Rabbi Zalman Kastel Nguồn: AAP

 

 

Hầu như không có ngày nào trôi qua mà không xảy ra một sự kiện cho thấy xã hội đang ngày càng bị rạn nứt. Vậy di sản nào mỗi cá nhân và xã hội sẽ để lại cho thế hệ tương lai? Đó là chủ đề của một cuộc hội thảo online xảy ra hồi cuối tuần qua, do Lễ hội Đa Văn hóa Úc Eid Festival.

 

Lễ hội Đa văn hóa Eid Festival là sự kiện thường niên thường được tổ chức và ngày chủ nhật sau ngày lễ Eid-Ul-Fitr kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.

 

Tuy nhiên đại dịch xảy ra đã khiến sự kiện này bị hủy bỏ.

 

Vì vậy, các nhà tổ chức lập ra một chương trình online, và nói rằng dù đang xảy ra đại dịch, nhưng họ vẫn muốn đặt một câu hỏi cần thiết để cùng thảo luận, đó là quốc gia, cộng đồng và mỗi cá nhân muốn để lại di sản gì cho thế hệ tương lai.

 

Trong buổi hội thảo, diễn giả đầu tiên là thượng nghị sĩ đảng Xanh tại NSW, bà Mehreen Faruqi, bà nói chúng ta có nghĩa vụ với những gì xảy ra trong đại dịch này.

 

‘Chúng ta không thể quay lại giống như thời gian trước khi đại dịch xảy ra, bởi vì chúng ta đã chứng kiến những nỗi bất công tồn tại, thậm chí rất lâu trước đó. Chúng ta không thể để mặc cho chính trị khắc nghiệt hủy diệt cơ hội xây dựng một tương lai công bằng và bền vững cho tất cả mọi người. Chúng ta biết rằng sự thắt lưng buộc bụng sẽ không chấm dứt được khủng hoảng, mà chỉ khiến khủng hoảng sâu sắc thêm’.

 

 

Bà nói nếu muốn thế hệ tương lai còn có điều gì đó để hy vọng về một cuộc đời đầy ý nghĩa, thì bây giờ chúng ta cần phải xây dựng lại các hệ thống, lấy lại tiềm năng của xã hội, từ mỗi chính phủ và tập đoàn, nhằm cứu rỗi hành tinh này và tạo ra cuộc sống tốt đẹp, vốn do các tập đoàn nắm giữ.

 

Ông Rabbi Zalman Kastel là Giám đốc Quốc gia của tổ chức Cùng nhau vì Nhân loại – một tổ chức hợp tác bởi những người Hồi giáo, Công giáo và Do Thái giáo đang làm việc trong các trường học của Úc.

 

Ông lớn lên ở Mỹ và nói ông hiểu được nỗi đau khổ mà những người Mỹ Phi Châu nói đến trong các cuộc biểu tình xảy ra khắp thế giới.

 

Ông chuyển đến sống ở Úc vào năm 1994 và hiểu được những người Thổ dân Úc đã gánh chịu sự kỳ thị như thế nào trên đất nước này.

 

Ông nói rằng câu khẩu hiệu “Mạng sống của người da đen cũng đáng giá”, lẽ ra không cần thiết phải nói ra, nhưng giờ đây đã đến mức phải trở thành một câu khẩu hiệu.

 

‘Nếu chúng ta muốn thách thức những niềm tin mù quáng và sự định kiến, chúng ta cần phải bắt đầu từ bản thân mình trước, nhìn vào bên trong con người mình và tự hỏi mình có mang một định kiến nào không, cũng như suy nghĩ của mình có cổ vũ cho sự bất công tiếp diễn hay không. Phương cách tự soi xét bản thân rất quan trọng trong truyền thống Do Tháo giáo’.

 

Dân biểu người Hồi giáo đầu tiên trong Hạ viện tiểu bang NSW là ông Jihad Dip.

 

Ông phát biểu tại hội thảo rằng thời điểm mà mọi người phải cách ly trong nhà, chính là cơ hội để suy nghĩ về những sự thách thức trong xã hội.

