Phạm Bích Thủy trong một buổi tình bày về quyền lợi của người lao động (Image: AWATW)
Từ ngày 1 tháng Bảy năm 2025, tất cả nhân viên đủ điều kiện tại Úc sẽ được tăng lương tối thiểu 3.5%. Mức tăng này sẽ bắt đầu được áp dụng từ kỳ lương đầu tiên sau ngày 1 tháng Bảy. Chị Phạm Bích Thủy, thuộc tổ chức Phụ Nữ Á Châu Nơi Làm Việc (Asian Women at Work) nói phụ nữ di dân hoặc người thân gia đình họ có thể tìm trợ giúp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bị trả lương dưới mức quy đinh nhất là với những công việc không có hợp đồng lao động, làm khoán hoặc làm ăn sản phẩm.
Từ ngày 1 tháng Bảy năm 2025, tất cả nhân viên đủ điều kiện tại Úc sẽ được tăng lương tối thiểu 3.5%. Mức tăng này sẽ bắt đầu được áp dụng từ kỳ lương đầu tiên sau ngày 1 tháng Bảy.
Mức lương mới
Lương tối thiểu quốc gia: $948/tuần (cho nhân viên làm toàn thời gian 38 giờ/tuần), tương đương $24.95/giờ. Mức này đã tăng từ $915.90/tuần và $24.10/giờ của năm trước.
Nhân viên làm thời vụ (Casual): Tối thiểu $31.19/giờ. Mức này đã bao gồm phụ cấp 25% dành cho nhân viên thời vụ.
Ai sẽ được tăng lương?
Khoảng 20.7% nhân viên ở Úc, những người được trả lương theo mức tối thiểu của ngành nghề.
Những nhân viên không có hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận doanh nghiệp riêng.
Mức tăng này cũng áp dụng cho những người có hợp đồng doanh nghiệp, nếu mức lương cơ bản của họ thấp hơn mức tối thiểu mới.
Ai quyết định mức tăng này?
Ủy ban Công bằng Lao động (Fair Work Commission) là cơ quan độc lập quyết định và công bố mức lương tối thiểu hàng năm.
Thanh tra Công bằng Lao động (Fair Work Ombudsman - FWO) là cơ quan cung cấp thông tin, công cụ và hỗ trợ để đảm bảo người lao động được trả lương đúng.
Kiểm tra lương của bạn ở đâu?
Bạn có thể sử dụng công cụ "Pay Calculator" miễn phí trên trang web của Fair Work Ombudsman để kiểm tra mức lương mới của mình. Hoặc liên hệ trực tiếp với họ qua tổng đài 13 13 94. Có cả dịch vụ thông dịch viên miễn phí qua số 13 14 50.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của SBS về vấn đề này, Bà Phạm Bích Thủy - Nhân viên của tổ chức Asian Women at Work cho biết cho biết các chị em phụ nữ rất vui mừng trước thông tin tăng lương tối thiểu. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, việc tăng lương 3.5% đã giúp giảm bớt áp lực tài chính hàng ngày, đặc biệt đối với những người mới nhập cư và chưa ổn định cuộc sống.
Bà cho biết tổ chức của bà chủ động tiếp cận và truyền tải thông tin đến các chị em, bằng nhiều phương thức.
AWATWW thường xuyên tổ chức các buổi họp hội, thông tin để chia sẻ kiến thức về luật lao động nói chung và các quyền lợi riêng, đến tận nơi làm việc, ghé thăm các cơ sở như tiệm nail, farm, hãng xưởng vào giờ ăn trưa để trò chuyện trực tiếp với các chị em.
Kết nối qua các buổi hẹn hò cuối tuần: Chia sẻ thông tin và xây dựng lòng tin tại các quán cà phê.
Sử dụng mạng lưới hội viên: Các hội viên tích cực sẽ giới thiệu người thân, bạn bè gặp khó khăn đến với tổ chức.
Phối hợp với nghiệp đoàn: Cùng các nghiệp đoàn làm việc để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Về phía người lao động, việc kết nối với một tổ chức hội đoàn hỗ trợ sẽ giúp người lao động dễ dàng nhanh chóng tiếp nhận những thay đổi trong chính sách Úc, cungd như tìm sự giúp đỡ khi cần.
