Biểu tượng của Bunnings đã bị dùng để lừa đảo. Nguồn: AAP / Dave Hunt
AUSTRALIA - Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC) vừa cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo đầu tư và hứa hẹn lợi nhuận lên tới $250.000. Một số thậm chí còn giả mạo Bunnings.
Giới hữu trách đang cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới – trái phiếu đầu tư giả mạo, trong đó những kẻ lừa đảo mạo danh các công ty hợp pháp để chào mời các gói đầu tư không có thật.
Theo dịch vụ Scamwatch của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), những trái phiếu hợp pháp thường là hình thức cho doanh nghiệp hoặc chính phủ vay tiền, đổi lại nhà đầu tư nhận được lãi suất định kỳ.
Nhưng trong các vụ lừa đảo, kẻ gian thường cam kết lợi nhuận cao, khẳng định rằng trái phiếu của họ được chính phủ bảo đảm, và thậm chí còn có sự hậu thuẫn của Bunnings.
Những kẻ lừa đảo đưa ra các gói đầu tư từ $50.000 đến $50.000, hứa hẹn mức lợi nhuận lên đến 9 phần trăm.
Hồi năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) đã gỡ bỏ hàng ngàn trang web (trang mạng) lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo Bunnings.
Bunnings xác nhận họ biết về sự việc này và đã đăng tải cảnh báo trên trang web (trang mạng) chính thức.
Một số kẻ lừa đảo còn quảng bá các trái phiếu môi trường, hứa hẹn hỗ trợ giảm khí thải carbon, phát triển bền vững và giảm rác thải.
Ngoài việc chiếm đoạt tiền, kẻ gian còn sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.
Dấu hiệu nhận biết các trò lừa đảo đầu tư
Theo Scamwatch, người Úc đã mất gần 193 triệu đô-la vào năm 2024 trong các vụ lừa đảo đầu tư.
Những kẻ lừa đảo có thể thiết lập email giống với email của các chuyên viên môi giới hợp pháp. Chúng cũng tạo trang web (trang mạng) giả mạo bằng cách sử dụng thương hiệu của một doanh nghiệp có thật.
Scamwatch khuyên người dân không nên tin vào những lời mời gọi đầu tư bất ngờ, đặc biệt là từ những mối quan hệ trên mạng xã hội.
Luôn kiểm tra xem thông tin doanh nghiệp có khớp với trang web (trang mạng) chính thức của công ty hay không, và nếu bạn không chắc chắn, hãy gọi đến số điện thoại chính thức của tổ chức để kiểm tra.
Bạn cũng có thể kiểm tra trang mạng của ASIC để xác nhận xem người cung cấp khoản đầu tư có được cấp phép hay không, cũng như danh sách cảnh báo của Moneysmart về các công ty và trang web mà bạn không nên tin tưởng.
Cảnh báo của Bunnings
Bunnings trước đây đã từng đưa ra cảnh báo về các trò lừa đảo sử dụng trái phép tên và logo của công ty, dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy cơ hội nhận thẻ quà tặng, phần thưởng hoặc cơ hội việc làm không có thật.
Công ty viết trên trang web chính thức, “Bunnings không liên quan đến bất kỳ hoạt động nào nêu trên và không sử dụng email hoặc mạng xã hội cho bất kỳ chương trình khuyến mãi nào cung cấp thẻ quà tặng miễn phí.”
Lừa đảo đang cung cấp các giao dịch và giải thưởng giả mạo tại Bunnings. Nguồn: Được cung cấp / Bunnings (SBS)
Một trang web (trang mạng) lừa đảo tuyên bố sai sự thật là cung cấp trái phiếu đầu tư được Bunnings bảo lãnh. Nguồn: Được cung cấp/SBS
Nếu bạn cho rằng mình đã bị đánh cắp tiền hoặc thông tin cá nhân, hãy liên lạc với ngân hàng ngay lập tức.
Trình báo các vụ lừa đảo với IDCARE qua số 1800 595 160 hoặc trang mạng của Scamwatch.
(Theo SBS)