Victor Valdés đã từng trình diễn với huyền thoại nhạc rock người Úc, Jimmy Barnes, Nguồn: Facebook

 

 

Các buổi biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật đã bị buộc phải dừng hoạt động trong đại dịch COVID-19. Và khi các ngành nghề khác đang dần quay lại làm việc thì các nghệ sỹ vẫn chưa biết khi nào mới có thể lại được biểu diễn trên sân khấu.

 

Nghệ sỹ nhạc Rap L-FRESH The Lion đã quen với việc biểu diễn trước đám đông khán giả, nhưng giờ không có nơi nào được phép mở cửa trình diễn, công việc của anh hầu như không còn.

 

“Giờ đây không có việc, mọi công việc đều bị tạm dừng, chúng ta buộc phải thích nghi nhưng nhìn khắp xung quanh chỉ thấy việc làm bị mất.”

 

L-FRESH là một trong hàng trăm nghệ sỹ đang lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang trợ giúp ngành kỹ nghệ đang phải vật lộn xoay xở qua đại dịch, dự kiến bị thiệt hại hơn 500 triệu đô la chỉ trong vòng 6 tháng qua.

 

Anh nói lĩnh vực nghệ thuật tuy đem lại nhiều lợi nhuận những vẫn bị đánh giá thấp.

 

“Ngành nghệ thuật là ngành đem về hàng tỷ đô la cho nền kinh tế Úc, và đồng thời cũng đem lại những điều tốt đẹp cho con người, nhưng đến khi chúng tôi khó khăn thì có rất ít sự giúp đỡ dành cho chúng tôi.”

 

Nhiều người làm trong lĩnh vực nghệ thuật như nhạc công, kỹ thuật viên, hay người tổ chức sự kiện không đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp chính phủ, dù cho họ đã bị mất một khoản thu nhập đáng kể.

 

Tổ chức APRA AMCOS, một tổ chức hỗ trợ về bản quyền và âm nhạc là nơi đã trợ giúp soạn thảo bức thư gửi lên chính phủ. CEO của tổ chức này là ông Dean Ormston đã nói người ta thường không nhận ra ngành kỹ nghệ này đã bị ảnh hưởng nặng nề thế nào.

 

“Nói chính xác là các buổi biểu diễn nhạc sống đã chết, tất cả các địa điểm tổ chức cũng như các lễ hội âm nhạc, các sự kiện đều đã phải dừng hoạt động, mặc dù đó là điều phải làm trong tình hình này và ai cũng hiểu điều đó, nhưng chúng ta phải nhìn nhận là nó ngay lập tức tác động đến tất cả những người liên quan.”

 

Bức thư do các nghệ sỹ như Jimmy Barnes, Nick Cave và Jessica Mauboy ký tên, bao gồm 5 điểm chính.

 

Đó là, họ yêu cầu trợ cấp JobKeeper phải được mở rộng cho cả các nhạc công làm hợp đồng và gia hạn thời gian trợ cấp qua tháng Chín.

 

Họ đề xuất lập ra gói hỗ trợ lĩnh vực biểu diễn nhạc sống trị giá $345 triệu, trong đó $40 triệu là ngân sách trợ giúp hồi phục, tăng ngân sách cho Hội đồng Úc và khấu trừ thuế cho các địa điểm tổ chức nhạc sống.

 

Ông Ormston nói đây là đòi hỏi chính đáng vì quá trình hồi phục lại lĩnh vực nghệ thuật sẽ rất dài.

 

“Trong khi các ngành kỹ nghệ khác đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng các nhóm nhạc sẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể được trở lại biểu diễn tại các quán bar, hay đi lưu diễn. Phải mất hàng tháng trời để chuẩn bị một chuyến lưu diễn, vì thế chắc chắn mọi người sẽ không thấy nhóm nhạc nào biểu diễn hoặc sẽ không thấy một buỗi lễ hội âm nhạc nào trong một thời gian nữa, do đó việc gia hạn trợ cấp JobKeeper là điều cần thiết để giữ chân những người làm trong lĩnh vực này ở lại với nghề, vì họ là đối tượng bị mất việc lâu nhất và nặng nề nhất, trong khi các ngành khác đã quay lại làm việc từ xa.”

 

Biểu diễn nhạc sống là hoạt động quan trọng đem lại thu nhập chính cho bất kỳ nhạc công nào, nhưng giờ đây họ không còn lựa chọn đó.

 

Hầu hết tất cả 4,000 địa điểm tổ chức nhạc sống trên khắp nước Úc đã phải đóng cửa, mà không biết bao giờ mới có thể mở cửa hoạt động trở lại.

 

Roger Field, CEO của Live Nation, một trong những nhà tổ chức biểu diễn âm nhạc lớn nhất Úc, nói, họ đang đợi ngày trở lại.

“Chúng tôi là những người đầu tiên phải đóng cửa hoạt động, và cũng sẽ là người cuối cùng mở cửa hoạt động lại.”

 

Chính phủ liên bang chưa đưa ra cam kết chính thức nào.

 

Trong một thông cáo, phát ngôn nhân của Bộ Nghệ thuật Paul Fletcher trả lời SBS News “Bộ trưởng Fletcher vẫn thường xuyên đối thoại với lĩnh vực nghệ thuật, giải trí và phim ảnh, để gây dựng sự hiểu biết của chính phủ về những khó khăn cụ thể mà ngành này phải đối mặt và lộ trình để ngành này trở lại hoạt động.”

 

Đối với nghệ sỹ L-FRESH, anh tự tin lĩnh vực nghệ thuật sẽ vẫn sống sót.

 

“Đối với cá nhân tôi, thời gian này buộc tôi phải suy nghĩ tôi phải thay đổi gì, cần làm gì để thích nghi. Tôi biết chúng tôi sẽ sống sót qua khủng hoảng, nhưng chúng tôi có thể được động viên rất nhiều nếu có hỗ trợ từ chính phủ.”