Những ngôi nhà làm bằng giấy xếp theo kiểu Origami được đặt trên các bậc thang của Tòa nhà Nghị viện Tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne, vào tháng Tám. Nguồn: AAP / MORGAN HANCOCK (SBS)

 

 

AUSTRALIA - Hơn 40 tổ chức nhà ở, người vô gia cư và dịch vụ cộng đồng đã ký một bức thư ngỏ gửi tới thủ tướng Anthony Albanese và lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton bày tỏ lo ngại rằng các cộng đồng nhập cư đang bị coi là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở.

 

Gần đây chúng ta đã nghe các chính trị gia và giới truyền thông nói rằng lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay ở Úc là do mức độ nhập cư kỷ lục từ nước ngoài.

 

Tuy nhiên, một số dịch vụ nhà ở và các nhóm phúc lợi cho người nhập cư đang lập luận rằng lối hùng biện này là sai lầm và sử dụng người nhập cư như vật tế thần cho những thất bại về chính sách đã kéo dài qua nhiều chính phủ.

 

Maiy Azize, là phát ngôn nhân của chiến dịch Everybody's Home đại diện cho các tổ chức nhà ở, người vô gia cư và phúc lợi, mong muốn khắc phục cuộc khủng hoảng nhà ở.

 

Cô đã giúp điều phối một bức thư ngỏ, được 40 tổ chức ký tên, kêu gọi Thủ tướng Anthony Albanese và Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton tránh xa những quan điểm chống người nhập cư và tập trung vào các nguyên nhân gốc rễ.

 

Maiy Azize nói “Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu đúng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhà ở. Khi chúng ta đổ lỗi vấn đề sai chỗ hoặc đổ lỗi sai người, chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp sai lầm.”

"Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn cùng nhau giải quyết vấn đề này qua một thư ngỏ, vì chính sách của chính phủ đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhà ở và chỉ có chính sách của chính phủ mới có thể giải quyết được nó."

 

ữ liệu gần đây từ Nha Thống kê Úc cho thấy dân số Úc tăng kỷ lục 518.000 người trong năm tài chính 2022-2023 do nhận di dân từ nước ngoài.

 

Con số này cao hơn gấp đôi số lượng người di cư ròng trước đại dịch từ năm tài chính 2018 đến 2019 là 239.600 người. Phần lớn là do tồn đọng những người không thể nhập cảnh trong năm 2020 và 2021 vì các hạn chế về biên giới.

 

Chính phủ liên bang đã công bố một chiến lược di cư mới vào tuần trước nhằm mục đích đưa tình trạng di cư trở lại con số trước đại dịch vào năm tài chính tiếp theo với các quy định cứng rắn hơn với những người có thị thực tạm thời.

 

Thượng nghị sĩ Đảng quốc gia Matt Canavan nói với Sky News rằng việc di cư gây ra áp lực trên thị trường nhà ở.

"Chúng ta phải mở cửa biên giới, tuy nhiên, chúng ta không cần phải mở cửa xả lũ và tiếp nhận số lượng người nhiều hơn thành phố Canberra trong một năm. Điều đó đã dẫn đến lạm phát đáng kể và nỗi đau cho người dân. Rất nhiều người Úc không thể tìm được nhà ở."

 

Emma Greenhalgh là giám đốc điều hành của National Shelter, một tổ chức phi chính phủ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở và khả năng chi trả.

 

Bà tin rằng di cư là một yếu tố khi xem xét sự căng thẳng trên thị trường nhà ở nhưng nhấn mạnh các chính trị gia đã phóng đại quá mức tác động của nó.

"Chúng tôi thực sự nghĩ rằng vấn đề nhập cư đã bị cường điệu hóa, đặc biệt là khi có những vấn đề về nhà ở xảy ra lúc biên giới bị đóng cửa trong thời gian diễn ra dịch COVID.|

“Tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy là sự gia tăng người nhập cư, nhưng vấn đề nhà ở không phải do di dân gây ra. Việc này có thể là một yếu tố phức tạp cộng thêm, nhưng chúng không phải là nguyên nhân."

