(Ảnh: SBS)
Máy dệt đã là một công cụ thiết yếu của nhân loại trong hàng ngàn năm. Máy này định hình cách chúng ta ăn mặc, trang trí nhà cửa và thể hiện bản thân. Giờ đây, hai người phụ nữ đang mang kỹ thuật dệt cổ xưa trở lại để giải quyết một vấn đề hiện đại - vấn đề rác thải dệt may ngày càng gia tăng ở Úc.
Trong một studio ở Sydney, hai người bạn là Su Pittams và Anneli Strutt đang đứng lớp dạy các học viên cách dệt vải.
Họ đang sử dụng một công cụ cổ xưa gọi là máy dệt sàn, cụ thể là máy dệt sàn kiểu Bắc Âu.
Đó là thiết bị đã làm thay đổi ngành dệt may thế giới và gần đây hơn là thay đổi cuộc đời của Anneli.
"Lần đầu tiên tôi ngồi xuống khung dệt và nhặt một con thoi và ném nó. Tôi đã nghĩ đúng là nó rồi. Tôi thích nó ngay lập tức."
Anneli sinh ra ở Phần Lan và cho biết tuổi thơ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tình yêu của cô với đồ thủ công.
"Bạn được dạy cách tự đan những chiếc tất len, găng tay và những thứ tương tự khi cần thiết. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự trân trọng đối với việc chế tạo mọi thứ vẫn luôn ở đó."
Sau khi chuyển ra nước ngoài, cô trở về vào năm 20-16 để chăm sóc người mẹ ốm yếu và tình cờ biết nghề dệt tại một hội chợ thủ công.
"Khi mẹ tôi qua đời một năm sau đó, tôi đã cắt rất nhiều quần áo, hàng dệt may cũ của bà và biến chúng thành những tấm thảm. Vì vậy, đó thực sự là một cách hay để giữ bà bên mình."
Anneli rời Phần Lan với kỷ vật đầy cảm xúc đó nhưng cũng mang theo ý tưởng về một dự án hiện đang giúp người Úc giải quyết vấn đề rác thải dệt may ngày càng gia tăng.
"Su và tôi quay lại Phần Lan vào ngày 20-19 và mua tám máy dệt cũ từ nhiều người khác nhau, tháo rời tất cả, dán nhãn các bộ phận, hơn 100 chiếc, vận chuyển chúng đến đây và thử vận may.”
Ở Sydney, họ thành lập một studio nơi họ hiện đang dạy mọi người cách dệt vải với hy vọng rằng mọi người sẽ có cảm hứng để tái sử dụng quần áo cũ.
Úc là nước tiêu thụ hàng dệt may bình quân đầu người lớn thứ hai trên thế giới.
“Trung bình, một người Úc sẽ mua khoảng 15 kg quần áo mới mỗi năm”
Họ cũng sẽ thải bỏ khoảng 10 kg vào bãi rác, góp phần tạo ra hơn 200.000 tấn hàng dệt bị vứt đi mỗi năm.
Đó là một vấn đề ngày càng gia tăng mà Trưởng khoa và Giáo sư Trường Thời trang và Dệt may RMIT, Alice Payne, đang nỗ lực giải quyết.
"Bất cứ khi nào chúng ta vứt bỏ quần áo của mình, chúng ta đang thải bỏ những nguồn tài nguyên đáng kinh ngạc mà bạn biết đấy, có thể được sử dụng cho những việc khác và đang thải bỏ sức lao động cũng như nguyên liệu đã tạo ra chúng. Cho nên giữ các chất liệu càng lâu, về tổng thể sẽ càng tốt vì làm giảm tác động môi trường mà ngành này gây ra."
Giáo sư Payne cho biết việc giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng cho biết ngay cả những dự án nhỏ cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.
"Về phương pháp tiếp cận sáng tạo trong việc tái sử dụng hàng dệt may, tôi thấy rằng mặc dù nó có thể ở quy mô nhỏ và thích hợp, nhưng nó có thể có tác động lớn trong việc khuyến khích mọi người và truyền cảm hứng cho mọi người nghĩ khác về các vật liệu trong cuộc sống của họ ."
Su và Anneli chủ yếu sử dụng sợi áo phông từ những gì còn sót lại của nhà máy để dạy các lớp học của họ, nhưng Su cho biết họ cũng đang tìm nguồn cung ứng các loại vải dệt không còn dùng nữa tại địa phương dưới nhiều hình thức khác nhau.
Và đối với Anneli, nghề dệt bền vững chỉ là bước khởi đầu cho điều cô hy vọng sẽ là một sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm.
"Tôi cảm thấy tính bền vững là một tiến trình. Thật buồn cười khi nó là một danh từ, nghe có vẻ tĩnh tại, nhưng tôi nghĩ đó là một cách thực hiện mọi việc và chỉ là sự cần thiết hiện nay trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, không chỉ với tái chế quần áo của mình, nhưng chúng ta chỉ cần có ý thức hơn về các nguồn tài nguyên và cố gắng tận dụng tốt nhất những gì sẵn có."