Báo cáo của ủy viên cho thấy số trẻ em thổ dân nhiều quá mức được đưa vào trung tâm chăm sóc đang có xu hướng tăng lên ở Nam Úc cũng như ở các khu vực pháp lý khác. (Tony Phillips: AAP)

 

NAM ÚC - Ủy viên Trẻ em Thổ dân Nam Úc dự đoán số trẻ em thổ dân sẽ được đưa vào trung tâm chăm sóc của chính quyền với tỉ lệ tương tự như trẻ em thuộc Thế hệ Bị Đánh cắp (Stolen Generation) trừ khi có thay đổi.

 

Một báo cáo được Ủy viên phụ trách Trẻ em và Thanh thiếu niên Thổ dân Tiểu Bang Nam Úc công bố hôm thứ Tư, ngày 5/10, cho thấy chính quyền tiểu bang không thực hiện hiệu quả đầy đủ chính sách Nguyên tắc Phối trí Trẻ em Thổ dân và Trẻ em Vùng đảo Torres Strait (Aboriginal and Torres Strait Islander Child Placement Principle - ATSICPP) được công nhận trên toàn quốc.

 

Báo cáo có đoạn cho biết: “Ở Nam Úc, người ta dự đoán rằng nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2031 sẽ có tới 140 trong số 1.000 trẻ em thổ dân được đưa vào các trung tâm chăm sóc của nhà nước”.

"Nếu sự gia tăng được dự đoán này trở thành hiện thực, trẻ em thổ dân sẽ bị mang đi khỏi gia đình của chúng với số lượng gần bằng với số lượng trong thời kỳ Thế hệ Bị Đánh cắp (Stolen Generation), một sự mang trẻ em thổ dân đi khỏi gia đình chúng một cách có hệ thống và mang tính lịch sử."

 

Báo cáo sơ bộ được ủy viên April Lawrie công bố sau 15 tháng điều tra về việc di dời và phối trí trẻ em Thổ dân ở tiểu bang Nam Úc.

 

Bà Lawrie nhận thấy trong năm 2020-21, cứ hai trẻ em Thổ dân ở Nam Úc thì có một trẻ phải nhận ít nhất một thông báo bảo vệ trẻ em, so với cứ 12 trẻ em không phải người thổ dân thì có một trẻ.

 

Bà nhận thấy cứ ba đứa trẻ Thổ dân thì có một trẻ được báo cáo với cơ quan bảo vệ trẻ em trước khi chúng được sinh ra.

Bà Lawrie nói với ABC rằng  “điều đó thật đáng báo động”.

"Mọi nỗ lực cần phải được thực hiện liên quan đến việc bảo vệ hình thức rộng hơn của Nguyên tắc Phối trí Trẻ em Thổ dân và Trẻ em Vùng Đảo Torres Strait (Aboriginal and Torres Strait Islander Child Placement Principle)."

 

 

April Lawrie đã dành 15 tháng để tìm hiểu về việc di dời và phối trí trẻ em thổ dân ở tiểu bang Nam Úc.(CACYP)

 

 

Tỷ lệ trẻ em Thổ dân bị mang ra khỏi gia đình ở 'ngoài tầm kiểm soát'

Nguyên tắc ATSICPP được các chính phủ trên khắp nước Úc sử dụng để bảo đảm rằng việc mang trẻ em ra khỏi gia đình Bản Địa (First Nations) của trẻ là biện pháp cuối cùng.

 

Nguyên tắc này yêu cầu các chính quyền ưu tiên để cho trẻ em Người Bản Địa, được xác định là có nguy cơ bị tổn hại, được ở cùng với các thành viên khác trong gia đình, hoặc họ hàng của trẻ để  trẻ  có thể lớn lên một cách an toàn và đượ kết nối với văn hóa của trẻ.

 

Chính quyền Tiểu bang Nam Úc, cùng với tất cả các khu vực pháp lý khác, đã đồng ý thực hiện nguyên tắc này.

 

Nhưng bà Lawrie cho biết năm ngoái chỉ có 61 phần trăm trẻ em Thổ dân Nam Úc, được nhà nước chăm sóc, được báo cáo là tuân thủ nguyên tắc này.

 

Con số đó đã giảm từ mức 66 phần trăm vào năm 2013.

 

Ủy viên nói: “Tôi lo ngại vì tỷ lệ trẻ em Thổ dân được mang ra khỏi gia đình của chúng để được nhà nước chăm sóc nằm ngoài tầm kiểm soát”.

“Tỷ lệ quá mức này đang có xu hướng tăng lên ở Nam Úc cũng như ở các khu vực pháp lý khác.”

