Zara Perry sử dụng phần mô tả bằng  âm thanh để truy cập mạng xã hội. Nguồn: SBS

 

 

 

Đối với nhiều người, mạng xã hội là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhưng đối với những người khiếm thị, việc tiếp cận nó có thể là một thách thức lớn. Guide Dogs Australia đang nỗ lực nâng cao nhận thức về việc làm thế nào với một vài bước đơn giản có thể tạo nên sự khác biệt cho những người khiếm thị.

 

Đó là điều mà hầu hết mọi người đều không nghĩ tới, nhưng đối với nửa triệu người Úc có thị lực kém hoặc mù hoàn toàn, việc truy cập nội dung kỹ thuật số là một thách thức hàng ngày - có nghĩa là nhiều người bỏ lỡ các kết nối và những trải nghiệm mà hầu hết chúng ta đều coi là đương nhiên.

 

Zara Perry nói từ kinh nghiệm:

"Các phương tiện kỹ thuật số rất quan trọng cho sự giao tiếp xã hội và là một cách để thiết lập cũng như duy trì sự kết nối đó, điều này thực sự cần thiết đối với tôi, nhất là tôi khó có được sự tương tác xã hội đó do tôi có thị lực kém."

 

Zara Perry cũng giống như bao cô gái 18 tuổi khác, dành thời gian lướt Instagram và Facebook.

 

Cô sử dụng tầm nhìn còn lại của mình và một trình đọc màn hình cung cấp mô tả âm thanh của một số văn bản.

"Một người phụ nữ mặc áo sơ mi đen và đeo kính đang đứng bên ngoài Coles ôm hai chú chó Labrador màu vàng trên tay."

 

 

Cô Perry cho biết phần mô tả bằng âm thanh giúp cô hiểu rõ điều gì đang diễn ra:

"Như bạn có thể thấy, đó là phần mô tả thực sự rõ ràng về nội dung trong hình ảnh, nó không quá dài cũng không quá phức tạp nhưng nó cung cấp đủ bối cảnh về những gì đang diễn ra."

 

Tuy nhiên nó không phải lúc nào cũng hoàn hảo.

 

Cô cho biết mô tả bằng âm thanh không phải lúc nào cũng hiệu quả và yêu cầu người tạo nội dung gốc phải nhập mô tả hữu hiệu khi họ tải hình ảnh lên.

"Thường thì nội dung không thể truy cập được bằng trình đọc màn hình hoặc văn bản có phông chữ quá nhỏ hoặc ngộ nghĩnh hoặc vì bất kỳ lý do gì mà tôi không thể nhìn thấy nội dung đó bằng thị lực còn lại của mình và có khi nó là một khoảng trống rất trong nguồn cấp dữ liệu mà tôi đang tiếp cận, rất khó chịu."

 

Nghiên cứu từ Guide Dogs New South Wales cho thấy 3/4 số người có thị lực kém hoặc mù lòa gặp phải tình trạng bị loại khỏi kỹ thuật số - với 1/3 trong số đó cho biết nội dung ứng dụng là vấn đề.

 

Tamara Searant là Tổng Giám đốc Thay đổi Xã hội Social Change của Guide Dogs New South Wales:

"Để tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội thì yếu tố quan trọng là người sử dụng nhận thức được thế nào là một nội dung có thể truy cập được và hành động để bảo đảm nhiều người hơn có thể tham gia."

 

Thông thường mọi người có thể hiểu phần lớn nội dung của video chỉ bằng cách nghe âm thanh của video đó.

 

Tuy nhiên, nếu video bao gồm nội dung chỉ được trình bày bằng hình ảnh, chẳng hạn như văn bản trên màn hình, đồ họa hoặc hành động không có âm thanh rõ ràng thì mô tả bằng âm thanh rất hữu ích vì trình đọc màn hình sẽ không thể trợ giúp.

 

Nhiều đài truyền hình, dịch vụ phát trực tuyến và người tạo YouTube đã làm điều này.

"Một cơn giông bão đang thổi qua trên cánh đồng xanh. Một con trâu chạy trên cánh đồng."

 

 

Tamara Searant cho biết mô tả âm thanh cho video và thông tin của trình đọc màn hình cho các nội dung khác nhau không chỉ đơn giản là một yếu tố bổ sung tùy chọn.

"Khả năng tiếp cận kỹ thuật số ảnh hưởng đến nhiều người hơn như thế, nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người cho dù đó là những người lớn tuổi nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hay những người khuyết tật khác, điều đó thực sự quan trọng."

 

Cô cho biết việc viết chú thích rõ ràng và ngắn gọn cũng nên được thực hiện để những người khiếm thị tiếp cận với nội dung trên màn hình dễ dàng hơn.