Sự hồi phục của nước Úc cần có một gói hổ trợ mở rộng, và cần thêm kế hoạch nhà chính phủ: OECD. Nguồn: Pixabay Patty Janse.

 

 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho rằng để có thể đứng dậy từ suy thoái, chính phủ Úc nên xem xét mở rộng gói hỗ trợ tài chánh, bên cạnh đó cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo.

 

Sản lượng kinh tế của Úc có thể giảm 6.3 phần trăm trong năm nay nếu xảy ra một làn sóng lây nhiễm coronavirus tiếp theo, theo sự cảnh báo của một cơ quan kinh tế toàn cầu danh tiếng.

 

-Không có làn sóng coronavirus thứ hai, GDP của Úc vẫn giảm 5% trong năm nay; nếu có, giảm 6.3%.

-OECD khuyến nghị chính phủ cân nhắc thêm hỗ trợ sau tháng Chín, thêm an toàn xã hội, thêm nhà chính phủ, tập trung đào tạo và việc làm.

-Kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn nếu tâm lý người tiêu dùng hồi phục, nhưng nợ hộ gia đình cao là một cản trở của Úc.

 

Nhưng ngay cả khi không có làn sóng lây nhiễm thứ hai, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết tổng sản phẩm quốc nội của Úc vẫn sẽ giảm 5 phần trăm trong năm nay, với những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.

 

Chính phủ liên bang nên xem xét những hỗ trợ nào có thể cần thiết sau khi các biện pháp hiện tại kết thúc vào tháng Chín, như tăng cường mạng lưới an toàn xã hội và đầu tư vào năng lượng hiệu quả và nhà chính phủ, OECD cho biết.

 

Giáo dục, đào tạo và cải thiện các chương trình tìm kiếm việc làm nên được tập trung vào việc làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, tổ chức này nói thêm.

 

Mở rộng bảo lãnh cho vay và tăng tốc hỗ trợ các quá trình mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến sự phục hồi năng động hơn, tổ chức này cho biết trong triển vọng kinh tế mới nhất vừa công bố.

 

Các tiểu bang và vùng lãnh thổ đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế mà không có sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm coronavirus mới cho đến nay.

 

Nhưng còn một tuần nữa để người ta biết liệu virus này có lây lan trong các cuộc biểu tình chống phân biệt sắc tộc diễn ra trên toàn quốc vào cuối tuần trước hay không.

 

Chính phủ đã nói rằng những hạn chế không có khả năng sẽ được áp dụng rộng khắp ngay cả khi nếu có một đợt bùng nổ dịch bệnh khác xảy ra, và chiến lược của họ là sẽ tập trung vào các khu vực ngăn chặn, dập dịch ngay tại địa phương.

 

OECD cho biết đợt bùng phát thứ hai có thể nhỏ hơn ở Úc so với các nơi khác, vì tính chất địa lý của quốc gia và tiếp tục hạn chế đối với việc đi lại quốc tế.

 

Phúc trình vừa công bố này của OECD thừa nhận virus đã tấn công nền kinh tế Úc vào thời điểm mà đầu tư đã sẵn yếu, cộng thêm ảnh hưởng nghiêm trọng vì hạn hán kéo dài và sức tàn phá của cuộc khủng hoảng cháy rừng đã được cảm nhận rõ.

 

Điều này dẫn đến sự tăng trưởng sụt 0.3 phần trăm trong quý kết thúc tháng Ba, khiến chính phủ cảnh báo Úc hiện đang trong thời kỳ suy thoái, dự báo trước thêm một đợt tăng trưởng sụt giảm khác dự kiến ​​sẽ xảy ra trong dữ liệu quý kết thúc tháng Sáu, vào cuối năm tài chánh này.

 

Tổ chức OECD cho biết sự phục hồi kinh tế có thể nhanh hơn nếu tâm lý người tiêu dùng nhanh chóng hồi phục.

 

Nhưng một rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế hồi phục của Úc là là mức nợ hộ gia đình cao, cũng như sự suy thoái trong thị trường nhà đất.