, một bà mẹ ba con, hiểu rõ những thách thức trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại Úc. Sau khi tính toán chi phí, bà đã quyết định không quay trở lại làm việc.

 

“Mọi người muốn đi làm vì cuộc sống ngày nay rất khó khăn, tôi nghĩ ai cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy tôi nghĩ mọi người đều muốn đi làm để có thể trả tiền thuê nhà và các hóa đơn. Nhưng nếu họ đi làm để nuôi sống bản thân, thì họ phải trả hơn một nửa tiền lương của mình cho dịch vụ giữ trẻ. Tôi nghĩ họ thích ở nhà và chăm sóc con cái hơn.”

 

Úc có chi phí giáo dục mầm non thuộc hàng cao nhất thế giới, và xếp thứ 26 trong số 32 quốc gia thành viên của OECD về khả năng chi trả cho dịch vụ giữ trẻ.

 

Giấc mơ về dịch vụ giữ trẻ miễn phí hoặc phổ cập cho trẻ em Úc từ 5 tuổi trở xuống từ lâu đã được thảo luận. Nhiều cuộc điều tra đang xem xét cách biến giấc mơ này thành hiện thực - từ Ủy ban Năng suất đến Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu thụ Úc (ACCC).

 

Một phúc trình của Trung tâm Phát triển Chính sách đã đề xuất một lộ trình hướng tới việc phổ cập hệ thống giáo dục mầm non trong 10 năm tới.

 

Phúc trình kêu gọi chính phủ tài trợ để các gia đình có thu nhập từ $80.000 trở xuống có thể gửi con đi nhà trẻ ba ngày một tuần miễn phí.

 

Những bậc cha có thu nhập cao hơn sẽ được yêu cầu trả $30 cho ba ngày này.

 

Đề xuất này dự kiến sẽ làm tiêu tốn của chính phủ thêm 7 tỷ đô la mỗi năm, bên cạnh chi phí hiện tại là 13 tỷ đô la.

 

Ông Andrew Hudson, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Chính sách, cho biết giáo dục mầm non nên được xem là một dịch vụ thiết yếu như Medicare hoặc giáo dục công.

 

Ông cho biết việc chuyển sang mô hình phổ cập sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn.

“Chúng tôi ước tính rằng chính phủ sẽ tốn thêm khoảng 7 tỷ đô la để triển khai hệ thống giáo dục mầm non phổ cập. Nhưng số tiền đó sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng hàng tỷ đô la tiền thuế bổ sung từ cha mẹ, đặc biệt là những phụ nữ có thể tham gia lực lượng lao động; hàng tỷ đô la tăng trưởng GDP; và tiết kiệm hàng tỷ đô la cho hệ thống y tế, tư pháp hình sự, và ở những nơi khác. Bởi vì hệ thống giáo dục mầm non phổ cập này thực sự sẽ giúp trẻ em phát triển mạnh mẽ.”

 

Khả năng chi trả vẫn là vấn đề trọng yếu. Một phúc trình của ACCC hồi tháng Giêng phát hiện ra rằng chương trình trợ cấp chi phí giữ trẻ của chính phủ đã hỗ trợ rất ít cho các gia đình, do các nhà trẻ tăng giá.

 

Ông Hudson nói rằng mức phí này đang ngăn cản các gia đình có thu nhập thấp gửi con đi nhà trẻ.

“Vì vậy, chúng ta cần phải cắt giảm chi phí. Úc có một trong những hệ thống giáo dục mầm non đắt đỏ nhất thế giới. Đã có rất nhiều động lực, rất nhiều khoản đầu tư của chính phủ, cả cấp tiểu bang lẫn liên bang trong những năm gần đây - đó là những tin tức đáng mừng. Hiện tại, chúng ta có động lực thực sự để hoàn thành công việc này. Chúng ta không thể chỉ tăng trợ cấp giữ trẻ hàng năm. Chúng ta cần phải tham vọng hơn về việc thiết kế lại hệ thống. Và chúng ta có cơ hội duy nhất trong đời này ngay bây giờ để bảo đảm rằng, giáo dục mầm non có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho mọi gia đình ở Úc.”

 

Nhóm nghiên cứu muốn xóa bỏ trợ cấp giữ trẻ, và thay thế bằng mô hình tài trợ trực tiếp cho các trường mẫu giáo và nhà trẻ.

 

Thủ tướng Anthony Albanese đã hoan nghênh phúc trình này và nói rằng đảng Lao động của ông đã tham gia cuộc bầu cử liên bang gần đây nhất với tham vọng phổ cập dịch vụ giữ trẻ cho toàn dân.

“Tôi lưu ý bản phúc trình ngày hôm nay. Đó là một đóng góp tích cực cho cuộc tranh luận về chính sách. Chúng tôi sẽ chờ phúc trình của Ủy ban Năng suất, nhưng tôi đã nhiều lần nói rằng, tôi nghĩ việc cung cấp dịch vụ giữ trẻ toàn dân - giống như ở một số quốc gia khác - là một tài sản quốc gia có giá trị. Giáo dục mầm non có lợi cho trẻ em, có lợi cho các gia đình, và cũng có lợi cho nền kinh tế của chúng ta.”