“Nếu xu hướng này tiếp tục như hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng trong 10 năm tới, sẽ có thêm 50 phần trăm trẻ em của chúng ta được chăm sóc bên ngoài gia đình của chúng.”

 

'Lạm dụng quyền uy' giữa gia đình và chính quyền

Trong báo cáo của mình, bà Lawrie viết rằng một khi trẻ em được đưa vào cơ sở chăm sóc của nhà nước, các thành viên trong gia đình của trẻ thường cảm thấy bị nhân viên của Bộ Bảo vệ Trẻ em nói xấu họ, bị giám sát quá mức, bị bắt nạt, bị chỉ trích và bị thao túng.

 

Bà viết, những cảm xúc đó nêu bật "đó là những gì họ [các thành viên trong gia đình của trẻ em] coi là lạm dụng quyền lực, bao gồm cả việc các nhân viên bảo vệ trẻ em phớt lờ hoặc gây hiểu lầm cho gia đình hoặc che giấu thông tin".

Báo cáo nêu rõ: “Cộng đồng thảo luận rằng các gia đình thường thiếu hiểu biết về quyền của họ và quy trình bảo vệ trẻ em, và điều này dẫn đến tình huống các gia đình cảm thấy bị mất quyền lực khi làm việc với cơ quan hữu trách”.

 

Bà Lawrie viết rằng bà cũng đã nghe “nhiều lời kể” từ những người Bản Địa về việc di dời những đứa trẻ Thổ dân bị tách rời khỏi gia đình và văn hóa của chúng trong nhiều năm, chỉ để phát hiện ra rằng có những thành viên gia đình, hoặc, cộng đồng đã có thể nuôi dạy được những đứa trẻ này.

 

Bà viết: “Bản thân bọn trẻ đã bày tỏ… sự hoài nghi, buồn bã và tức giận trước sự mất mát này”.

 

Bà Lawrie viết rằng một khi trẻ em được đưa vào cơ sở chăm sóc, các thành viên trong gia đình chúng thường cảm thấy bị các nhân viên của Bộ Bảo vệ Trẻ em nói xấu mình, bị giám sát quá mức, bị bắt nạt, bị chỉ trích và bị thao túng. (ABC News)

 

 

Chính quyền 'xem xét cẩn thận' các khuyến nghị của báo cáo

Cho đến nay, gần 1.000 người đã đưa ra bằng chứng cho bà Lawrie trong quá trình điều tra.

 

Ủy viên cho biết bà cũng đã xem xét hơn 890 tài liệu, kiểm toán 22 hồ sơ của trẻ, và nhận được 44 hồ sơ đệ trình.

 

Báo cáo sơ bộ của bà đưa ra 17 khuyến nghị nhằm cải thiện sự tuân thủ của chính quyền đối với Nguyên tắc ATSICPP.

 

Những khuyến nghị bao gồm việc đưa nguyên tắc này vào luật pháp, bảo đảm rằng chính quyền tổ chức cuộc họp nhóm gia đình trước khi đưa ra các quyết định quan trọng về trẻ em, và trao cho Tòa án Thanh thiếu niên (Youth Court) quyền ra lệnh đoàn tụ trẻ em.

 

Bà Lawrie viết “Nhà nước phải có hành động nhanh chóng và quyết đoán để bảo đảm giảm tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên Thổ dân bị trục xuất khỏi gia đình của chúng, cộng đồng và văn hóa của chúng”.

 

Bà Lawrie cho biết bà sẽ tiến hành thêm nhiều phiên điều trần công khai nữa khi đưa ra báo cáo cuối cùng vào đầu năm tới.

 

Katrine Hildyard nói rằng "rõ ràng là cần phải thực hiện những cải tiến". (ABC News: Che Chorley)

 

 

Trong một tuyên bố gửi cho ABC, Bộ trưởng Bảo vệ Trẻ em, Katrine Hildyard, cho biết các khuyến nghị trong báo cáo sẽ được xem xét cẩn thận.

Bà nói "Như đã thảo luận với ủy viên Lawrie, một số chủ đề được nêu trong báo cáo sơ bộ là chủ đề của các vấn đề đã được xem xét trong đánh giá của chúng tôi về Đạo luật (An Toàn) Trẻ em và Thanh thiếu niên 2017 (Children and Young People (Safety) Act 2017), là một phần của Kế Hoạch Hành động Cho Người Thổ dân và Người dân đảo Torres Strait (Aboriginal and Torres Strait Islander Action Plan), và đang được xem xét tích cực trong việc soạn thảo luật mới".

 

"Rõ ràng là cần phải có những cải tiến.”

"Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với ủy viên Lawrie để thúc đẩy sự thay đổi tích cực nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em Thổ dân và gia đình chúng, bao gồm cả việc thông qua việc tiến tới một sắc luật mới."