Thứ trưởng tài chánh, Tiến sĩ  Steven Kennedy, nói chuyện trước Ủy Hội Thượng về dịch COVID-19 (Source: AAP)

Một số doanh nghiệp sẽ đóng cửa vĩnh viễn vì đại dịch Covid19, nhiều người mất việc, kinh tế Úc bị sốc còn hơn thời đại suy thoái hồi 1930. Điều đó có ý nghĩa thế nào với ngân sách tháng Năm của chính phủ liên bang?

 

Thứ trưởng Tài chánh Liên bang, Tiến sĩ Steven Kennedy nói rằng COVID-19 gây ra những tác động chưa từng thấy cho kinh tế toàn cầu.

 

Chính phủ đã cam kết 320 tỉ đôla để kích hoạt lại kinh tế, nhưng chỉ mới có 3 phần trăm của ngân khoản này là được tháo khoán.

 

Tiến sĩ Kennedy tiên đoán kinh tế thế giới sẽ thay đổi đáng kể sau đại dịch Covid-19.

 

"Chúng ta chưa từng thấy cú sốc kinh tế nào nhanh và lớn như vậy khi nó đánh vào cả cung lẫn cầu. Việc cung cấp các dịch vụ và hàng hóa bị gián đoạn đáng kể khi phải giãn cách xã hội. Mức cầu sụt giảm qua đêm đồng nghĩa với mất thu nhập, lợi nhuận và niềm tin."

 

Tỉ lệ thất nghiệp tại Úc dự đoán sẽ lên đến 10 phần trăm, với một số doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn.

 

Nhưng Tiến sĩ Kennedy không nghĩ rằng chính phủ có thể làm gì khác hơn.

 

"Chúng ta chưa bao giờ gặp cú sốc như thế này, và chỉ trong vòng 4 tuần chính phủ đã chi ra nhiều tỉ đôla để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng của lệnh đóng cửa. Tôi không nghĩ là chính phủ có thể phản ứng nhanh hơn thế."

 

Quyền thứ trưởng Tài chánh James Kelly cho biết không phải chỉ có hãng hàng không Virgin Australia đã xin chính phủ hỗ trợ mà còn có nhiều công ty khác nữa.

 

"Chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp đã xin chính phủ hỗ trợ. Chúng tôi cố vấn cho chính phủ cách giải quyết các yêu cầu đó, nhưnglúc này chúng tôi đang tập trung cho Virgin."

 

Một phần tư hàng xuất cảng của Úc là qua Trung Quốc vì vậy, Tiến sĩ Kennedy nói nguồn lợi nhuận này đóng vai trò chủ yếu để cho kinh tế hồi phục sau đại dịch.

 

"Kinh tế Úc sẽ hồi phục nếu chúng ta tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Trung Quốc và sự tăng trưởng kinh tế của họ thông qua những ban giao thương mại."

 

Tuy nhiên Trung Quốc cảnh cáo sẽ tẩy chay hàng hóa của Úc vì Canberra ủng hộ chuyện mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của coronavirus.

 

Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Cheng Jingye nói người dân Trung Quốc có thể quyết định có tiếp tục mua hàng hóa của Úc hay không.

 

"Tùy công chúng Trung Quốc quyết định thôi. Có thể người dân chúng tôi sẽ hỏi tại sao chúng ta lại uống rượu hay ăn thịt bò của Úc nhỉ?"

 

Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết chính phủ không hài lòng tí nào trước phát biểu của đại sứ Trung Quốc.

 

"Chính phủ thất vọng với lời phát biểu của ông đại sứ Trung Quốc. Nó không phù hợp khi đe dọa là Trung Quốc sẽ ép Úc về kinh tế. Úc đưa ra những quyết định, đặc biệt về y tế và an ninh quốc gia, căn cứ trên quyền lợi, sức khoẻ và an ninh của người Úc, chúng tôi sẽ không thay đổi trước những đe dọa kinh tế như vậy đâu."

 

Thứ trưởng Ngoại giao Thương mại Frances Adamson đã trực tiếp gọi điện thoại cho Đại sứ Cheng để phản đối, thay vì triệu tập chính thức.

 

Phát ngôn nhân của đối lập ông Bill Shorten nói đại sứ Trung Quốc hơi quá đáng.

 

"Ai cũng biết nó xảy ra như thế nào. Coronavirus đã thay đổi nước Úc vĩnh viễn, đem lại những hậu quả nghiêm trọng về y tế, cũng như tác động nặng nề đến kinh tế. Tôi nghĩ chính phủ Morrison đúng khi yêu cầu mở một cuộc điều tra. Lao Động ủng hộ việc đó, vốn không ảnh hưởng gì đến chuyện chúng ta giao lưu với Trung Quốc."

 

Tuy nhiên phân tích gia Alex Joske từ Viện Nghiên Sách Lược Úc nghĩ rằng bang giao Úc-Trung ít nhiều đã bị sức mẻ.

 

"Đây chỉ là một chuyện trong danh sách dài các căng thẳng trong bang giao Úc-Trung trong vòng hai năm qua, nhưng tôi không thấy mối bang giao này có thể quay lại thời thuận thảo như cách đây 10 năm đâu."