Hình khách bộ trên đường phố.  Hình ảnh: gremlin/Getty Images

 

 

 

AUSTRALIA - Sự gắn kết xã hội ở Úc đang ở mức thấp nhất trong 17 năm qua, với nền kinh tế, vấn đề nhà ở, nhập cư và xung đột ở nước ngoài đều tác động đến các cộng đồng ở Úc.

 

 

Gắn kết xã hội là một chỉ số đã được Scanlon Foundation đo lường kể từ năm 2007.

 

Tiến sĩ James O'Donnell nhận định, trong báo cáo Bản đồ gắn kết xã hội của Scanlon Foundation, rằng "Sự gắn kết xã hội, những mối liên hệ và ràng buộc đoàn kết chúng ta với nhau. Mối liên hệ giữa người dân và chính phủ đã suy giảm kể từ năm 2020, kể từ đại dịch COVID-19."

 

Báo cáo đưa ra điểm số cuối cùng cho mức độ gắn kết xã hội Úc, năm nay là 78, điểm số thấp nhất từng được ghi nhận.

 

Điểm số cao nhất từ trước đến nay là 101 vào năm 2008. Nhưng Tiến sĩ O'Donnell cho biết kết quả vẫn ổn định trong năm nay.
 

"Con số này đã giảm xuống vào năm 2023, đặc biệt với sự xuất hiện của áp lực chi phí sinh hoạt. Nhưng ít nhất là trong 12 tháng qua, bất chấp tất cả thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong 12 tháng qua, rất nhiều chỉ số vẫn khá ổn định." 

 

 

Khoảng 8.000 người đã được khảo sát cho chỉ số đo lường sự gắn kết xã hội trong năm lĩnh vực khác nhau - giá trị, công lý xã hội và hòa nhập, sự chấp nhận, sự gắn kết và việc tham gia chính trị.

 

Kết quả cho thấy phần lớn người Úc vẫn có cái nhìn tích cực về chủ nghĩa đa văn hóa, mặc dù ngày càng lo ngại về số lượng người mới đến.

 

Gần một nửa người Úc tin rằng mức độ nhập cư quá cao - tăng 33% so với năm ngoái.

"Nhập cư là điều tuyệt vời đối với Úc. Tôi đến đây khi tôi tám tuổi. Mẹ tôi đến đây với tư cách là người tị nạn, điều đó thật tuyệt. Tôi nghĩ thật đáng buồn khi chính phủ hạn chế việc này."

"Nhìn chung, điều này có lợi cho Úc. Nếu mọi người đến đây có giấy tờ, không đến bằng đường biển thì chúng tôi chào đón các bạn."

"Điều này có lợi cho Úc. Nhưng chính phủ phải giải quyết vấn đề này rất cẩn thận để những người di cư đến đây có ích."

 

 

Peter Khalil được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về sự gắn kết xã hội vào đầu năm nay. Ông cho biết ông không lo ngại đến thái độ của mọi người đối với vấn đề nhập cư.

 Ông nói, “Người Úc muốn thấy một hệ thống nhập cư có tính toàn vẹn, hiệu quả, thực sự có thể lấp đầy tình trạng thiếu hụt kỹ năng mà chúng ta đang gặp phải.”

"Và điều thực sự quan trọng, điểm đáng khích lệ là trên thực tế, hơn 80% ủng hộ và hỗ trợ người di cư cùng những đóng góp của họ cho xã hội Úc. Họ ủng hộ xã hội đa văn hóa mà chúng ta đang có."

 

Hơn 40% người Úc được khảo sát đã mô tả bản thân là người nghèo hoặc đang gặp khó khăn trong việc trả các hóa đơn.

 

Tiến sĩ O'Donnell cho biết điều đó ảnh hưởng đến cảm giác được thuộc về của mọi người.

"Khi mọi người gặp khó khăn để trả các hóa đơn, chúng ta ít có cảm giác thuộc về nơi này, chúng ta ít có khả năng nói rằng chúng ta tin tưởng người khác và tin tưởng vào chính phủ. Chúng ta ít chấp nhận người khác, với sự khác biệt và đa dạng hơn chúng ta một chút."

 

Báo cáo cũng cho thấy thái độ lạnh nhạt với tôn giáo trong tất cả các nhóm tôn giáo lớn, ít người báo cáo rằng họ có sự thiện cảm đối với người theo đạo Thiên chúa, Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Sikh.

 

Thái độ đối với người Do Thái và người Hồi giáo cũng đang suy giảm, một phần là do cuộc chiến ở Gaza.

 

Một phần ba người Úc hiện chia sẻ rằng họ có thái độ vừa phải hoặc rất tiêu cực đối với người Hồi giáo, tăng 7 điểm so với năm 2023; thái độ tiêu cực đối với người Do Thái đã tăng từ 9% lên 13% so với năm ngoái.

 

Điều này không có gì gây ngạc nhiên với ông Alex Ryvchin từ Hội đồng điều hành người Do Thái Úc.

"Tôi không ngạc nhiên khi mọi người có cái nhìn tệ hơn về cộng đồng Do Thái. Chúng tôi chắc chắn đang cảm thấy điều đó, về mặt bị loại trừ, về mặt phân biệt đối xử, bị ngược đãi trên đường phố và chịu sự phỉ báng.”

 

Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Victoria, Adel Salman, cho biết năm ngoái là một năm đầy thách thức.

"Tôi nghĩ chúng ta nhìn chung là một xã hội gắn kết, nhưng không nghi ngờ gì nữa năm ngoái đã gây ra một áp lực rất lớn lên mối quan hệ của chúng ta."

 

 

Một số ngôn từ của các chính trị gia đã tác động đến quan điểm của mọi người về người Ả Rập và người Hồi giáo.

 

Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Victoria, Adel Salman, nói “Các chính khách thực sự đã khơi dậy cảm giác chống nhập cư, chống Hồi giáo, chống Ả Rập, chống Palestine. Tôi nghĩ điều đó thực sự tác động đến cộng đồng người Hồi giáo, người Ả Rập, cộng đồng người Palestine, những người cảm thấy thiếu sự hòa nhập và không thuộc về nước Úc.”

 

 

Ông Khalil cho biết chính phủ đã tập trung vào việc hỗ trợ cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo tại Úc.

"Bất cứ điều gì đang xảy ra ở phía bên kia thế giới đều không phải là lý do để tấn công ai đó, chỉ vì tín ngưỡng hoặc dân tộc của họ. Người Úc theo đạo Hồi và người Úc theo đạo Do Thái không nên chịu sự phân biệt đối xử và định kiến ​​như vậy.”

“Chính phủ liên bang đã nhận thức rất rõ những thách thức này. Đó là lý do chúng tôi đã hỗ trợ các cộng đồng bằng nhiều biện pháp xung quanh vấn đề bảo vệ sức khỏe tâm thần, các nhóm và tổ chức cộng đồng, trường học, trung tâm cộng đồng... tài trợ để cố gắng giúp các cộng đồng đó vượt qua giai đoạn khó khăn này và hỗ trợ họ."