Coronavirus, màu vàng, hiện lên trên bề mặt các tế bào màu xanh/tím, được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. (NIAID-RML via AP) Nguồn: (AAP)

 

Các quan chức y tế Úc đã trấn an các bậc phụ huynh đang lo ngại rằng con cái của họ có nguy cơ mắc một chứng bệnh hiếm gặp liên quan đến COVID-19. Trước đó, Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo sau khi ba bệnh nhi tử vong ở New York, và các trường hợp khác cũng đã được báo cáo ở Anh, Ý và Pháp. Tuy nhiên, cho đến nay nước Úc chưa xảy ra trường hợp nào.

 

Cậu bé Luca Musca mười ba tuổi cuối cùng đã được xuất viện sau hai tuần điều trị tại một bệnh viện ở Luân Đôn. Cậu bé đang bình phục sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh bí ẩn mới liên quan đến COVID-19.

 

Cha của Luca, ông Dan cho biết các triệu chứng của con trai ông rất nghiêm trọng, cậu bé thậm chí còn được chăm sóc đặc biệt trong bốn ngày.

 

“Thằng bé đã bị sốt trên 40 độ, cả người mềm nhũn, không có sức sống, đổ mồ hôi rất nhiều và rất đáng lo.”

 

Luca rất vui khi được trở về nhà:

“Cháu nhớ nhất là những lúc được ở nhà với mẹ và em gái.”

 

Khi số trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng ở Anh, các bác sĩ đã được yêu cầu cảnh giác với các triệu chứng như sốt, phát ban và đau bụng.

 

Căn bệnh đã được ví như bệnh Kawasaki hay hội chứng sốc nhiễm độc, và hiện được gọi là Hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa. Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được xác định, nhưng nó được cho là phản ứng của cơ thể để đối phó với nhiễm trùng - như COVID-19.

 

Tiến sĩ Michael Levin từ Đại học Hoàng gia London giải thích:

“Thỉnh thoảng nếu hệ miễn dịch có phản ứng quá mức, thì sẽ dẫn đến tình trạng tất cả các loại hóa chất bị đẩy vào mạch máu, gây viêm nhiễm, và hệ miễn dịch sẽ bắt đầu gây hại, thay vì bảo vệ cơ thể.”

 

Tại Ý, một trong những quốc gia bị coronavirus ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng đã có báo cáo các trường hợp mắc bệnh đã gia tăng mạnh. 

 

Trong một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh, các nhà nghiên cứu người Ý đã phát hiện trong khoảng thời gian hai tháng, 10 trẻ em được đưa vào bệnh viện Bergamo với các triệu chứng tương tự. 8 trong số bệnh nhi đã có kết quả dương tính với COVID-19. Tất cả 10 em đều có xu hướng lớn tuổi hơn so với các bệnh nhân Kawasaki thông thường, và bệnh của các em cũng nặng hơn. 6 em đã bị biến chứng tim. Trong 5 năm trước, các bác sĩ ở Ý chỉ phát hiện 19 trẻ mắc hội chứng này.

 

Nước Pháp cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, khi các bác sĩ cho biết 17 trẻ em đã được đưa vào bệnh viện Paris chỉ trong một tuần.



Nhưng các trường hợp được báo cáo nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Juliet Daly, 12 tuổi, đến từ Louisiana đang bệnh nặng, cô bé bị đau tim.



“Cháu cảm thấy mình không thể làm gì nổi, vì cháu rất đau.”

“Một số bang của Hoa Kỳ hiện đã báo cáo các trường hợp mắc hội chứng, và cho rằng sẽ có nhiều trường hợp hơn trong những tuần tới. Bác sĩ khoa cấp cứu ở Oregon, bác sĩ Esther Choo nói rằng các bậc phụ huynh cũng như bác sĩ đang rất lo lắng”.

“Tôi nghĩ rằng khi những đứa trẻ mắc bệnh này, chúng sẽ gặp phải một số biến chứng nguy hiểm. Chúng ta khó mà chịu đựng nổi khi chứng kiến điều đó.”

New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 100 trẻ em có liên quan đến căn bệnh này, và ba trẻ em đã chết. Điều đó đã thúc đẩy thống đốc bang, ông Andrew Cuomo, đưa ra lời khuyên mới cho các bác sĩ.



“Tiểu bang New York hôm nay đã công bố trên mạng về tiêu chí quốc gia đầu tiên đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, đó là cách ly, xác định, nhận dạng hội chứng này và thử nghiệm.”

 

Đến nay nước Úc chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào mắc hội chứng này. Giám đốc y tế của Úc, giáo sư Brendan Murphy, nói rằng nước Úc đã đối phó tốt với COVID-19 và số ca nhiễm rất thấp, có nghĩa là hội chứng đó rất khó xảy ra:



“Bệnh này rất hiếm gặp và chắc là khó có thể được nhìn thấy ở Úc, do số lượng nhiễm virus ở trẻ em rất thấp. Vẫn chưa rõ mối liên quan giữa coronavirus đối với tình trạng này, nhưng nó là bệnh hiếm thấy.”

 

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Sydney, Giáo sư Robert Booy, cho rằng nước Úc sẽ có một vài trường hợp, nhưng không phải trong tương lai gần:

 

“Vấn đề là nếu chúng ta chứng kiến đợt lây nhiễm thứ hai sau khi nới lỏng tất cả các hạn chế, thì đó là một mối lo thực sự. Nếu chúng ta có số trường hợp nhiễm nhiều hơn trong lần thứ hai - và trong đó có trẻ em, thì có thể chúng ta sẽ thấy vài trường hợp mắc bệnh hiếm gặp.”

 

Nhưng giáo sư Booy nói rằng các chuyên gia y tế Úc sẵn sàng đối phó với bất kỳ trường hợp nào phát sinh:

 

“Chúng tôi đang hướng dẫn cho bác sĩ nhi khoa và bác sĩ khoa chăm sóc tích cực cách phát hiện hội chứng và hành động nhanh chóng, bởi vì đã có cách điều trị thích hợp. Chúng tôi chuẩn bị tốt và thực sự sẵn sàng để đối phó với các trường hợp.”