Phát ngôn viên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), nói chuyện trong một buổi họp báo ở Bắc Kinh (Kyodo via AP Images) Nguồn Kyodo: KYDPL KYODO
Tổng trưởng Thương mại Liên bang cho biết ông vẫn chưa sắp xếp được một cuộc họp với người tương nhiệm phía Trung Quốc, sau khi Trung Quốc xác nhận lệnh cấm nhập khẩu thịt từ bốn lò mổ của Úc. Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Úc cũng đã gây ra sự chia rẽ nội bộ trong Liên đảng, với một số người ủng hộ cáo buộc Trung Quốc bắt nạt và kêu gọi Chính phủ đứng lên bảo vệ chủ quyền của Úc.
Bốn công ty chế biến thịt ở Úc hiện vừa bị cấm xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc, khiến nhiều người lo sợ đây có thể là tiền đề cho một cuộc chiến thương mại.
Nhưng những người điều hành của các công ty bị ảnh hưởng, bao gồm Tổng Giám đốc của Công ty Thịt Hợp tác Xã phía Bắc Simon Stahl, đang cố gắng giữ hy vọng.
"Chuyện này không phải là lần đầu tiên, vì vậy nó không gây ngạc nhiên và chúng tôi cũng biết rằng Trung Quốc có một số hướng dẫn nghiêm ngặt. Cho nên chúng tôi sẽ giải quyết được."
Tổng trưởng Thương mại Liên bang Simon Birmingham cho biết mình bị bất ngờ, và yêu cầu có một cuộc họp với người tương nhiệm nhưng vẫn đang chờ phản hồi từ phía Trung Quốc.
"Chúng tôi đang theo đuổi mọi nỗ lực có thể để thúc đẩy lợi ích của Úc về xuất khẩu thịt bò và lúa mạch, để bảo vệ công ăn việc làm của người Úc và chúng tôi sẽ đưa ra một trường hợp toàn diện cho Trung Quốc và tôi hy vọng các cuộc thảo luận với người tương nhiệm của mình là một phần trong đó."
Trung Quốc đã đe dọa sẽ áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc.
Căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng kể từ khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của coronavirus.
Chính phủ Trung Quốc nói lệnh cấm xuất khẩu không phải là hành động trả đũa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu LẬp Kiên, trả lời rằng một số vi phạm trong nhãn mác và giấy chứng nhận sức khoẻ đã khiến họ quyết định ngừng nhập sản phẩm của bốn công ty này.
"Để bảo đảm an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc, Trung Quốc đã quyết định ngừng nhập bốn sản phẩm thịt của các công ty Úc vào hôm nay. Chúng tôi đã thông báo cho các bộ phận liên quan của Úc và yêu cầu họ điều tra toàn bộ lý do của vấn đề và khắc phục nó."
Mặc dù phủ nhận việc trả đũa thương mại, truyền thông Hoa lục có góc nhìn khác.
Thời báo Hoàn cầu tuyên bố lệnh cấm và đe dọa thuế quan không nhất thiết là 'hình phạt kinh tế đối với Úc' nhưng có thể đóng vai trò là 'lời cảnh tỉnh'.
Nhưng Simon Birmingham vẫn duy trì sự tích cực.
"Vâng, Trung Quốc đã phát biểu cả công khai và riêng với chúng tôi rằng đây là những vấn đề thương mại kỹ thuật kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Tôi tin tưởng trên cơ sở những tuyên bố đó, chúng cũng sẽ được giải quyết trên cơ sở xác thực và Úc sẽ đưa ra nhiều bằng chứng để bảo vệ các nhà sản xuất thịt bò và lúa mạch của chúng tôi."
Thủ tướng Scott Morrison nói rằng ông tin tưởng vào triển vọng của Úc như một quốc gia thương mại.
"Chúng tôi hợp tác với tất cả các đối tác một cách có thiện chí, nhằm bảo đảm sự gia tăng thương mại toàn cầu. Đó là cơ sở cho mối quan hệ của chúng tôi với chính phủ Trung Quốc khi nói đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này đã thể hiện tốt và là một thỏa thuận rất thành công; nhưng theo thời gian sẽ có những khác biệt về quan điểm và chúng tôi sẽ đưa những quan điểm đó theo hướng xây dựng vì lợi ích quốc gia, luôn luôn vì lợi ích quốc gia."
Trong những nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình tranh chấp thương mại giữa Úc và Trung Quốc- đối tác thương mại lớn nhất của mình, có sự chia rẽ trong Liên đảng.
Một số người ủng hộ, bao gồm Thượng nghị sĩ tự do Concetta Fierrabidei-Wells, đang kêu gọi chính phủ có lập trường cứng rắn hơn.
"Điều quan trọng đối với Úc là phải đưa ra những hành động trong tầm kiểm soát của mình: cụ thể là kế hoạch đền bù và kế hoạch tách rời khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều tài năng chính trị. Đáng tiếc thay, tôi nghi ngờ vào điều đó."
Dân biểu đảng Quốc gia George Christensen đầu tuần này cũng đe dọa triệu tập đại sứ Trung Quốc để trả lời các câu hỏi từ một ủy ban quốc hội.
"Tôi rất lo lắng về những gì Trung Quốc đang làm vào lúc này, họ đang làm tổn hại các ngành kỹ nghệ chính yếu của chúng ta, tất cả những hành động đó là bắt nạt và cưỡng chế và không nên được tiếp tục."
Trong khi đó, phát ngôn nhân về Ngoại giao của Lao động, Penny Wong, cáo buộc Chính phủ đã quản lý mối quan hệ này sai cách.
Tôi nghĩ rằng việc này rất mạo hiểm. Mối quan hệ với Trung Quốc cần được Thủ tướng và Tổng trưởng Ngoại giao cần được quản lý cẩn trọng và hợp lý. Tôi nghĩ rằng nên có thêm một chút Marise Payne và bớt George Christensen đi. "
Marise Payne là Tổng trưởng Ngoại giao.
"Đó là một mối quan hệ rất quan trọng nhưng nó quan trọng đối với cả hai nước và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta không quên việc đó. Đó là một mối quan hệ có giá trị đối với cả Úc và Trung Quốc . Đôi khi chúng ta phải ứng phó với sự khác biệt và Úc sẽ luôn giải quyết những khác biệt đó vì lợi ích quốc gia của chúng ta."