Sự can thiệt vào Vùng Lãnh Thổ Bắc Úc của chính quyền Liên Bang Úc đã chấm dứt. Nguồn: NITV
AUSTRALIA - Mười lăm năm sau khi chính phủ liên bang thực hiện chính sách Can thiệp vào Lãnh thổ Bắc Úc, giờ đây luật cấm rượu tại nhiều cộng đồng xa xôi ở Bắc Úc đã hết hiệu lực, kết thúc một chương được cho là đáng xấu hổ trong lịch sử nước Úc.
Năm 2007, Thủ tướng John Howard khi đó đã cử quân đội và cảnh sát đến các cộng đồng xa xôi ở Lãnh thổ Bắc Úc để đối phó với bạo lực và các cáo buộc tấn công tình dục trẻ em.
Khi đó chính phủ đã cho đình chỉ Đạo luật Phân biệt chủng tộc để cho áp dụng lệnh cấm rượu và các biện pháp quản lý thu nhập bắt buộc.
Nhân viên y tế Marianne Skeen Lãnh thổ Bắc Úc giải thích cách các biện pháp này đã ảnh hưởng đến người dân trong cộng đồng như thế nào.
"Họ vơ đũa cả nắm. Họ coi tất cả đàn ông trong cộng đồng chúng tôi đều là những kẻ ấu dâm. Điều đó không đúng. Và họ buộc chúng tôi phải dùng thẻ quản lý thu nhập cho dù chúng tôi có muốn hay không.”
“Tôi luôn vận động chính phủ nên ngừng thực hiện những can thiệp này, ngừng làm những việc cho chúng tôi và để chúng tôi tự túc và điều hành cuộc sống của chính mình. Về căn bản, tôi phát ngán và mệt mỏi với việc chính phủ vào cuộc.”
Nhà văn Thomas Mayor và cũng là người ủng hộ Quyền người bản địa nói rằng, chính sách đó của chính phủ là một sự thất bại và đã dẫn đến tỷ lệ người Thổ dân bị giam giữ tăng lên.
Ông cho biết một trong những tác động của chính sách này là đã khiến mọi người ra khỏi cộng đồng và tiêu thụ rượu bia trên đường, làm bản thân và những người khác gặp nguy hiểm. Và điều đó dẫn đến việc người bản địa bị giam giữ nhiều hơn, và về căn bản là do họ không biết nguyên nhân thực sự của các vấn đề về rượu trong cộng đồng.
Vào chủ nhật vừa qua, luật cấm rượu của chính phủ liên bang áp dụng cho các cộng đồng Thổ dân xa xôi đã hết hiệu lực, điều đó có nghĩa là rượu đã trở thành hợp pháp lần đầu tiên sau 15 năm ở một số nơi.
Chính phủ Lãnh thổ Bắc Úc đã sửa đổi luật rượu của mình trước khi lệnh cấm của liên bang kết thúc. Họ đã giới thiệu một hệ thống ‘chọn tham gia’ mới, cho phép các cộng đồng riêng lẻ lựa chọn xem họ có muốn hạn chế rượu hay không. Cho đến nay, bảy cộng đồng đã chọn không tiêu thụ rượu.
Bà Marianne Skeen cho biết có những ưu và nhược điểm đối với việc cấm rượu. Tại nơi làm việc, người nhân viên y tế này đã hàng ngày nhìn thấy tác hại của rượu đối với con người. Bà nói nếu đơn giản chỉ cấm rượu mà không cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Tổng chưởng lý của Lãnh thổ Bắc Úc Chancey Paech cho biết hệ thống mới đã được thông báo để người dân địa phương hiểu rõ về những thay đổi.
“Chúng tôi đã làm việc với các cộng đồng ở xa trên khắp Lãnh thổ Bắc Úc để chắc chắn rằng họ có sẵn thông tin để có thể đưa ra quyết định có chọn tham gia hạn chế rượu hay không, hay sau khi luật liên bang hết hiệu lực, họ có thể sử dụng rượu trong cộng đồng.”
Trong khi có sự đồng thuận rộng rãi rằng các cộng đồng nên được trao quyền quyết định, thì chính phủ Bắc Úc đã bị cho là quá gấp rút trong quá trình này.
Các tổ chức của người Thổ dân đã nhiều lần nói rằng cách tiếp cận của chính phủ sẽ không hiệu quả và đã kêu gọi một hệ thống “chọn không tham gia” áp dụng cho những cộng đồng vẫn đang chịu lệnh cấm rượu.
Cảnh sát Bắc Úc và Đảng đối lập cũng đã nêu lên những lo ngại tương tự về việc thiếu tham vấn.
Bên cạnh đó, luật liên bang về quản lý thu nhập bắt buộc vẫn tiếp tục - điều mà chính phủ Albanese đã hứa sẽ bãi bỏ.
Thẻ quản lý thu nhập bắt buộc có nghĩa là những người Thổ dân được nhận tiền phúc lợi cũng phải được quản lý và không được dùng tiền mặt. Điều này hạn chế số tiền họ được sử dụng và hạn chế những thứ họ được chi tiêu, trong đó có rượu hoặc các sản phẩm cờ bạc, đồng thời cũng khiến việc mua đồ cũ bằng tiền mặt trở nên rất khó khăn.
Chính phủ Albanese đã hứa sẽ sớm bãi bỏ chính sách này, nhưng không đưa ra khung thời gian cụ thể.