Tuyên bố được đưa ra sau khi truyền thông và viện chiến lược Úc đồng loạt cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh xâm nhập sâu vào chính trường cũng như hệ thống đại học xứ chuột túi.

 

Sinh viên thành phố Brisbane biểu tình phản đối tài trợ của Chính phủ Trung Quốc cho các tổ chức giáo dục ở bang Queensland. Ảnh: EPA-EFE

 

 

Trong bài đăng hôm 24-11, mạng truyền hình Úc Nine Network tiết lộ thông tin gián điệp Trung Quốc từng đề nghị trả cho công dân Úc gốc Hoa tên gọi Bo “Nick” Zhao hơn 600.000USD nếu ông này ra tranh cử vào quốc hội với tư cách ứng viên thân Bắc Kinh. Ông Zhao, 32 tuổi, vốn là thành viên đảng Tự do, đã từ chối đề nghị trên. Đến tháng 3 năm nay, ông này bị phát hiện đã chết trong phòng khách sạn ở Melbourne.

 

Vấn đề là ông Zhao từng khai với Cơ quan Tình báo An ninh Úc (ASIO) thông tin trên và tiết lộ thêm việc ông được một doanh nhân khác ở Melbourne tên Brian Chen tiếp cận. Người này sau đó phủ nhận quen biết ông Zhao và khẳng định không liên quan gián điệp Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ Canberra đã xác định ông Chen có liên lạc với ông Zhao.

 

Phát biểu hôm 25-11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông lấy làm quan ngại trước thông tin mạng lưới tình báo Trung Quốc đang cố cài điệp viên vào quốc hội. Song, lãnh đạo đảng Tự do khẳng định Canberra không “ngây thơ” trước những mối đe dọa như vậy. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lặp lại quan điểm của nước này là “chưa từng và sẽ không bao giờ can thiệp nội bộ quốc gia khác”. Ông này tuyên bố mọi cáo buộc cho rằng Bắc Kinh xâm nhập chính trường Úc, bao gồm kế hoạch cài điệp viên như truyền thông nước sở tại phanh phui đều không có gì khác hơn ngoài “bịa đặt và dối trá”. 

 

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) ngược lại cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc tại nhiều quốc gia đã thay đổi đáng kể với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Theo Alex Joske tại ASPI, chiến lược hợp nhất giữa hai mảng “quốc phòng và dân sự” đang được Trung Quốc áp dụng nhằm khai thác những thành tựu mới của các trường đại học, giúp thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa lực lượng và tối đa hóa sức mạnh quân sự. Chiến lược này đồng thời trở thành vấn đề nan giải đối với những quốc gia khác khi họ hợp tác nghiên cứu với Bắc Kinh.

 

Chuyên gia Joske là tác giả chương trình theo dõi những trường đại học quốc phòng ở Trung Quốc, nhờ đó giúp các chính phủ, trường đại học và tổ chức trên thế giới đánh giá rủi ro khi hợp tác với các học viện Trung Quốc. Theo cơ sở dữ liệu được công bố, có 92 tổ chức bao gồm 20 trường đại học dân sự ở Trung Quốc bị xếp vào nhóm rủi ro rất cao. Công cụ theo dõi cũng phát hiện ít nhất 15 trường đại học dân sự liên quan các cuộc tấn công mạng, trích xuất bất hợp pháp hoặc gián điệp. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc bị cho đang giám sát 9 trường đại học và cài cắm hàng ngàn nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài. Theo chuyên gia Joske, có rất nhiều cơ sở trong số 160 phòng thí nghiệm hoạt động trên danh nghĩa dân sự, thường được gắn mác “phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia” nhưng thực chất do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tài trợ và giám sát.

 

Trong báo cáo, ASPI cho biết mặc dù có nhiều quy định và biện pháp quản lý nhưng hệ thống giáo dục đại học và chính phủ các nước vẫn không thể kiểm soát hiệu quả rủi ro khi có rất ít dữ liệu mà họ có thể truy cập về các liên kết quân sự và an ninh của các thực thể Trung Quốc. Xét riêng tại Úc, ông Joske cho rằng chính phủ cần cải cách các đạo luật về thương mại quốc phòng nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ quân sự nhạy cảm cho nước ngoài.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, CNN)