Bà Bích Thủy nêu lên thách thức lớn nhất là đôi khi người sử dụng lao động, có thể biết luật, đã lợi dụng sự thiếu hiểu vủa người lao động nhập cư mới đến để trả lương không theo quy đinh.
Về phía người lao động, đặc biệt là những người làm theo sản phẩm, làm tại nhà, hoặc làm trong các ngành như nail, các rào cản khiến họ phải chịu thiệt thòi như:
- Rào cản ngôn ngữ và thông tin: Họ không biết tiếng Anh và không chủ động tìm hiểu về luật lao động.
- Sợ mất việc: Tâm lý chung là sợ bị đuổi việc nếu lên tiếng đòi quyền lợi.
- Thiếu bằng chứng: Họ thường làm việc không có hợp đồng rõ ràng, chỉ theo thỏa thuận miệng, khiến việc khiếu nại gặp khó khăn.
- Sự thiếu hiểu biết: Không biết luật và không biết nơi nào có thể giúp đỡ.
Tất cả những yếu tố này khiến họ "cứ nín thinh" và chấp nhận mức lương thấp hơn quy định vì sợ bị mất việc hoặc không biết phải làm gì.
Theo bà Thủy, những người làm việc theo sản phẩm hoặc tại nhà thường bị trả lương "thỏa thuận" dưới mức quy định (cash in hand hoặc "underpayment"). Do không có hợp đồng lao động, họ dễ bị "ăn hiếp" và bóc lột sức lao động. Bà nhấn mạnh rằng người lao động có quyền khiếu nại nếu bị trả lương dưới mức quy định.
Bà Bích Thủy nói người lao động nên ghi lại "nhật ký công việc" (diary) để làm bằng chứng. Mặc dù không cần chủ ký tên, việc ghi lại số giờ làm, sản phẩm làm ra và số tiền được trả hàng ngày số giờ được hay bị yêu cầu làm thêm .... vẫn có hiệu lực pháp lý khi khiếu nại. Tổ chức cũng khuyến khích các chị em sử dụng các ứng dụng (app) trên điện thoại có hỗ trợ đa ngôn ngữ do chính phủ cung cấp để ghi lại nhật ký.
Lới khuyên của bà đối với người lao động về những điều mà cần biết khi làm việc tại Úc để bảo đảm họ nhận được mức lương và quyền lợi đúng theo quy định:
Lời khuyên quan trọng nhất là: "Hãy hiểu biết về luật pháp và đừng ngại lên tiếng!"
Bà Bích Thủy mong muốn cộng đồng người lao động nhập cư, đặc biệt là phụ nữ châu Á, cần:
- Hiểu rõ luật lao động và quyền lợi của mình: Tự tìm hiểu thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ: Tải các ứng dụng ghi nhật ký công việc (diary) trên điện thoại và sử dụng các công cụ tính lương trên trang web của chính phủ.
- Liên lạc với các tổ chức hỗ trợ: Nếu cảm thấy không tự tin hoặc không biết tiếng Anh, hãy liên hệ ngay với các tổ chức xã hội như Asian Women at Work. Họ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn và sử dụng thông dịch viên để hỗ trợ.
Bà nhấn mạnh rằng việc người lao động lên tiếng không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần cải thiện luật pháp và môi trường làm việc chung tại Úc.
Lưu ý:
Người sử dụng lao động phải trả lương theo mức mới ngay lập tức kể từ kỳ lương đầu tiên sau ngày 1 tháng Bảy.
Có những quy định riêng về lương cho người lao động trẻ, học viên, người khuyết tật.
Thông tin liên hệ:
Trang web: www.fairwork.gov.au
Số điện thoại: 13 13 94 (có dịch vụ thông dịch viên miễn phí)
Bạn có thể báo cáo vấn đề tại nơi làm việc một cách ẩn danh.
Hoặc liên lạc Phụ Nữ Á Châu tại Nơi Làm Việc Asian Women at Work