Người Úc trẻ tuổi lo lắng cho tương lai con cái họ. Ảnh: Getty / Chuck Savage

 

Sự kiện khí hậu khắc nghiệt có ảnh hưởng đến quyết định sinh con của mọi người hay không?. Trong những năm gần đây, Úc đã trải qua năm nóng nhất được ghi nhận là vào năm 2019, cùng một số trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Úc năm 2022, gây ra các trường hợp khẩn cấp bi thảm. Các nhà nghiên cứu Úc đã khám phá vấn đề này trong suốt năm 2022, trong một nghiên cứu đầu tiên thuộc lãnh vực này.

 

Trong nhiều năm qua, Ameena Payne và người bạn đời của mình miên man suy nghĩ với ý tưởng có con.

 

Người phụ nữ 33 tuổi này nói rằng, sự không chắc chắn về thế giới mà thế hệ tiếp theo sẽ thừa hưởng, là điều khiến họ do dự.

Cô Ameena Payne nói “Bạn biết đấy, hỏa hoạn rồi hạn hán và lũ lụt gia tăng mà chúng ta nghe nói đến cũng như khủng hoảng kinh tế, tất cả đều thực sự ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi, về việc chúng tôi có muốn sinh con hay không”.

 

Cuối cùng, cặp đôi ở bên nhau sáu năm đã quyết định không trở thành cha mẹ và họ không đơn độc trong quyết định như vậy.

Ameena Payne nói “Điều tôi nhận thấy với vòng tròn tình bạn của mình, là chúng tôi đang thực sự coi trọng kế hoạch hóa gia đình".

"Vấn đề không chỉ là về mặt tài chính là liệu chúng ta đã sẵn sàng chưa, mà còn là liệu thế giới có thể duy trì nhiều trẻ em hơn không?”.

 

Trong khi đó Tiến sĩ Carla Pascoe Leahy là một nhà sử học về tình mẫu tử, thời thơ ấu và gia đình.

 

Bà tin rằng, ngày càng có nhiều phụ nữ trên khắp nước Úc đang đặt câu hỏi này.

 

Đó là lý do khiến bà và một nhóm nhà nghiên cứu, đưa ra một nghiên cứu đầu tiên về cách biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các quyết định sinh sản.

Tiến sĩ Carla Pascoe Leahy nói “Điều thực sự thú vị, là khi chúng tôi đưa ra lời kêu gọi người tham gia trên phương tiện truyền thông xã hội là chúng tôi tràn ngập những phản hồi, nó như thể chúng tôi chạm vào một dây thần kinh vậy”.

 

Được biết dự án ‘Maternal Futures’ tạm dịch là ‘Tương lai của Mẹ', một dự án hợp tác giữa Đại học Tasmania, Đại học Edinburgh và Đại học Flinders, xem xét tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả các vụ cháy rừng và lũ lụt lớn gần đây ở Úc, đang định hình các quyết định về việc làm mẹ.

 

Nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, với những phát hiện sẽ được công bố vào năm tới.

 

Tiến sĩ Pascoe Leahy cho biết cho đến nay, nhóm đã thực hiện các cuộc phỏng vấn rộng rãi với 10 phụ nữ trên khắp nước Úc, từ các thành phố thủ đô đến các trung tâm khu vực và từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Nhiều người trong số họ cảm thấy khao khát sâu sắc được có con và được làm mẹ, nhưng đồng thời họ cảm thấy rất không chắc chắn và mơ hồ về tương lai, mà những đứa con có thể có của họ”.

 

Được biết số liệu của Nha Thống kê Úc cho thấy, Úc đã ghi nhận hơn 294 ngàn ca sinh nở vào năm 2020 và đây là tỷ lệ sinh suất thấp kỷ lục.

 

Và mặc dù có gần 310 ngàn ca sinh sản được đăng ký vào năm 2021, nhưng con số này chỉ cao hơn có 5%, Giám đốc Nhân khẩu học của tổ chức, bà Emily Walter cho biết, tỷ lệ sinh sản nói chung đã giảm trong thập niên qua.

Bà Emily Walter nói "Mức sinh suất cao nhất cuối cùng mà chúng tôi thấy là vào năm 2008 ở mức 2,02 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ và kể từ đó, với những biến động con số này đã giảm xuống”.

 

Trong khi đó Tiến sĩ Pascoe Leahy cũng khám phá xem, những thảm họa như vậy ảnh hưởng như thế nào, đến quyết định của những phụ nữ đã làm mẹ.

 

Tiến sĩ Carla Pascoe Leahy nói “Công trình ‘Nghiên cứu Làm mẹ trong Khủng hoảng’ của chúng tôi phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các bà mẹ Úc, theo những cách thực sự sâu sắc".

"Khi thiên tai gia tăng, họ dành nhiều thời gian suy nghĩ rất cẩn thận về cách họ có thể bảo vệ gia đình trong thế kỷ 21".

"Đó là những điều như: họ nên sống ở đâu và tạo ra một ngôi nhà an toàn cho gia đình, cùng cách chuẩn bị cho những thảm họa trong tương lai”.

 

Được biết cuộc nghiên cứu tập trung vào các phụ nữ ở vùng Gippsland của Victoria, một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đáng chú ý nhất là một loạt vụ cháy rừng lớn trong thập niên qua.

 

Một giáo viên tiểu học là bà Jane Sultana, mẹ của hai cậu con trai tuổi thiếu niên, đã trải qua tất cả những điều đó và nói rằng, điều đó ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con cái.

 

Bà Jane Sultana nói “Khi đi nghỉ hè cùng gia đình, chúng tôi không đi đâu xa vì chúng tôi không muốn bị kẹt vào một vụ cháy rừng khi đang lái xe".

"Chúng tôi đã xây dựng ngôi nhà của mình với việc tiết kiệm năng lượng nhất".

"Chúng tôi cố gắng mua sắm, giảm tác động đối với môi trường bằng cách chọn thực phẩm ít đóng gói hơn, tôi thực sự lo sợ cho tương lai của con mình".

"Biến đổi khí hậu sẽ làm gì với Trái đất và nó sẽ tác động đến tương lai của chúng như thế nào?”.

 

Cuộc nghiên cứu hy vọng, sẽ mang lại các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn, để giúp các gia đình đối phó với tình trạng khủng hoảng khí hậu.