Một con giun tròn dài 8 cm đã được lấy ra khỏi não của một phụ nữ 64 tuổi ở Úc. Nguồn: cung cấp/Các bệnh truyền nhiễm mới nổi 9 Supplied / Emerging Infectious Diseases)
Ký sinh trùng có mặt ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Vậy làm sao để tránh bị nhiễm bệnh?
Hồi tuần trước, tin tức về việc phát hiện một ký sinh trùng dài 8cm trong não một người phụ nữ ở NSW đã khiến dư luận xôn xao. Bệnh nhân trước đó đã nhập viện với các triệu chứng về dạ dày, ho khan, đổ mồ hôi vào ban đêm, và nhiều tháng sau bị trầm cảm và hay quên, dẫn đến việc phải chụp MRI não.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, ký sinh trùng này được xác định là loài giun tròn Ophidascaris robertsi, thường sống trên cơ thể trăn. Người phụ nữ trên có thể đã tiếp xúc với trứng giun khi thu thập và nấu một loại rau bản địa có tên là Warrigal greens.
Mặc dù đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp, nhưng có nhiều loại ký sinh trùng phổ biến hơn có thể xâm nhập vào cơ thể của bạn, bao gồm cả não.
Các loại ký sinh trùng phổ biến
Một trong những loại ký sinh trùng phổ biến nhất là giun kim (Enterobius vermicularis), có ở bên trong cơ thể của hơn một tỷ người trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ em. Giun kim có thể dài đến 1cm, gây ngứa hậu môn và chỉ có thể lây từ người sang người. Bạn không thể nhiễm giun kim từ vật nuôi.
Giardia cũng rất phổ biến và có thể bám trên thực phẩm, nước và các bề mặt. Ký sinh trùng lây truyền qua nước này có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và gây ra các triệu chứng dạ dày như tiêu chảy, chuột rút, đầy hơi, buồn nôn và mệt mỏi. U nang Giardia (túi nhỏ chứa ký sinh trùng chưa trưởng thành) lây lan bệnh và được thải ra ngoài qua phân, nơi chúng có thể tồn tại trong môi trường trong nhiều tháng trước khi bị con người tiêu thụ. Chúng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín (chẳng hạn như thịt cừu).
Hai loại giun móc – Necator americanis và Ancylostoma duadonale – được tìm thấy trong đất. Chỉ có Ancylostoma duodenale là đáng lo ngại ở Úc và thường được tìm thấy ở các cộng đồng xa xôi hẻo lánh.
Khi một người bị nhiễm bệnh (thường là do đi chân trần hoặc giày dép bị nhiễm bẩn), những con giun này sẽ xâm nhập vào máu và sau đó tấn công vào phổi. Từ phế quản ở phổi trên, chúng bị nuốt xuốnng cùng với chất tiết. Khi vào ruột và ruột non, chúng có thể gây thiếu máu (thiếu sắt). Đó là do chúng tiêu thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt. Chúng cũng tiết ra một chất chống đông máu có tác dụng ngăn chặn quá trình đông máu của vật chủ và gây mất một lượng máu nhỏ.
Rất may là những loại ký sinh trùng phổ biến này không lây nhiễm vào não.
Ký sinh trùng Toxoplasmosis có thể được truyền nhiễm bởi mèo. Nguồn: The Conversation
Ước tính khoảng 30 đến 50% dân số toàn cầu bị nhiễm Toxoplasma. Hầu hết mọi người sẽ không biểu hiện triệu chứng, nhưng một số người sẽ có dấu hiệu nhiễm trùng.
Những ký sinh trùng này có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm dưới dạng u nang mô nhỏ. Những u nang này có thể được tìm thấy trong não, tim và cơ bắp. Trẻ sơ sinh có thể sinh ra bị tổn thương mắt hoặc não nghiêm trọng nếu người mẹ bị nhiễm trùng trong lúc mang thai. Những người có khả năng miễn dịch suy giảm – chẳng hạn như do AIDS hoặc điều trị ung thư – cũng có nguy cơ nhiễm trùng qua mèo hoặc thịt chưa nấu chín.
Sán dây và amip
Sán dây có thể lây nhiễm sang các bộ phận khác nhau của cơ thể bao gồm não. Đây được gọi là bệnh sán dây thần kinh và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh động kinh trên toàn thế giới. Bệnh sán dây thần kinh không phổ biến ở các nước phương Tây và nhiễm trùng thường là do ăn thịt heo chưa nấu chín, hoặc do người nấu bị nhiễm sán dây. Điều này thường xảy ra ở nơi heo tiếp xúc với phân người qua hệ thống cống rãnh hoặc đường thủy.
Ấu trùng sán dây có thể lây nhiễm vào cơ và mô mềm. Mô não có thể là nơi ở cho ấu trùng vì mềm và dễ dàng xâm nhập qua các mạch máu. Nhiễm trùng não có thể gây đau đầu, chóng mặt, co giật, suy giảm nhận thức và thậm chí mất trí nhớ do tăng áp lực dịch não tủy.
Naegleria fowleri là một loại amip được tìm thấy ở sông, hồ và suối ở những vùng có khí hậu ấm áp, bao gồm Úc. Những người bơi trong vùng nước bị nhiễm khuẩn, có thể bị ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể qua mũi. Sau đó nó di chuyển đến não và phá hủy mô não. Tình trạng này hầu như luôn gây tử vong.
Làm sao để tránh nhiễm ký sinh trùng?
- Tránh ăn thịt heo sống hoặc chưa nấu chín. Việc đông lạnh thịt có thể giảm thiểu rủi ro (mặc dù tủ đông tại nhà có thể không đủ lạnh) và thịt phải được nấu ở nhiệt độ cao. Tránh ăn thịt heo nếu bạn đi du lịch ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
- Tránh bơi hoặc lặn ở những vùng nước ngọt có nhiệt độ ấm, đặc biệt nếu chúng có nguy cơ nhiễm khuẩn Naegleria fowleri. Mặc dù chỉ có một số ít trường hợp được báo cáo mỗi năm nhưng bạn vẫn nên cẩn thận.
- Rửa tay bằng xà bông, chà hai tay trong ít nhất 20 giây, sau đó rửa sạch và lau khô. Cắt móng tay thường xuyên.
- Để tránh ký sinh trùng từ đất, đặc biệt là ở vùng nông thôn, hãy giặt giày và để giày ở bên ngoài.