 

Tháng trước, tổ chức của bà đã công bố báo cáo hàng năm của National Shelter về Chỉ số Khả năng chi trả Nhà ở lần thứ chín.

 

Chỉ số cho thấy khả năng chi trả thuê nhà đã trở nên tồi tệ trên toàn quốc ở tất cả các thành phố thủ đô ngoại trừ Canberra và Hobart trong 12 tháng qua.

 

New South Wales, Victoria và Perth chứng kiến sự giảm sút về khả năng chi trả nhà ở, trong đó Sydney giảm 13%, Melbourne và Perth đều giảm 10%.

 

Bà Greenhalj nói rằng đây là một bức tranh phức tạp nhưng bà đổ lỗi cuộc khủng hoảng là do chính sách nhà ở nghèo nàn trong nhiều thập niên.

 

Việc này thúc đẩy nhà ở trở thành một khoản đầu tư để người giàu thu thập hơn là một nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người.

 

Danh sách chờ nhà ở xã hội tiếp tục tăng cao trên khắp đất nước do điều kiện sống và thiếu việc xây dựng nhà ở xã hội. Dữ liệu mới nhất cho thấy New South Wales và Victoria lần lượt có 57.204 và 65.195 người nộp đơn.

 

Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Dân tộc Úc, Carlo Carli, người đã ký thư ngỏ gửi tới các đảng chính trị lớn, cho biết ý chí chính trị để giải quyết vấn đề này đã bị đình trệ.

“Chúng tôi muốn giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, chúng tôi muốn thừa nhận rằng trong 20 năm qua, không có đủ nhà ở xã hội được xây dựng. Chúng tôi muốn điều đó được công nhận và giải quyết.”

 

Các cộng đồng người nhập cư ở Úc cũng lo sợ phải chịu những lời lẽ gây sợ hãi và ngôn ngữ thù hận.

 

Ông Carli nói rằng những người di cư thường bị các chính trị gia nhắm đến như một vật tế thần dễ bị đổ lỗi trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

"Ngôn ngữ chống người nhập cư theo chủ nghĩa dân túy bắt đầu như một ngôn ngữ chống người tị nạn, nó bắt đầu ở rìa của hệ thống chính trị cực hữu. Nó đi vào câu chuyện của các đảng phái chính trị.”

“Chúng ta đang đi theo một mô hình đã được thử nghiệm ở Hoa Kỳ, ở Canada và cả ở Châu Âu. Những gì chúng ta đang thấy là một vật tế thần dễ dàng. Thời thế thật khó khăn và thật dễ dàng để nhìn vào những người di dân và nói rằng, họ chính là vấn đề."

 

Hội đồng Kinh doanh Úc cho biết vào tháng 8 rằng cứ 1.000 di dân nước ngoài mà Úc tiếp nhận thì sẽ có 124 triệu đô la cổ tức kinh tế mỗi năm cho Úc.

 

Maiy Azize từ chiến dịch ‘Ngôi nhà của mọi người’ cho biết không chỉ nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào dân nhập cư ở Úc mà đây còn là một phần quan trọng trong nỗ lực của đất nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở

 

Maiy Azize nói "Những lời lẽ này có hại cho người nhập cư. Nó đặc biệt gây tổn hại vì chúng tôi biết rằng người nhập cư là một phần quan trọng giúp xây dựng nhà cửa ở Úc.”

“Chúng ta thực sự đã xây dựng một triệu ngôi nhà ở Úc trong 10 năm qua, vượt xa mức tăng trưởng dân số và vượt xa sự di cư.”

“Nhiều người đang xây những ngôi nhà đó là di dân ngoại quốc. Nó che giấu vai trò của chính phủ trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng này. Đó là lý do người nhập cư bị coi là vật tế thần."