 

‘Mọi người có thể suy nghĩ khi ở yên trong nhà, bởi vì họ phải ngồi nhà với gia đình, và tìm cách kết nối lại với gia đình mình. Họ cũng phản ảnh những gì mình có thể làm để khiến thế giới này tốt đẹp hơn. Tôi tin tưởng vào một biện pháp có tên gọi là Kaizen, của người Nhật. Tôi sử dụng nó mọi lúc mọi nơi. Căn bản thì Kaizen có nghĩa là hãy làm mọi thứ cần làm, để bản thân có thể luôn luôn thay đổi và tốt hơn lên. Xã hội chúng ta đã tốt rồi, nhưng chúng ta có thể làm thêm những gì để nó được tốt đẹp hơn nữa không?’

 

Tiến sĩ Zuleyha Keskin là Giám đốc Khóa học tại Trung tâm Nghiên cứu các nền Văn Minh và Hồi giáo, thuộc trường đại học Charles Sturt.

 

Bà nói ảnh hưởng của COVID-19 đối với các trường đại học rất nặng nề với phần lớn thu nhập bị giảm sút – từ đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng các công trình nghiên cứu đang thực hiện.

 

Tiến sĩ Keskin trình bày những dữ liệu quan trọng – tiết lộ về nỗi sợ hãi Hồi giáo của người Úc – trong nghiên cứu của bà.

 

Bà nói cũng may là dữ liệu đã thu thập xong, nếu không nghiên cứu này sẽ rất khó đi tiếp.

 

‘Chúng ta đang sống trong một thế giới mà dữ liệu rất quan trọng, những con số thống kê rất quan trọng, việc xuất bản chính thức các công trình nghiên cứu khoa học rất quan trọng, và đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi thúc đẩy xây dựng dữ liệu trong nghiên cứu chúng tôi đang thực hiện, tiết lộ rằng nỗi sợ hãi người Hồi giáo là có thật, kết quả cho biết tới 70% phụ nữ đã chứng kiến điều này, mọi người đều như kẻ qua đường bàng quan, không ai đáp lại, không ai làm một điều gì cả. Vì vậy nghiên cứu này thật sự quan trọng để truyền thông có thể sử dụng và những cơ quan khác nữa’.

 

Ông Imam Adama Konda thuộc Trung tâm Hồi giáo Canberra nói chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sự kỳ thị về sắc tộc, giới tính và đẳng cấp.

 

Ông nói chúng ta đang gánh chịu sự đa nguyên vô thần và thuyết tương đối về đạo đức.

 

Ông nói điều này có nghĩa rằng mọi người sẽ nghĩ là họ không cần đến sự thật, hay đạo lý và các giá trị.

 

‘Không có gì đúng hoàn toàn, cũng như không có gì sai hoàn toàn. Nó phụ thuộc vào việc bạn muốn cái gì. Đó là thế giới chúng ta đang sống. Nhưng chúng ta cần phải để thế giới này vào trong quá khứ và đừng bao giờ nhìn lại nữa. Mà hãy nhìn xem mình sẽ ở đâu trong tương lai. Chúng ta phải nói về niềm hy vọng để vượt qua sự tuyệt vọng’.

 

Ông Rabbi Zalman Kastel nói chúng ta cần tiến đến một thời điểm mà mỗi cá nhân đều được vui mừng.

 

Ông nói chúng ta cần biết rằng mỗi người là một phần của một nhóm người, và hãy tự hỏi tại sao chúng ta lại sợ hãi những nhóm người khác đến thế.

 

Ông nói chúng ta nên hiểu biết về những nhóm người khác và lắng nghe kinh nghiệm của họ.

 

‘Có nhiều người nhìn thấy ai đó với khăn trùm đầu là họ thấy sợ. Nhưng người ở đằng sau tấm khăn đó là ai? Họ nghĩ điều gì? Tại sao họ làm như vậy? Có ai bỏ thời gian ra để tìm hiểu chưa? Cũng có nhiều người sợ hãi những người có bề ngoài giống như tôi. Họ liên hệ tôi với những vấn đề chính trị ở ngoại quốc, với những sự bất công xảy ra ở ngoại quốc, nhưng tôi cũng là một con người mà thôi.’