Ảnh: Getty Images/Adranik Hakobyan
“Quý vị chuẩn bị có gói hàng được DHL giao tới” là một trong những nội dung tin nhắn lừa đảo đang được gửi đến hàng ngàn người dân Úc, và đã có không ít người bị mắc bẫy.
Hình thức các tin nhắn lừa đảo sử dụng đang trở nên ngày càng tinh vi hơn khiến các nhà chức trách phải lên tiếng cảnh báo mức độ “nguy hiểm” về những tin nhắn lừa đảo, và kêu gọi người dân phải nâng cao cảnh giác.
Những tuần trước đây, tin nhắn lừa đảo thường thấy là thông báo cuộc gọi nhỡ và yêu cầu người dùng nhấn vào đường dẫn để nghe hộp thư thoại.
Tuy nhiên trong cuối tuần qua, kẻ lừa đảo đã thay đổi chiến thuật, người dân Úc bỗng bất ngờ nhận đuợc tin nhắn thông báo có gói hàng đang được gửi đến và phải nhấn vào đường dẫn để kiểm tra việc chuyển giao hàng.
Chiêu thức này đặc biệt nhắm đến những người dân đang sống ở hai thành phố lớn NSW và Victoria, những người hiện đang bị phong toả đồng nghĩa với việc mua sắm hàng hoá trên mạng đang tăng cao.
Uỷ hội Cạnh tranh và Bảo vệ Người Tiêu dùng Úc Đại Lợi (ACCC) đã xác nhận hình thức lừa đảo bằng tin nhắn Flubot đã được chuyển cách thức từ ngày 29/8/2021, từ cuộc gọi nhỡ và hộp thư thoại, nay đã thành những tin nhắn ‘thông báo giao hàng’.
ACCC cho biết “Chúng tôi đã nhận được những báo cáo về các tin nhắn dưới dạng thông báo có gói hàng đang được chuyển đến và đề nghị quý vị kiểm tra bằng cách nhấn vào đường dẫn,”
“Hãy xoá những tin nhắn đó ngay lập tức, và không được nhấn vào đường dẫn.
“Nếu muốn kiểm tra việc giao hàng, hãy dùng email xác nhận từ phía công ty bán hàng.”
Những nội dung tin nhắn này bao gồm:
“Hi. We have (1) package pending on your name. Schedule delivery now” (Xin chào. Chúng tôi có 1 gói hàng dưới tên quý vị đang chờ được giao. Chọn thời gian giao hàng ngay.)
“Your package with DHL (ePacket) is now in transit” (Gói hàng của quý vị với công ty DHL ePacket hiện đang trên đường vận chuyển)
“Your package is about to be delivered, track here.” (Gói hàng của quý vị chuẩn bị được giao, kiểm tra tại đây)
Nguồn: Twitter/PeachPanther
Đó là những nội dung thường thấy, kèm theo là đường dẫn đến địa chỉ mà nếu ai đó lỡ dại nhấp vào thì điện thoại sẽ bị nhiễm malware (phần mềm độc) khiến điện thoại bị hư hỏng và các dữ liệu cá nhân như tài khoản ngân hàng, mật khẩu sẽ bị đánh cắp, và từ đó những tin nhắn lừa đảo lại tiếp tục lan toả tới những người dùng mới có trong danh bạ điện thoại.
Kể từ khi hình thức lừa đảo này lần đầu được báo cáo từ ngày 4/8, Scamwatch đã nhận được 8,400 báo cáo với tổng số tiền bị lừa là $9,000 tính đển thứ Ba 31/8.
Tại châu Âu, loại hình lừa đảo này bắt đầu cũng từ cách thức hộp thư thoại sau đó phát triển một cách tinh vi hơn như tin nhắn giao nhận hàng. Và nay cách thức này đã lan đến Úc.
Nếu đã lỡ tay bấm vào đường dẫn, quý vị phải ngay lập tức liên lạc ngân hàng để kiểm tra số tiền trong tài khoản có bị mất mát không.
Quý vị cũng có thể cần đến sự trợ giúp của chuyên viên tin học để quét virus, sử dụng phần mềm diệt virus.
Và nếu bị mất thông tin cá nhân hãy liên lạc IDCARE hoặc gọi 1800 595 160, hoặc báo cáo cho ReportCyber.