 

Ông David Alexander, giám đốc chính sách và vận động tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc, cho biết các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc trẻ em do chính phủ tài trợ để hỗ trợ lực lượng lao động.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc cung cấp dịch vụ giữ trẻ - sự hỗ trợ của chính phủ cho việc cung cấp dịch vụ giữ trẻ - có thể là một điều tốt cho các nhà tuyển dụng và gia đình muốn đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ em. Vì vậy, điều này cho phép các gia đình và cha mẹ đi làm khi có thể; và thực hiện theo cách mà cả hai bên đều mong muốn.”

 

Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, giáo dục phổ thông là bắt buộc - và được phổ cập toàn dân thông qua hệ thống giáo dục công.

 

Tuy nhiên, các nhà cung cấp tư nhân chiếm đến 70% lĩnh vực giáo dục mầm non.

 

Phúc trình của ACCC hồi tháng Giêng kết luận việc chỉ có một chính sách chung là không đáp ứng được mọi nhu cầu - đặc biệt đối với các gia đình có thu nhập thấp, những gia đình ở vùng xa xôi, trẻ em khuyết tật hoặc có nhu cầu phức tạp; và các gia đình có sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.

 

Thay vào đó, cơ quan này khuyến nghị một sự kết hợp giữa trợ cấp và quy định của chính phủ dựa trên nhu cầu của cộng đồng địa phương.

 

Phúc trình này cho thấy nhóm ít có khả năng được ghi danh vào dịch vụ chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em Bản địa.

 

Bà Lisa Thorpe, một người phụ nữ Gunditjmara/Gunnai, là một trong số hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ em Thổ dân, lần đầu tiên tổ chức tại Victoria vào ngày 12 và 13 tháng Sáu, và cũng là giám đốc điều hành Trung tâm Trẻ em và Gia đình Thổ dân Bubup Wilam.

 

Bà nói rằng các mô hình chính mạch không hiệu quả với trẻ em Bản địa, đồng thời nhấn mạnh rằng các tổ chức do cộng đồng Thổ dân quản lý cần phải được tài trợ để cung cấp các dịch vụ phù hợp với văn hóa.

“Chúng ta cần nhiều hơn là một chương trình của chính phủ liên bang hoạt động theo cùng một cách như chương trình chính mạch. Nó không hiệu quả. Lý do duy nhất khiến Bubup vẫn tồn tại là vì tôi đã phát triển rất nhiều chương trình khác xung quanh chương trình này, để hỗ trợ chương trình mẫu giáo. Nếu đó là một chương trình độc lập, chúng tôi sẽ không có đủ trẻ em ở đó để duy trì nền giáo dục và giảng dạy chất lượng cao mà chúng tôi đang làm; và sự ổn định của lực lượng lao động cũng như số lượng trẻ em. Nếu bạn tập hợp tất cả chúng lại trong một không gian (mô hình chính mạch) và chúng tôi không thể đi sâu và dạy cho trẻ em những gì chúng tôi cần dạy chúng, thì điều đó sẽ gây ra sự hỗn loạn. Điều đó có thể gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên. Nó cũng có thể gây khó khăn cho trẻ em.”

 

Hồi tháng trước, chính phủ liên bang đã công bố lộ trình 10 năm dành cho trẻ em từ 0 đến 5 tuổi, được gọi là Chiến lược những năm đầu đời.

 

Mục tiêu là chấm dứt tình trạng thiếu sự phối hợp giữa chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

 

Kế hoạch hành động đầu tiên trong ba kế hoạch hành động - phác thảo các bước cụ thể và nguồn tài trợ - sẽ được công bố vào cuối năm nay.

 

Bà Thorpe cho biết điều quan trọng là phải đưa quan điểm của các nhà giáo dục Bản địa vào chương trình giảng dạy - nhằm bảo đảm đạt được tiến bộ trong việc Thu hẹp Khoảng cách.

“Nếu bạn thực sự nghĩ về việc tài trợ cho các chương trình và quy trình ở thượng nguồn, như trong giáo dục mầm non là vấn đề phòng ngừa. Chúng tôi dạy con cái trở nên mạnh mẽ. Chúng tôi dạy con cái về sự kết nối. Chúng tôi dạy con cái về bản sắc mới; và các em có thể học về việc các em là ai với tư cách là một người Thổ dân - và các em cũng có thể học cách ứng xử như thế nào trong thế giới chính mạch. Nếu chúng ta không đưa ngôn ngữ và văn hóa vào chương trình giáo dục mầm non... Chúng tôi cần có cơ hội dạy ngôn ngữ của mình cho con cái và chia sẻ với gia đình. Điều đó vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta muốn thu hẹp bất kỳ khoảng cách nào.”

 

Phúc trình cuối cùng của Ủy ban Năng suất về giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30 tháng Sáu.