Cử tri bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nguồn: AAP

 

AUSTRALIA - Số lượng người Úc đã ghi danh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc đưa Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội vào Hiến pháp đạt mức kỷ lục.

 

Những con số mới do Ủy ban Bầu cử Úc AEC công bố được hoan nghênh như là chỉ số tốt nhất cho sự tham gia dân chủ trong lịch sử bầu cử của đất nước.

 

Khi công bố dữ liệu mới, Ủy viên Ban Bầu cử Úc Tom Rogers nói rằng đây là một ngày tuyệt vời đối với nền dân chủ Úc và là đỉnh cao của nhiều năm làm việc để thu hút mọi người ghi danh bỏ phiếu.

"AEC đã sẵn sàng để đưa ra cuộc trưng cầu dân ý - vào bất kỳ ngày nào. Chúng tôi đang chuẩn bị, bao gồm cả việc xuất bản cuốn sách nhỏ, sẽ được phân phát tới mọi địa chỉ ở Úc có cử tri đã ghi danh, cả trường hợp có và trường hợp không, cùng một số thông tin bổ sung từ AEC.”

“Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, chúng ta đang đi đúng hướng, chúng tôi rất tự hào về công việc mà chúng tôi đã thực hiện để đạt được mức ghi danh bầu cử như hiện tại, đó là một kết quả tuyệt vời."

 

Cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên sau 23 năm dường như đang đi đúng hướng để nhận được số cử tri đi bầu kỷ lục.

 

AEC cho biết tỷ lệ ghi danh trên toàn quốc là 97,5%, tăng từ 97,1% vào cuối năm ngoái.

 

Lần đầu tiên, tỷ lệ đăng ký của người Thổ dân là trên 90%, với hơn 60.000 người Úc Thổ dân đã đăng ký bỏ phiếu.

 

Con số mới là 94,1% Người Thổ dân ghi danh, thể hiện mức tăng gần 10% so với con số của năm ngoái.

 

Lãnh thổ phía Bắc, vốn hay bị tụt lại phía sau, hiện đạt tỷ lệ đăng ký 92%. Đây là lần đầu tiên khu vực này vượt qua mốc 90%.

 

Điều này cũng tương tự đối với tỷ lệ ghi danh bỏ phiếu của thanh niên, ở mức 90,3%, cũng là lần đầu tiên trên 90% kể từ khi hồ sơ bắt đầu mở.

 

Ủy viên ủy ban bầu cử Tom Rogers nói rằng tỷ lệ người Thổ dân ghi danh bỏ phiếu tăng đột biến là điều đặc biệt.

 

Ủy viên ủy ban bầu cử Tom Rogers nói "Tin tức hôm nay quả thật rất tốt lành, khi chúng ta có tỷ lệ ghi danh bỏ phiếu lên đến hơn 94%, tăng trưởng 10% trong vòng 12 tháng qua, thậm chí trong sáu tháng qua.”

“Đó là một sự tăng trưởng xuất sắc. Việc này cho thấy khoảng cách đang được thu hẹp lại. Chúng tôi rất tự hào về công việc chúng tôi đã làm.”

 

Tiến sĩ Jill Sheppard, từ Đại học Quốc gia Úc ANU, cho biết những con số này là minh chứng cho công việc mà Ủy ban đã thực hiện.

 

"Xét về nhân khẩu học cốt lõi mà chúng ta đang nói ở đây, những cử tri trẻ tuổi, đặc biệt là những cử tri gốc Thổ dân, đây là điều chưa từng có.”

“Tôi nghĩ rằng hầu hết các nhà quan sát hôm nay thực sự bất ngờ về việc Ủy ban đã làm tốt như thế nào, trong việc thu hút nhiều cử tri tiềm năng này.”

“Giờ đây, nhiệm vụ của các đảng phái, các chính trị gia ở Úc, các nhà lãnh đạo cộng đồng là giữ chân những cử tri đó để xem liệu họ có quay trở lại cuộc bỏ phiếu này hay không.”

“Vì nếu họ bỏ cuộc trưng cầu dân ý giữa chừng, thì tất cả những điều này thực sự chẳng là gì cả."

 

Mặc dù việc bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý là bắt buộc, nhưng không có gì đảm bảo con số ghi danh kỷ lục sẽ chuyển thành tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

 

Cuộc bầu cử năm ngoái đã chứng kiến sự sụt giảm hơn 2% số người bỏ phiếu so với danh sách cử tri.

 

Tiến sĩ Jill Sheppard, của ANU, nhấn mạnh "Ghi danh những cử tri này là một chuyện, đưa họ vào sổ đăng ký bầu cử, khuyến khích họ đi bỏ phiếu lại là một chuyện khác. Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ tuổi và có lẽ sẽ đúng với rất nhiều cử tri ở các cộng đồng xa xôi, những người đã đăng ký tham gia cuộc vận động gần đây.”

“AEC đã cập nhật rất nhiều phương pháp về việc đưa mọi người vào danh sách bầu cử, nhưng khiến họ xuất hiện và tái tham gia bỏ phiếu sau cuộc bầu cử lại là một chuyện hoàn toàn khác."

 

Ngày trưng cầu dân ý vẫn chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ diễn ra vào quý cuối cùng của năm.